Pháp luật

Tin tức

Xét xử vụ sai phạm tại BQLRPH Bắc Biển Hồ: Một số bị cáo kêu oan

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Ngày thứ 3 của phiên tòa xét xử sơ thẩm bị cáo Nguyễn Đức cùng đồng phạm tiếp tục diễn ra căng thẳng khi Đức cùng một số bị cáo khác một mực kêu oan cho rằng mình vô tội.
Bị cáo kêu oan
Ngày xét xử thứ 3, phiên tòa tập trung phần tranh luận giữa các bị cáo, luật sư bảo vệ quyền lợi cho các bị cáo và đại diện Viện kiểm sát nhân dân (VSKND) tỉnh Gia Lai thực hiện quyền công tố. Về phía Đức cùng 2 luật sư bảo vệ quyền lợi cho Đức đều giữ nguyên quan điểm cho rằng Đức đã không phạm cả 2 tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” và tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”. 
Các luật sư cho rằng, số tiền 472 triệu đồng mà VKSND tỉnh truy tố Đức và Cườm không nộp vào ngân sách là do vào thời điểm đó, các cơ quan chức năng không cung cấp đủ kinh phí để Ban Quản lý Rừng phòng hộ (BQLRPH) Bắc Biển Hồ hoạt động nên Đức không còn cách nào khác là chuyển số tiền vào quỹ tiền mặt của cơ quan. Nhiều khoản chi phí phục vụ lâm sinh cũng như cho nhân viên ứng lương được sử dụng từ số tiền này. “Thân chủ của tôi đã sử dụng số tiền trên không phải chi tiêu cá nhân mà phục vụ cho cả đơn vị nên cần xem xét lại động cơ, mục đích, làm rõ việc cố ý là cố ý cái gì”-luật sư Nguyễn Khắc Tuấn thuộc đoàn Luật sư Hà Tĩnh bảo vệ cho Đức nói. 
Bị cáo Đức một mực kêu oan. Ảnh: Văn Ngọc
Bị cáo Đức một mực kêu oan. Ảnh: Văn Ngọc
Bên cạnh đó, bị cáo Đức cũng cho rằng yếu tố gây hậu quả nghiêm trọng là chưa cấu thành. Đức cho biết: “Bây giờ BQLRPH Bắc Biển Hồ phải làm việc với Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng cũng như thu lại tiền từ các nhân viên đã ứng lương thì số tiền sẽ cân đối với hơn 472 triệu đồng, số tiền chưa mất đi nên không đủ yếu tố để nói rằng bị cáo đã gây hậu quả nghiêm trọng”.
Về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”, luật sư Tuấn giữ quan điểm cho rằng tồn tại quá nhiều bản đồ có sự mâu thuẫn lẫn nhau. Trong đó có bản đồ thể hiện diện tích đất của Đức và bà Mai Thị Ngọc Thỏa không nằm trong diện tích đất rừng. Ngay cả tại phiên tòa, bị cáo Ngô Xuân Hiền-Phó Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường TP. Pleiku, tỉnh Gia Lai và nhân chứng là Kỹ thuật viên Nguyễn Thế Tuấn Kiệt của BQLRPH Bắc Biển Hồ cũng cho biết không đủ căn cứ để xác định các lô đất của Đức và bà Thỏa có thuộc đất rừng. “Cần phải có cơ quan chức năng đủ thẩm quyền như Sở Tài nguyên-Môi trường, Sở Nông nghiệp và PTNT chứng thực điều này. Đại diện Viện kiểm sát cũng phải chứng minh bị cáo Đức lợi dụng là lợi dụng chỗ nào, hợp thức hóa giấy tờ là giấy tờ nào, nếu không chứng minh được thì không thể tuyên thân chủ của tôi phạm tội được”-luật sư Tuấn nhấn mạnh. 
Trong khi đó, bị cáo Phạm Thị Trầm và Nguyễn Tiến Dũng cùng các luật sư biện hộ của mình cũng khẳng định không có văn bản nào quyết định phân công công việc của họ phải kiểm tra, thẩm định hồ sơ các Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) sai quy định. Do đó không có căn cứ để cho rằng 2 bị cáo này đã phạm tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”.
