Kinh tế

Chăm lo đời sống người lao động

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Xác định công tác dân vận là một trong những nhiệm vụ quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế, những năm qua, Công ty TNHH một thành viên Cao su Chư Pah đã bám sát và bám chắc cơ sở, lắng nghe và tìm hiểu cũng như giải quyết tốt nhu cầu cho người lao động. Từ đó, người lao động ngày càng gắn bó, đồng hành cùng Công ty, tăng gia sản xuất, phát triển kinh tế, đảm bảo an ninh chính trị trên địa bàn.
 

Công nhân thu hoạch mủ. Ảnh: Như Nguyện
Công nhân thu hoạch mủ. Ảnh: Như Nguyện

Với phương châm phát triển cây cao su đến đâu, tuyển dụng người dân tộc thiểu số ở đó vào làm công nhân, Công ty TNHH một thành viên Cao su Chư Pah là một trong những đơn vị có số lao động người dân tộc thiểu số địa phương cao nhất. Công ty hiện có khoảng 3.000 lao động, chiếm 70% trong số đó là lao động người dân tộc thiểu số.

Nhằm đảm bảo đời sống cho người lao động, Công ty đã triển khai nhiều chương trình, dự án như dự án trồng cao su, chăn nuôi, chương trình cải tạo vườn tạp, đưa các giống mới vào sản xuất nông nghiệp, chương trình ngói hóa nhà ở trong công nhân người dân tộc thiểu số và cộng đồng dân cư… Công ty còn thực hiện khai hoang hàng trăm ha đất sản xuất và đất ở giúp cho đồng bào trên địa bàn có cây cao su bảo đảm cuộc sống và có thu nhập ổn định. Đến nay, công nhân là người dân tộc thiểu số của Công ty đều được nhận khoán vườn cây lâu dài từ 5 đến 7 ha/hộ và cao su khai thác là 3 ha/hộ.

 

Hiện nay, diện tích cao su của Công ty đã định hình 11.392,02 ha, diện tích khai thác chiếm 69,2%... Định hướng đến cuối năm 2015, Công ty có 30.000 ha cao su; đưa diện tích khai thác lên 7.000 ha; tổng sản lượng khai thác là 60.200 tấn cao su quy khô, bình quân 12.000 tấn cao su quy khô/năm…

Bên cạnh đó, Công ty còn tạo điều kiện cho các hộ công nhân khó khăn được vay vốn từ quỹ phúc lợi không tính lãi, mỗi hộ vay từ 2 triệu đồng đến 10 triệu đồng để mua con giống, cải tạo vườn tạp, tăng thu nhập. Công ty còn tín chấp cho các hộ vay tại ngân hàng trên 14 tỷ đồng để phát triển sản xuất. Từ những việc làm trên, đến nay đời sống của công nhân người dân tộc thiểu số đã dần ổn định và có trên 50% số hộ đã biết làm giàu từ kinh tế gia đình, không còn nhà tranh tre nứa lá, không còn hộ đói nghèo, 100% công nhân người dân tộc thiểu số có xe máy, mua sắm ti vi, đầu máy, có hộ mua được phương tiện cơ giới phục vụ sản xuất như xe công nông, máy bơm nước, máy gặt lúa cầm tay….

Người lao động có thu nhập ổn định và ngày càng được nâng cao, đảm bảo đời sống, ổn định kinh tế nên càng hăng hái trong tăng gia sản xuất, góp phần đưa sản lượng khai thác mủ cao su năm 2012 lên 8.829,51 tấn, đạt tổng doanh thu 593,938 tỷ đồng, tổng lợi nhuận 160,4 tỷ đồng, nộp ngân sách nhà nước 39,167 tỷ đồng, thu nhập tiền lương bình quân 6,35 triệu đồng/người/tháng.

Cùng với việc nâng cao đời sống vật chất cho công nhân, Công ty chú trọng đến việc chống tái mù, nâng cao trình độ học vấn và tay nghề. Trong 5 năm qua, Công ty đã mở 6 lớp bổ túc văn hóa cấp I và 4 lớp bổ túc văn hóa cấp II cho hơn 300 công nhân; mở 51 lớp đào tạo thợ cạo mới và đào tạo lại tay nghề cho 4.238 lượt công nhân khai thác và gia thuộc…; chọn con em đồng bào dân tộc thiểu số gửi đi học các lớp đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp, được cấp 100% kinh phí đào tạo… Công ty thường xuyên phối hợp với địa phương tuyên truyền các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, vận động bà con dần bỏ các tập tục lạc hậu, tích cực lao động sản xuất xây dựng kinh tế gia đình, xây dựng đơn vị, thôn làng, tổ đội, nông trường trở thành công sở văn hóa và thôn làng đạt chuẩn văn hóa. Các hoạt động xã hội, nhân đạo, từ thiện luôn được chú trọng. Công ty thường xuyên thăm hỏi, động viên gia đình chính sách và người có công với nước, gia đình công nhân gặp khó khăn trong cuộc sống…

Như Nguyện

Có thể bạn quan tâm