Kinh tế

Giá cả thị trường

'Chạy đua' hòa lưới điện mặt trời trước 'giờ G'

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia thuộc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đang gấp rút tạo điều kiện thuận lợi nhất để các chủ đầu tư dự án nhà máy điện mặt trời kịp hòa lưới vận hành chính thức trước 30/6/2019.
Mỗi tuần đóng điện... 10 nhà máy
Theo ông Nguyễn Đức Ninh, Phó Giám đốc Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia (A0), để được hưởng cơ chế khuyến khích ưu đãi về giá mua điện của Chính phủ, rất nhiều nhà đầu tư đang “chạy đua” với mục tiêu được cấp chứng nhận vận hành thương mại (COD) trước ngày 30/6/2019. Theo kế hoạch, sẽ có 88 nhà máy điện mặt trời đóng điện trong vòng 3 tháng: 4, 5, 6/2019.
 
Các dự án điện mặt trời đang thu hút nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước. Ảnh: Xuân Phạm
“Đây có thể coi là một kỷ lục trong lịch sử ngành điện Việt Nam. Nếu như đến giữa tháng 4/2019, toàn hệ thống điện mới có 4 nhà máy điện mặt trời với tổng công suất chưa tới 150 MW, thì đến ngày 26/5, A0 đã đóng điện 34 nhà máy điện mặt trời, với tổng công suất lên tới gần 2.200 MW”, ông Ninh cho biết.
Đến ngày 30/6, A0 sẽ tiếp tục đóng điện 54 dự án còn lại. Kéo theo đó là khối lượng công việc khổng lồ tại các cấp điều độ khi phải đóng điện trung bình 10 nhà máy/tuần.
Để đáp ứng khối lượng công việc này, A0 đã thành lập tổ công tác đóng điện mặt trời để phối hợp chỉ huy thống nhất, liên tục trong toàn Trung tâm và các Trung tâm Điều độ hệ thống điện các miền. A0 đã huy động nhân lực thực hiện 3 ca, 5 kíp, làm việc không kể cuối tuần, ngày lễ, điều chuyển nhân lực để hỗ trợ các bộ phận có khối lượng công việc tăng cao tại trung tâm miền Nam và miền Trung.
“Chúng tôi tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, hoàn thiện và đưa vào sử dụng website phục vụ công tác đàm phán, ký kết các thỏa thuận kỹ thuật và hợp đồng mua bán điện, qua đó công khai quy trình thực hiện rút ngắn thời gian nộp và xử lý hồ sơ tại EVN và các đơn vị”, ông Nguyễn Đức Ninh cho hay.
Mỗi ngày, A0 phải tiếp nhận, trao đổi khoảng 5.000 - 6.000 tin nhắn với các chủ đầu tư nhà máy điện, liên tục từ 6 giờ sáng tới 12 giờ đêm do nhiều quy định, căn cứ pháp lý chưa cập nhật kịp với tốc độ thực tế của các dự án điện mặt trời đang triển khai quá nhanh.
Đẩy nhanh tiến độ các công trình lưới điện
Khi nguồn điện mặt trời tăng mạnh thì một vấn đề phát sinh là việc phân phối, truyền tải lại bị nghẽn. Đại diện EVN cho biết: Việc đóng điện hàng loạt nhà máy điện mặt trời, đa số tập trung ở khu vực miền Nam, sẽ góp phần bổ sung nguồn điện, giảm sự thiếu hụt về năng lượng ở miền Nam. Tuy nhiên, công tác vận hành hệ thống điện toàn quốc lại gặp khó khăn do tỷ trọng năng lượng tái tạo tăng cao nhưng lại có đặc tính không ổn định.
Thống kê của A0 tại các dự án điện mặt trời đã vận hành cho thấy, công suất phát có thể thay đổi từ 60 - 80% trong khoảng thời gian chỉ 5 - 10 phút. Các biến động xảy ra ngẫu nhiên theo điều kiện thời tiết. Các dự án trong cùng 1 khu vực thường biến động đồng thời.
 
Công suất điện mặt trời biến động rất lớn theo thời gian, cao điểm phát trong khoảng 12 - 13 giờ trưa. Nguồn: EVN
“Trong khi đó, đặc điểm vận hành hệ thống điện luôn cần duy trì cân bằng giữa nguồn và tải. Với sự biến thiên công suất như vậy, hệ thống điện cần phải duy trì một lượng công suất dự phòng điều chỉnh tần số tương ứng, gây khó khăn và tăng chi chí trong công tác vận hành. Đây là thách thức lớn trong bối cảnh hệ thống điện Việt Nam còn rất ít nguồn dự phòng”, ông Nguyễn Đức Ninh chia sẻ.
Bên cạnh đó, công suất nguồn năng lượng tái tạo không thể chủ động huy động khi cần cho thời gian cao điểm phụ tải. Nguồn điện mặt trời có cao điểm phát trong khoảng 12 - 13 giờ trưa, không trùng với cao điểm phụ tải hệ thống điện (lúc 10 giờ sáng và 14 giờ chiều).
Một vấn đề nữa là các dự án điện mặt trời chủ yếu tập trung tại 6 tỉnh miền Trung và miền Nam, gây áp lực rất lớn cho khả năng tải lượng điện phát ra từ điện mặt trời lên lưới. Nhiều công trình lưới điện khu vực rơi vào tình trạng đầy, quá tải.
Để giải quyết tình trạng này, Phó Tổng giám đốc EVN Ngô Sơn Hải cho biết, Tập đoàn đã đề xuất với Chính phủ bổ sung phát triển các dự án lưới điện. Đồng thời, đôn đốc các đơn vị đẩy nhanh tiến độ, thi công các công trình lưới điện liên quan, góp phần giải toả công suất các nhà máy điện mặt trời.
EVN cũng đã chỉ đạo A0 nghiên cứu, đề xuất các phương án vận hành tối ưu, linh hoạt trong việc huy động các nguồn điện, đảm bảo vận hành hệ thống điện an toàn, liên tục, ổn định.

Bộ Công Thương đang soạn thảo Dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế khuyến khích phát triển các dự án điện mặt trời tại Việt Nam để xem xét áp dụng sau tháng 6 năm 2019. Đây là bước tiến mới nhất cho sự nỗ lực không ngừng của Chính phủ nhằm hỗ trợ ngành năng lượng tái tạo.

Hoàng Dương (Báo Tin tức)

Có thể bạn quan tâm