Việc truy tố là đúng người, đúng tội
Đông đảo người đến theo dõi phiên tòa xét xử các bị cáo. Ảnh: Văn Ngọc
Đông đảo người đến theo dõi phiên tòa xét xử các bị cáo. Ảnh: Văn Ngọc
Trước những luận điểm của các bị cáo và luật sư, Kiểm sát viên giữ quyền công tố cho biết, BQLRPH Bắc Biển Hồ là đơn vị sự nghiệp 100% vốn Ngân sách nhà nước do đó phải tuân theo Luật ngân sách, các thông tư hướng dẫn có liên quan. “Bị cáo Đức buộc phải nộp đúng, nộp đủ vào Ngân sách để quyết toán hàng năm, không vì bất cứ lý do gì. Bị cáo đã không nộp nên Ngân sách đã mất quyền quản lý, quyền định đoạt với số tiền hơn 472 triệu đồng đó. Các khoản chi của BQLRPH Bắc Biển Hồ rất lung tung, không có căn cứ để thu hồi lại, không thể dùng khoản tiền sử dụng cho mục đích khác để bù vào khoản tiền đã sử dụng"-Kiểm sát viên Nguyễn Đức Cường cho biết. 
Kiểm sát viên cũng nhấn mạnh bị cáo Đức ngay từ đầu lúc nhận các khoản tiền này đã không có ý thức nộp vào Ngân sách. Qua kiểm tra tại đơn vị, hàng năm kết dư Ngân sách tại đây khá lớn, năm 2011 kết dư hơn 335 triệu đồng, năm 2013 dư hơn 168 triệu đồng nhưng bị cáo Đức đã không tạm nộp vào Kho bạc Nhà nước. Ngoài ra, Kiểm sát viên cho hay kết quả giám định về số tiền thiệt hại của Giám định viên là căn cứ theo quy định của pháp luật, đây là căn cứ để tố tụng nên luật sư của bị cáo không thể tùy tiện phủ nhận tính pháp lý. 
Về vấn đề bản đồ có sự chồng lấn, đại diện VKSND tỉnh khẳng định tại biên bản khám nghiệm hiện trường có đầy đủ các cơ quan chức năng có chuyên môn cùng tham gia. Tất cả thống nhất diện tích đất mà Đức và bà Thỏa được cấp GCNQSDĐ nằm hoàn toàn trên lô 3, khoảnh 7, tiểu khu 389 thuộc lâm phần BQLRPH Bắc Biển Hồ. “Với tư cách là Trưởng Ban, có hệ thống tham mưu phía sau, thửa đất mà bị cáo Đức chiếm lại ngay sau nhà làm việc của Ban, bị cáo buộc phải biết đất của mình có phải đất rừng hay không. Và ngoài bà Thỏa, bị cáo Đức, ở khu vực này nhiều năm qua có cá nhân nào được cấp GCNQSDĐ không? Do đó không thể nói Đức không biết”-Kiểm sát viên tranh luận. 
Với các bị cáo Trầm và Dũng, Kiểm sát viên đã đưa ra các bằng chứng về việc phân công các bị cáo phụ trách công việc kiểm tra, thẩm định hồ sơ. Kiểm sát viên nói: “Các bị cáo đã ký xác nhận vào hồ sơ để trình cấp trên cấp GCNQSDĐ, đó chính là bằng chứng cho biết các bị cáo đã làm công việc này. Không có ai bỗng dưng lên cơ quan, không được giao công việc mà tự mang hồ sơ đó ra xác nhận cả". 

Đại diện VKSND tỉnh đề nghị Đức 5-7 năm tù; Cườm từ 3 năm 5 tháng đến 4 năm 6 tháng tù; Bình 18-24 tháng tù; Bằng 15-21 tháng tù; các bị cáo còn lại chịu mức án từ 6 đến 18 tháng tù nhưng cho hưởng án treo. Trước khi nghị án, các bị cáo đã được nói lời sau cùng. Bị cáo Đức, Trầm, Dũng đều cho rằng mình vô tội, bị cáo Tín cho rằng VKSND tỉnh truy tố chưa đúng tội danh, các bị cáo khác còn lại đều đã nhận tội và đề nghị Hội đồng xét xử xem xét mức án thấp nhất cho mình. Phiên tòa sẽ tiếp tục vào ngày 15-11. 

Lê Văn Ngọc

Có thể bạn quan tâm