Chính trị

Quốc phòng - An ninh

Quốc phòng

Dấu ấn Binh đoàn 15

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Hơn 34 năm qua, các thế hệ cán bộ, chiến sĩ, người lao động của Binh đoàn 15 đã vượt qua muôn vàn gian khó, thậm chí hy sinh cả xương máu để biến những vùng đất hoang vu dọc biên giới các tỉnh Bắc Tây Nguyên thành những vườn cây cao su, cà phê và lúa nước bạt ngàn, những khu dân cư trù phú, góp phần giữ vững quốc phòng-an ninh trên vùng phên giậu của Tổ quốc.
Vững vàng vùng phên giậu
Đứng chân trên địa bàn chiến lược Tây Nguyên, những năm qua, bên cạnh việc sản xuất kinh doanh, Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Binh đoàn 15 đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị thực hiện tốt nhiệm vụ đảm bảo quốc phòng-an ninh. Đại tá Hoàng Ngọc Thành-Bí thư Đảng ủy Binh đoàn-chia sẻ: Để nâng cao chất lượng tổng hợp của lực lượng dự bị động viên và lực lượng tự vệ, Binh đoàn thực hiện tốt chế độ giáo dục chính trị, huấn luyện quân sự, nhất là tổ chức các đợt diễn tập tác chiến bảo vệ biên giới, bảo vệ cơ sở sản xuất. Đồng thời, Binh đoàn luyện tập xử lý các tình huống cả trong thời bình và thời chiến, góp phần nâng cao trình độ, khả năng tác chiến của đơn vị. Cùng với đó, các công ty, đơn vị làm nhiệm vụ xây dựng lực lượng dự bị động viên luôn phối hợp chặt chẽ với các địa phương giao nguồn. Đến nay, tỷ lệ đăng ký, quản lý quân nhân dự bị đạt trên 95%; kết quả huấn luyện hàng năm có 100% đạt yêu cầu, trong đó trên 75% khá, giỏi. Binh đoàn luôn chủ động phối hợp với các cơ quan quân sự địa phương và lực lượng Công an để xây dựng các phương án sẵn sàng chiến đấu, bảo vệ sản xuất, bảo vệ tính mạng và tài sản của nhân dân trong vùng dự án; tham gia diễn tập khu vực phòng thủ, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội nơi đứng chân.
 Công ty 72 giúp đỡ xã Ia Nan (huyện Đức Cơ) xây dựng nông thôn mới.    Ảnh: V.H
Công ty 72 giúp đỡ xã Ia Nan (huyện Đức Cơ, Gia Lai) xây dựng nông thôn mới. Ảnh: V.H
Sự nỗ lực vì bình yên khu vực biên giới của Binh đoàn 15 trong thời gian qua được minh chứng rõ là nơi nào có các đơn vị đứng chân thì nơi đó an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững. Nếu như năm 1990, toàn Binh đoàn có gần 5.000 lao động với 3 cụm và 21 điểm dân cư cùng 1.718 hộ gia đình thì đến nay, đơn vị đã có gần 17.000 lao động (trong đó hơn 7.000 lao động là người dân tộc thiểu số). Với phương châm “Phát trển sản xuất đến đâu bố trí cụm, điểm dân cư đến đó”, đến nay, đơn vị đã bố trí được 10 cụm với 266 điểm dân cư dọc biên giới.
Nhiều cán bộ, công nhân của các công ty thuộc Binh đoàn bên cạnh việc chăm lo sản xuất thì còn là những “cột mốc sống” bảo vệ biên giới. Chị Rơ Lan HKem ở làng Nú (xã Ia Nan, huyện Đức Cơ), công nhân Đội 8, Công ty TNHH một thành viên 72 là một ví dụ. Nhiều năm qua, chị không chỉ là bàn tay vàng trong khai thác mủ mà còn là một cán bộ phụ nữ có uy tín thường xuyên xuống làng tuyên truyền, vận động người dân chấp hành các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; đồng thời thực hiện tốt quy chế biên giới, tuần tra bảo vệ đường biên, cột mốc. Chị HKem tâm sự: “Mình tự hào là công nhân của Binh đoàn 15 Anh hùng. Vì thế, ngoài việc hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, mình phải gương mẫu vận động bà con trong làng chấp hành pháp luật, cùng chung tay bảo vệ biên giới. Biên giới có bình yên thì bà con mới có điều kiện để lao động sản xuất, vươn lên làm giàu”.
Biên cương ấm no
Trong hành trình hơn 34 năm xây dựng và trưởng thành, Binh đoàn 15 đã có nhiều đóng góp cho sự phát triển kinh tế trên vùng biên giới, đặc biệt là ở 2 tỉnh Gia Lai và Kon Tum. Hiện nay, đơn vị quản lý trên 41.000 ha cao su, 350 ha cà phê, 70 ha lúa nước trên địa bàn 3 tỉnh: Gia Lai, Kon Tum, Quảng Bình và 2 nước Lào, Campuchia. Để sản xuất kinh doanh có hiệu quả, đơn vị đã xây dựng 6 nhà máy chế biến mủ cao su với tổng công suất 40.000 tấn/năm, 1 nhà máy sản xuất phân vi sinh công suất 20.000 tấn/năm. Mặc dù đang gặp một số khó khăn do giá mủ cao su giảm, thời tiết diễn biến phức tạp nhưng đơn vị vẫn là chỗ dựa vững chắc cho người lao động và góp phần xây dựng vùng biên giới ấm no.
Cán bộ Binh đoàn 15 và Công ty 74 kiểm tra cánh đồng lúa của người dân do đơn vị cho nhân dân mượn đất trong khi tái canh cây cao su. Ảnh: V.H
Cán bộ Binh đoàn 15 và Công ty 74 kiểm tra cánh đồng lúa của người dân do đơn vị cho nhân dân mượn đất trong khi tái canh cây cao su. Ảnh: V.H
Từ năm 2013 đến nay, Binh đoàn 15 đã huy động hơn 50 ngàn ngày công xây dựng 295,5 km đường nhựa và đường bê tông, sửa chữa và làm mới 33 cầu dân sinh với số tiền 7,1 tỷ đồng; nạo vét 167 km kênh mương thủy lợi, khai hoang phục hóa 175 ha đất trồng lúa nước; hỗ trợ 9,1 tỷ đồng mua cây giống giúp 14.498 hộ gia đình. Cùng với đó, đơn vị hỗ trợ 94,6 tỷ đồng để xây dựng trường học, nhà sinh hoạt cộng đồng, nhà tình thương, nhà tình nghĩa, mua bàn ghế và dàn âm thanh tặng các địa phương...

