Sức khỏe

Chăm sóc sức khỏe tinh thần: Đừng để quá muộn

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

(GLO)- Sức khỏe tinh thần là yếu tố hết sức quan trọng trong đời sống, song lại chưa được quan tâm đúng mức, dẫn đến nhiều hệ lụy. Đây là vấn đề chung của toàn xã hội. 

Vậy nên, cùng với sức khỏe thể chất, chăm sóc sức khỏe tinh thần cần được chú trọng đầy đủ, đừng để quá muộn mới quan tâm đến vấn đề này.

Đầu tháng 10-2024, Thạc sĩ Phạm Quỳnh Lam-Giám đốc Trung tâm Phát triển kỹ năng Awake Gia Lai khai trương văn phòng tư vấn tâm lý đầu tiên trên địa bàn tỉnh tại địa chỉ 07 Lý Tự Trọng, TP. Pleiku. Chưa đầy 3 tuần, văn phòng đã nhận tư vấn cho gần 40 trường hợp.

thac-si-pham-quynh-lam-tu-van-tam-ly-cho-mot-khach-hang-tai-van-phong-tu-van-tam-ly-awake-gia-lai-1596-7678.jpg
Thạc sĩ Phạm Quỳnh Lam tư vấn tâm lý cho khách hàng tại Văn phòng Tư vấn tâm lý Awake Gia Lai. Ảnh: L.N

Thạc sĩ Phạm Quỳnh Lam cho hay, trước khi chính thức mở văn phòng, Trung tâm Phát triển kỹ năng Awake Gia Lai đã tư vấn cho khoảng 1.000 trường hợp trong 8 năm qua.

Trong đó, một số đối tượng là người gặp các vấn đề về tâm lý như trầm cảm theo mùa; trầm cảm cười (khó nhận ra bởi vẻ ngoài lạc quan đã che giấu những triệu chứng ngầm bên trong). Họ không giỏi bày tỏ cảm xúc, tự ti trong việc nói ra bằng lời những thất bại của bản thân nên rất cần được hỗ trợ về tinh thần.

Phần đông là học sinh chịu áp lực lớn từ gia đình, điểm số, bạo lực tinh thần trong quan hệ bạn bè ở trường học và chính từ những thay đổi tâm sinh lý tuổi dậy thì.

“Các em cần được lắng nghe nhưng hầu như phụ huynh đều cho rằng đó là những vấn đề nhỏ nhặt, không hiểu sao con lại “làm quá” lên. Có trường hợp uống thuốc ngủ tự vẫn, may mà cứu kịp”-Thạc sĩ Phạm Quỳnh Lam cho biết.

Theo định nghĩa của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), “sức khỏe là trạng thái hoàn toàn khỏe mạnh về thể chất, tinh thần và xã hội chứ không chỉ đơn thuần là không bệnh tật hay ốm đau”. Sức khỏe tinh thần là trạng thái mà con người nhận thức được khả năng của bản thân, có thể đối phó với những căng thẳng thông thường, vẫn làm việc hiệu quả và đóng góp cho cộng đồng.

Hội thảo “Tăng cường hệ thống chăm sóc sức khỏe tâm thần” do Bộ Y tế tổ chức tại Hà Nội vào tháng 10-2023 đưa ra những con số thống kê đáng chú ý: Năm 2019, WHO ước tính cứ 8 người thì có 1 người đang sống chung với rối loạn tâm thần; trong đó, rối loạn lo âu và trầm cảm là phổ biến nhất. Đặc biệt, đại dịch Covid-19 đã gây ra một cuộc khủng hoảng sức khỏe tâm thần toàn cầu với khoảng hơn 25% dân số bị rối loạn lo âu và trầm cảm trong năm 2020.

Tại Việt Nam, tỷ lệ mắc rối loạn tâm thần thường gặp chiếm 14,9% dân số. Ở trẻ em, khoảng hơn 3 triệu trẻ có nhu cầu chăm sóc sức khỏe tâm thần. Theo số liệu từ Bộ Y tế, mỗi năm, cả nước có khoảng 40.000 người tự sát, trong đó chiếm tỷ lệ đáng kể là học sinh và thanh niên.

