TN - Đất & Người

Chanh đào "bén" đất Đak Pơ

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Năm 2015, khi ông Nguyễn Hữu Thương (thôn 2, xã Hà Tam, huyện Đak Pơ) phá bỏ gần 2 ha mía để chuyển sang trồng chanh đào, nhiều người dân nơi đây bảo ông bị “khùng”. Thế nhưng, vườn chanh đào này lại mang về cho gia đình ông hàng trăm triệu đồng mỗi năm.

Ông Thương kể: “Đầu năm 2015, một người bạn ở tỉnh Hòa Bình vào chơi và giới thiệu với tôi về mô hình trồng chanh đào cho thu nhập khá. Thực hư chưa biết, tôi đánh liều nhờ bạn mua giúp 500 gốc chanh đào gửi vào. Để có đất trồng chanh đào, tôi phá bỏ gần 2 ha mía năm thứ 2. Khi thấy tôi phá mía, nhiều người cho rằng tôi bị “khùng”. Bỏ qua những lời gièm pha, tôi tập trung vào cải tạo đất rồi xuống giống chanh đào. Sau 12 tháng chăm sóc, cây đã cho những chùm quả trĩu cành. Ngay vụ đầu, tôi đã thu hồi vốn và còn lãi gần 100 triệu đồng”.

 

Vườn chanh đào của ông Thương rất sai quả. Ảnh: N.M
Vườn chanh đào của ông Thương rất sai quả. Ảnh: N.M

Bước sang năm thứ 2, vườn cây được ông Thương chăm chút kỹ càng, đầu tư phân bón đầy đủ nên cho rất nhiều quả. Thế nhưng, do thiếu kinh nghiệm phòng trừ sâu bệnh nên toàn bộ vườn chanh đào của ông bị bọ trĩ, nhện đỏ phá hại. Những quả chanh đang xanh bóng dần chuyển sang nám bạch, sần sùi. Ông Thương phải cắt bỏ, đổ đi cả chục tấn quả.

Rút kinh nghiệm, năm nay, ông Thương nhờ kỹ sư nông nghiệp về hướng dẫn quy trình chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh ngay từ những ngày đầu chanh đào ra hoa. Nhờ đó, vườn cây đã được hạn chế tối đa các loại sâu bệnh gây hại. Đồng thời, cây được bón các loại phân vi sinh kịp thời, hợp lý nên sinh trưởng, phát triển rất tốt.

Để chanh dây dễ tiêu thụ và tăng giá trị, ông Thương tìm cách làm cho cây ra quả trái vụ. Kết hợp giữa kinh nghiệm học hỏi được và quy trình chăm sóc khoa học, ông Thương đã thành công với cách làm này. Hiện nay, 500 gốc chanh đào của gia đình ông lúc nào cũng trĩu quả. Ông Thương cho biết: “Vụ này, vườn chanh đào của gia đình tôi thu được khoảng 20 tấn quả. Hiện tại, chanh được thương lái từ TP. Hồ Chí Minh, Đak Lak, Đà Nẵng, Quảng Ngãi bao tiêu với giá 50.000 đồng/kg. Với mức giá này, gia đình tôi có thể thu về khoảng 700-800 triệu đồng, sau khi trừ các khoản chi phí còn lãi trên 500 triệu đồng”.

Theo ông Thương, chanh đào trồng tại Đak Pơ có mùi thơm nồng, vị chua thanh, màu hồng đậm, múi mọng, đặc biệt không có lõi xốp ở giữa nên được thương lái mua với giá cao hơn chanh đào trồng ở các vùng miền khác10-12 ngàn đồng/kg. “Nhận thấy cây chanh đào sinh trưởng, phát triển tốt, cho thu nhập cao, nhiều hộ dân trong vùng đã tìm tới tôi học hỏi kinh nghiệm và mua giống về trồng”-ông Thương cho hay.

Hiện nay, trên địa bàn xã Hà Tam đã có một số hộ dân chuyển đổi diện tích cây trồng kém hiệu quả sang trồng chanh đào. Ông Hoàng Phi Ấn-Chủ tịch UBND xã Hà Tam, cho biết: Việc người dân lựa chọn chuyển đổi cây trồng phù hợp, đảm bảo đầu ra, mang lại hiệu quả kinh tế cao là hướng đi bền vững. Với hướng đi này, một số hộ dân nơi đây đã góp phần làm đa dạng hóa các giống cây trồng, nhất là cây ăn trái, qua đó thúc đẩy kinh tế địa phương phát triển.

Ngọc Minh

Có thể bạn quan tâm