Chính trị

Quốc phòng - An ninh

Quốc phòng

Ghè rượu cần và cây cơm lam

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Ở các địa bàn biên giới, bên cạnh các lễ hội mang tính truyền thống, hàng năm cứ vào tháng 3, bà con lại háo hức hướng đến một ngày hội lớn: Ngày hội Biên phòng toàn dân (3-3) để cùng trao cho nhau những lời chúc mừng, những nụ cười tươi trẻ. Hình ảnh người chiến sĩ Biên phòng và đồng bào các dân tộc thiểu số vùng biên giới đã mang đến cho tôi thật nhiều cảm xúc.

Trong số đó, câu chuyện của chị Rơ Mah Blúp (ở làng Moók Đen 1, xã Ia Dom, huyện Đức Cơ) đều đặn gửi rượu cần và cơm lam lên Đồn Biên phòng Cửa khẩu Quốc tế (BPCKQT) Lệ Thanh vào mỗi dịp Tết Nguyên đán và Ngày hội Biên phòng toàn dân khiến cho tôi cứ day dứt mãi.

 

Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh thăm hỏi, chuyện trò với chị Rơ Mah Blúp ở làng Moók Đen 1, xã Ia Dom. Ảnh: T.K.N
Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh thăm hỏi, chuyện trò với chị Rơ Mah Blúp ở làng Moók Đen 1, xã Ia Dom. Ảnh: T.K.N

Gần 50 năm trước, người đàn bà Jrai tuổi ngoài sáu mươi này là đứa con nuôi đầu tiên của Đồn BPCKQT Lệ Thanh. Theo thời gian và trải qua hàng chục đời chỉ huy đơn vị, Blúp vẫn gắn bó với người lính Biên phòng trong vai người con, người em rồi người chị, người mẹ. Tuy không tạo lập cho riêng mình một mái ấm nhưng cựu Chủ tịch Hội Phụ nữ xã luôn tự hào về một đại gia đình mà các thành viên đều là người chiến sĩ Biên phòng. Chị nói thật vui: “Mình có nhiều chú, nhiều anh, nhiều em, nhiều cháu đến độ nhớ tên không hết nổi. Ai cũng yêu quý và xem mình như người thân trong gia đình nên mặc dù tuổi già, sống neo đơn nhưng mình vẫn thấy ấm áp tình cảm gia đình…”.

Không yêu, không quý sao được trước tấm lòng trong sáng thủy chung của người phụ nữ suốt cuộc đời đồng hành với đồn biên phòng, đồng hành với đất rừng biên giới. Trước Tết Nguyên đán vừa qua, Đồn BPCKQT Lệ Thanh tổ chức bàn giao chức danh Đồn trưởng. Từ dưới địa bàn, chị Rơ Mah Blúp mang theo hành trang quen thuộc là chiếc gùi chất đầy cơm lam cùng ghè rượu cần để vào đồn chia tay người cũ, đón chào người mới.

Ôm chặt Đại tá Nguyễn Chiến Trường-nguyên Phó Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh và Thượng tá Phan Đình Thành (2 người nguyên là Đồn trưởng đồn BPCKQT Lệ Thanh), Rơ Mah Blúp nghẹn ngào nói trong nước mắt: “Các em lại đi xa chị, xa bà con nữa rồi… Các em phải nhớ giữ gìn sức khỏe, đừng như Biên (Đại tá Trần Văn Biên-Phó Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh mới từ trần-P.V) đi mãi không bao giờ về thăm chị được nữa…”. Cả căn phòng lặng thinh chứng kiến tình cảm chân thành của chị Rơ Mah Blúp mà chẳng ai cầm được nước mắt. Chắc chắn trong ký ức của người phụ nữ có dáng hình nhỏ bé ấy là vô vàn kỷ niệm đẹp về người chiến sĩ Biên phòng. Sau phút trầm lắng, chị Blúp lần lượt trao tận tay từng cây cơm lam và mời mọi người cùng nhau uống rượu cần, trong phút chốc đã tạo nên không khí gia đình sum họp đầm ấm. Chị cho biết, năm nào cũng vậy, hễ đến dịp Tết Nguyên đán và Ngày truyền thống Bộ đội Biên phòng, chị đều tự tay ủ rượu cần, nướng cơm lam để mang vào đồn cho các em, các cháu. Món quà dân dã nhưng đong đầy tấm lòng của người mẹ, người chị suốt cuộc đời gắn bó với đất rừng biên giới.

Câu chuyện trên được cán bộ, chiến sĩ Đồn BPCKQT Lệ Thanh nói riêng, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh nói chung xem như bài học sâu sắc về lòng nhân ái, sự thủy chung son sắc của đồng bào các dân tộc thiểu số vùng biên giới đối với Bộ đội Biên phòng. Bên cạnh sự giúp đỡ về sức người, cơ sở vật chất xây dựng nông thôn biên giới ngày càng phát triển thì sự nâng đỡ, chở che hoặc chí ít là lời thăm hỏi động viên của các chủ nhân vùng biên giới dành cho nhau chính là “viên gạch” xây dựng niềm tin, củng cố sức mạnh thế trận biên phòng.

Thái Kim Nga

Có thể bạn quan tâm