Theo các bác sĩ, chuyên gia bộ môn Tâm thần (Trường Đại học Y Hà Nội), hiện nay, nguồn nhân lực chăm sóc sức khỏe tâm thần trong cả nước thiếu về số lượng lẫn chất lượng; tỷ lệ phân bổ không đồng đều, tập trung nhiều ở vùng đồng bằng sông Hồng và TP. Hồ Chí Minh, còn khu vực miền núi phía Bắc, Tây Nguyên và Tây Nam Bộ rất ít.

Các trường học có chuyên viên tâm lý học đường nhưng hiệu quả cũng không cao vì hầu hết kiêm nhiệm hoặc chỉ học qua một chứng chỉ ngắn ngày.

Trao đổi với P.V, bác sĩ Hoàng Ngọc Thành-Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi tỉnh-cho hay, Bệnh viện tiếp nhận nhiều bệnh nhi cần tư vấn và điều trị về tâm lý, tuy nhiên, do chưa có khoa chuyên sâu nên phải chuyển lên tuyến trên.

Nhịp sống gấp gáp đặt ra nhiều áp lực khiến con người dễ rơi vào rối loạn lo âu, trầm cảm. Đó cũng là lý do năm nay cuộc thi khoa học kỹ thuật cấp trường tại Trường THCS Nguyễn Huệ (thị xã Ayun Pa) có đến 3 đề tài liên quan đến sức khỏe tâm thần.

Em La Gia Bảo và Lê Ngọc Khả Hân (lớp 6) cho biết, các em đang khảo sát, thực hiện đề tài “Thực trạng và giải pháp nâng cao trí tuệ cảm xúc giúp học sinh THCS Nguyễn Huệ vượt qua khủng hoảng tâm lý tuổi dậy thì”. Theo các em, học sinh tuổi này gặp nhiều khó khăn, thậm chí là khủng hoảng trong mối quan hệ với bạn bè, gia đình, thầy cô.

“Giải pháp chúng em đưa ra gồm: cung cấp kỹ năng nâng cao trí tuệ cảm xúc thông qua ứng dụng mạng xã hội; giao lưu với diễn giả tâm lý; thiết kế lồng ghép tiết hoạt động trải nghiệm với chuyên đề nâng cao cảm xúc trí tuệ. Bên cạnh đó, tuyên truyền lối sống lành mạnh; giới thiệu những cuốn sách hay viết về tuổi dậy thì và rèn luyện các kỹ năng thông qua Fanpage của Liên Đội”-em Lê Ngọc Khả Hân cho hay.

Ngày 29-1-2022, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 155/QĐ-TTg phê duyệt Kế hoạch quốc gia phòng-chống bệnh không lây nhiễm và rối loạn sức khỏe tâm thần giai đoạn 2022-2025.

Trong đó có mục tiêu “tăng cường kiểm soát các yếu tố nguy cơ gây bệnh, đẩy mạnh các biện pháp dự phòng, phát hiện sớm và quản lý điều trị các bệnh tâm thần phân liệt, động kinh, trầm cảm, sa sút trí tuệ và các rối loạn sức khỏe tâm thần khác nhằm góp phần bảo vệ, chăm sóc, nâng cao sức khỏe của Nhân dân và phát triển kinh tế-xã hội của đất nước”.

Bộ Y tế cũng đang xây dựng Đề án “Tăng cường năng lực hệ thống chăm sóc sức khỏe tâm thần” để trình Chính phủ phê duyệt, làm cơ sở triển khai trong giai đoạn tới.

Việc năm nay Đại học Y Hà Nội lần đầu tiên xét tuyển khối C cho ngành mới mở là Tâm lý học đã cho thấy tính cấp thiết của vấn đề trên. Đại diện nhà trường lý giải, đây là ngành thuộc lĩnh vực khoa học xã hội và hành vi, có nhiều phần kiến thức liên quan đến các môn xã hội với các môn cơ sở gồm: Nhân học và xã hội học sức khỏe, Cơ sở văn hóa Việt Nam, Giáo dục và nâng cao sức khỏe, Tâm lý học xã hội, Tâm lý học nhận thức, Tâm lý học giáo dục, Sức khỏe tâm thần, Tham vấn tâm lý...

Đúng như nhận định của Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn, giờ đây, chăm sóc sức khỏe tâm thần là vấn đề của toàn xã hội, không của riêng ai và không của riêng cấp bậc hành chính nào.

Có thể bạn quan tâm