Phương châm “Binh đoàn gắn với tỉnh, huyện; công ty gắn với huyện, xã; đội sản xuất gắn với thôn, làng; hộ công nhân người Kinh gắn với hộ đồng bào dân tộc thiểu số” của Binh đoàn chính là mô hình sáng tạo nhất trong công tác dân vận trên địa bàn. Theo đó, các công ty, đơn vị của Binh đoàn đã kết nghĩa với 37 xã; 174 đội sản xuất kết nghĩa với 271 thôn, làng; 4.617 hộ công nhân người Kinh gắn kết với 4.617 hộ đồng bào dân tộc thiểu số. Sự gắn kết ấy đã tạo thế đứng vững chắc trên địa bàn biên giới. Đánh giá về những đóng góp của các đơn vị thuộc Binh đoàn 15 trên địa bàn huyện, ông Phạm Văn Cường-Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Đức Cơ-cho biết: Các đơn vị của Binh đoàn đứng chân trên địa bàn huyện đã có rất nhiều hoạt động ý nghĩa để giúp đỡ nhân dân phát triển kinh tế. Đặc biệt, các hoạt động kết nghĩa, gắn kết được triển khai từ việc tham gia xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh đến giúp đỡ từng hộ dân phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở địa phương. Tiêu biểu như mô hình “Gắn kết hộ”, các hộ gia đình coi nhau như anh em trong một nhà, thường xuyên thăm hỏi, động viên giúp đỡ nhau về mọi mặt. Các hộ người Kinh đã hỗ trợ kỹ thuật canh tác, chuyển đổi giống cây trồng, vật nuôi cho hộ người dân tộc thiểu số, giúp nhau ngày công khi vào mùa vụ. Cấp ủy, chính quyền địa phương luôn ghi nhận sự đóng góp ấy.
Bên cạnh đó, thời gian qua, Binh đoàn 15 còn tập trung giúp đỡ các địa phương xây dựng cơ sở hạ tầng, đặc biệt là tích cực thực hiện cuộc vận động “Quân đội chung sức xây dựng nông thôn mới”. Theo đó, đơn vị đã đầu tư làm mới 418 km đường điện trung-hạ thế, 95 trạm biến áp, trạm thủy điện; xây dựng, duy tu bảo dưỡng hàng ngàn cây số đường giao thông, hàng trăm cầu, cống, hàng chục hồ đập thủy lợi; xây dựng 8 trường tiểu học, THCS (bàn giao cho địa phương); xây dựng 10 trường mầm non với 132 điểm trường, 1 trường tiểu học bán trú, 1 trường THCS bán trú tại xã Mo Rai (huyện Sa Thầy,  tỉnh Kon Tum); 1 bệnh viện hạng 2 và 11 bệnh xá quân-dân y kết hợp, quân y ở đội sản xuất...
Có thể nói, bên cạnh thực hiện hiệu quả nhiệm vụ sản xuất kinh doanh, Binh đoàn 15 còn luôn đồng hành với cấp ủy, chính quyền các địa phương để giúp đỡ nhân dân phát triển kinh tế, khắc phục hậu quả thiên tai. Và trên hành trình hơn 34 năm qua, dấu chân của Binh đoàn đã in đậm trên địa bàn biên giới. Nói như Đại tá Hoàng Ngọc Thành: “Dù bất cứ hoàn cảnh nào thì Binh đoàn vẫn nỗ lực thực hiện tốt nhiệm vụ của mình, trong đó có nhiệm vụ giúp đỡ nhân dân trên địa bàn biên giới phát triển kinh tế”.
 VĨNH HOÀNG

Có thể bạn quan tâm