Thời sự - Bình luận

Chấm dứt cách thi cũ

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
Kỳ thi cuối cùng theo chương trình giáo dục phổ thông cũ đã kết thúc với những niềm vui và cả nỗi lo khi đề thi vẫn "rất cũ".

Sau mỗi lời giải thích là một cái tặc lưỡi: "Thôi nốt năm nay, sang năm thi theo cách mới rồi".

Hàng chục năm nay, trước mỗi kỳ thi quốc gia là một lần dư luận lại rôm rả, xôn xao tham gia đoán đề thi môn ngữ văn. Nghe thì có vẻ ly kỳ nhưng thật ra cũng không có gì quá bí hiểm. Bộ GD-ĐT trong hướng dẫn ôn tập bao giờ cũng có một câu, đại loại: "Đề thi nằm trong chương trình giáo dục phổ thông, chủ yếu tập trung ở lớp 12" hoặc "ôn thi bám sát sách giáo khoa"… Chương trình giáo dục phổ thông 2006 thì chỉ có một chương trình, một bộ sách. Sách giáo khoa ngữ văn lớp 12 thì cũng chỉ có một số ít tác phẩm văn học.

Đã vậy, lâu nay "luật bất thành văn" là chỉ ra đề vào tác phẩm văn học trong nước, không lấy tác phẩm nước ngoài. Vậy là đề thi môn ngữ văn ở phần văn học chỉ quanh đi quẩn lại bằng ấy tác phẩm. Bộ trưởng Bộ GD-ĐT vài năm nay cũng "phất lên ngọn cờ" triệt tiêu văn mẫu nhưng qua chính kỳ thi quốc gia do Bộ chịu trách nhiệm ra đề, có thể khẳng định văn mẫu vẫn còn dư địa lớn để tồn tại.

Giải thích về việc tác phẩm văn học trong đề thi môn ngữ văn năm nay trùng với suy đoán trên mạng xã hội trước ngày thi, Bộ GD-ĐT cũng thừa nhận: "Số lượng tác phẩm văn học trong chương trình hiện hành và phạm vi ra đề là có giới hạn. Do đó, việc suy đoán đúng tên tác phẩm, tác giả được sử dụng trong đề thi là ngẫu nhiên và có thể xảy ra".

Những giáo viên tâm huyết và trăn trở với việc dạy học, kiểm tra, đánh giá môn ngữ văn lâu nay cũng đành hy vọng: từ sang năm, khi ngữ liệu trong đề thi hoàn toàn là những văn bản bên ngoài sách giáo khoa, đề thi ngữ văn trong kỳ thi tốt nghiệp THPT 2025 sẽ đem lại nhiều hứng thú, thách thức và cơ hội cho các thí sinh yêu văn chương, ham hiểu biết, khám phá, có tư duy độc lập, không thích đi theo lối mòn.

Đâu chỉ môn văn. Với các môn thi trắc nghiệm, lâu nay các chuyên gia toán học, các nhà lịch sử… cũng đã không ít lần lên tiếng, thậm chí kiến nghị tập thể đề nghị Bộ GD-ĐT xem lại cách thi này vì nó làm ảnh hưởng đến phương pháp tư duy, khả năng đặt vấn đề, giải quyết vấn đề của học sinh.

Bộ GD-ĐT cũng đã nhận ra cách thi trắc nghiệm cần thay đổi. Do vậy, kỳ thi năm nay cũng là kỳ thi cuối cùng có cách ra đề trắc nghiệm mà 100% câu hỏi đều theo dạng thức 4 lựa chọn. Nhiều ý kiến cho rằng, từ năm sau, với cấu trúc định dạng đề thi mới, xác suất có điểm do "chọn bừa" đáp án sẽ giảm.

"Thi thế nào, học thế ấy" là cách tư duy gây nhiều tranh cãi nhưng nó là một tồn tại thực tế. Các nhà trường đang nỗ lực thay đổi cách dạy học để ứng với thay đổi trong kỳ thi tốt nghiệp THPT từ năm sau.

Có thể bạn quan tâm