Facebook đang tham vọng dựng lên một thế giới ảo, dựa trên thế giới thật nhưng dữ liệu hoàn toàn do người dùng cung cấp, và bị kiểm soát bởi chính mạng xã hội nhiều tai tiếng này.
Bài viết là quan điểm của phóng viên Jessica Condit, Engadget.
Tại sự kiện Oculus Connect vừa qua, Facebook cho biết họ đang phát triển loại kính thực tế ảo tăng cường (AR). Để bổ trợ cho những bộ kính AR này, Facebook sẽ tái tạo một bản đồ thực tế ảo của Trái Đất để mọi người có thể sống trong thế giới ảo này.
Facebook Reality Labs là đơn vị phụ trách tạo nên LiveMaps, bản đồ thực tế ảo về thế giới. Giống như những ứng dụng thực tế ảo khác, LiveMaps sẽ hiển thị trực tiếp thông tin lên các địa điểm xung quanh vị trí của người dùng.
Một loạt lớp dữ liệu được thu thập để tạo nên thế giới 3D trên nền thế giới thật. Ảnh: Facebook |
Tuy nhiên, điểm khác biệt là Facebook sẽ dựng sẵn hình ảnh 3D của mọi địa điểm, chứ không cần camera của thiết bị kết hợp với dữ liệu vị trí như các giải pháp AR trước đây.
Tham vọng tạo thế giới ảo trên nền thế giới thật
Để xây dựng được hình ảnh 3D của thế giới, Facebook cho biết họ kết hợp nhiều công nghệ như thị giác máy tính (machine vision), ảo hóa và công nghệ bản đồ với đóng góp dữ liệu từ người dùng. Với 2,4 tỷ người dùng, Facebook có thể thu thập dữ liệu từ những bức ảnh đã đánh dấu vị trí để tạo nên phiên bản 3D của thế giới thực.
CEO Facebook Mark Zuckerberg |
Do cơ sở dữ liệu 3D đã được xây dựng từ trước, những bộ kính AR mới của Facebook sẽ không cần quét vật thể theo thời gian thực, qua đó tiết kiệm được sức mạnh xử lý.
Trong video nói về ứng dụng này, Facebook cho biết họ tạo ra "nhiều lớp thể hiện thế giới" từ dữ liệu do người dùng đóng góp, bản đồ truyền thống, ảnh chụp từ điện thoại và kính thực tế ảo.
Video này cũng giới thiệu những ứng dụng của thế giới thực tế ảo do Facebook tạo ra, như các thông báo hiện ra trước mắt, hay vật thể có thêm ô thông tin để mô tả nó là gì.
Những vật thể trong thế giới ảo của Facebook sẽ có thêm thông tin đi kèm để mô tả. Ảnh: Facebook |
Đây là cách Facebook đang muốn xây dựng một thế giới thực tế ảo do chính họ kiểm soát, vượt lên trên thế giới thật. Trong thế giới ảo của Facebook, đi đến đâu mọi người cũng nhìn thấy những thông tin, có thể gặp gỡ những người quen xa hàng nghìn km, và làm việc ở bất cứ nơi nào họ muốn.
Tuy nhiên, đó cũng là một viễn cảnh đáng sợ. Việc Facebook kiểm soát thế giới ảo này đồng nghĩa họ có thể thay đổi nó bằng bất cứ cách nào họ muốn.
Viễn cảnh đáng sợ
Với 2,4 tỷ người dùng, Facebook đã và đang thay đổi cách chúng ta suy nghĩ về sự thật. Họ thường xuyên bị chỉ trích về cách sử dụng dữ liệu người dùng, can thiệp vào chính trị, các vấn đề xã hội, và không ngăn chặn được nạn tin giả.
LiveMaps còn là một tham vọng lớn hơn, khi Facebook muốn thay thế những gì có thật, trước mắt bằng một phiên bản giả tạo do CEO Mark Zuckerberg nắm quyền kiểm soát.
Số lượng người dùng khổng lồ của Facebook là lợi thế quá lớn đối với những nhà phát triển, khi Facebook có thể cung cấp lượng thông tin đủ để tạo nên một thế giới thứ hai.
Điểm khác biệt trong thế giới ảo của Facebook là mọi thứ đều đã được dựng sẵn thành hình ảnh 3D. Ảnh: Facebook |
Điều đáng sợ hơn nữa là chúng ta, những người dùng Facebook rồi sẽ chấp nhận LiveMaps. Người dùng Facebook hiện tại chấp nhận mất đi quyền riêng tư để kết nối với những người quen biết, theo dõi những thông tin họ thích và không rời mắt khỏi điện thoại. Nếu AR hoạt động theo cách mà Facebook mô tả, chúng ta sẽ sử dụng nó hàng ngày, ở bất cứ nơi đâu.
Facebook là một trong số ít công ty sở hữu đủ dữ liệu để triển khai thực tế ảo tăng cường trên diện rộng. Google, Microsoft hay Amazon là những cái tên còn lại. Thực tế là các công ty này đã và đang tác động đến từng quyết định của chúng ta. AR sẽ đẩy mức độ ảnh hưởng đó lên một tầm mới.
Xóa ứng dụng Facebook khỏi điện thoại tương đối đơn giản. Tuy nhiên, từ chối thứ "thực tế" mà chúng ta đã quen thuộc, do các công ty này cung cấp sẽ khó khăn hơn rất nhiều, nhất là khi thế giới đó còn tràn ngập thông tin, cơ hội làm việc và những công cụ giao tiếp hơn cả thế giới chúng ta đang sống.
Theo Zing/Engadget