Kinh tế

Chế tài mới xử phạt các vi phạm trong sử dụng vốn ODA

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Từ đầu năm 2014, các hành vi vi phạm về công tác quản lý thực hiện các chương trình, dự án ODA như không tổ chức giám sát, đánh giá quá trình thực hiện; thực hiện dự án chậm so với tiến độ; triển khai dự án không đúng các nội dung trong quyết định đầu tư… sẽ bị  xử phạt nghiêm theo Nghị định 155/2013/NĐ-CP của Thủ tướng Chính phủ. Điều này có ý nghĩa tích cực trong việc nâng cao hiệu quả thực hiện kế hoạch và đầu tư.
 

 Đẩy nhanh tiến độ thi công quốc lộ 14 (đoạn qua huyện Chư Pah). Ảnh: Hà Duy
Đẩy nhanh tiến độ thi công quốc lộ 14 (đoạn qua huyện Chư Pah). Ảnh: Hà Duy

Các dự án ODA tại Gia Lai được đầu tư chủ yếu từ các tổ chức và quốc gia Nhật Bản, Hàn Quốc, Newzealand, Ngân hàng Tái thiết Đức, Ngân hàng Thế giới… Một số dự án từ nguồn vốn này đã góp phần rất lớn trong việc phát triển kinh tế- xã hội của địa phương thụ hưởng như: dự án lưới điện xã Ia Me, huyện Chư Prông; dự án mở rộng lưới điện các xã biên giới huyện Đức Cơ; dự án trang-thiết bị dạy nghề thị xã Ayun Pa; các dự án do IFAD tài trợ như dự án thí điểm giảm nghèo huyện Ia Pa và dự án hỗ trợ nông nghiệp, nông dân và nông thôn; dự án hệ thống cấp nước sinh hoạt thị trấn Phú Túc, huyện Krông Pa; dự án cầu bắc qua sông Ba, huyện Ia Pa; dự án giáo dục mầm non do Chính phủ Newzealand tài trợ; dự án bạn hữu trẻ em do Unicef tài trợ…

Trước thực tế vốn đầu tư công ngày càng giảm qua từng năm thì việc tập trung khai thác và sử dụng có hiệu quả nguồn vốn ODA để đóng góp nhiều hơn vào sự phát triển kinh tế-xã hội và phục vụ công tác xóa đói giảm nghèo trên địa bàn tỉnh là điều cần đặc biệt chú trọng. Song thời gian qua, việc triển khai các dự án ít nhiều bộc lộ một số hạn chế như không tổ chức giám sát, đánh giá quá trình thực hiện dự án theo quy định, nhất là chậm tiến độ so với quy định. Để quản lý tốt hơn nguồn vốn này, Nghị định 155/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định một số chế tài xử phạt đối với những vi phạm trên có hiệu lực từ tháng 1-2014. Theo đó, đối với những vi phạm như trên nếu không vì lý do khách quan hoặc sự kiện bất khả kháng có thể bị phạt tiền tối đa đến 10 triệu đồng. Mức phạt tiền sẽ là 20 đến 30 triệu đồng đối với vi phạm trong việc triển khai dự án không đúng các nội dung trong quyết định đầu tư.

Bên cạnh đó, đối với hành vi không tuân thủ chế độ báo cáo kết quả thực hiện chương trình, dự án ODA gửi cơ quan có thẩm quyền theo quy định sẽ bị phạt từ 1 triệu đồng đến 2 triệu đồng. Nghị định cũng bổ sung một số hành vi vi phạm quy định về đầu tư theo hình thức hợp đồng BOT, BTO, BT và PPP; vi phạm quy định về đầu tư hệ thống kết cấu hạ tầng khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu kinh tế. Và mức phạt tối đa lên đến 80 triệu đồng.

Dễ thấy, mức phạt tiền tại Nghị định 155/2013/NĐ-CP có sự điều chỉnh tăng so với trước đây. Điều này cho thấy các mức phạt đưa ra đối với từng hành vi vi phạm đã có sự cân nhắc sao cho vừa mang tính răn đe, phòng ngừa vừa đảm bảo tính khả thi. Như đối với một số hành vi vi phạm trong lĩnh vực quản lý đấu thầu và đầu tư, nếu trước đây các hành vi “chuyển đổi dự án đầu tư không đúng quy định; chuyển nhượng vốn của nhà đầu tư nước ngoài không đúng quy định; chuyển nhượng dự án đầu tư không đúng quy định; không đăng ký đầu tư đối với dự án thuộc diện phải đăng ký điều chỉnh...” được quy định trong cùng 1 điều và áp dụng mức phạt ngang nhau (từ 10 triệu đồng đến 15 triệu đồng), thì Nghị định 155/2013/NĐ-CP đã được điều chỉnh theo hướng phân bổ các hành vi này vào nhiều khoản và áp dụng các mức phạt khác nhau tùy thuộc vào tính chất, mức độ nghiêm trọng của hành vi vi phạm.

Đáng chú ý là trong Nghị định 155/2013/NĐ-CP đã bổ sung một số hành vi vi phạm về kế hoạch đấu thầu. Đó là: hành vi lập, thẩm định, phê duyệt kế hoạch đấu thầu không đúng trình tự, thủ tục và thẩm quyền theo quy định; phê duyệt phương thức đấu thầu, thời gian thực hiện hợp đồng không phù hợp với quy mô, tính chất của gói thầu. Việc đánh giá hồ sơ dự thầu, hồ sơ đề xuất không đúng theo tiêu chuẩn đánh giá được phê duyệt làm sai lệch kết quả lựa chọn nhà thầu cũng là hành vi nằm trong quy định bị xử phạt.

Tuy vậy, Nghị định 155/2013/NĐ-CP cũng loại bỏ một số hành vi được đánh giá là không còn phù hợp với quy định của Luật Đấu thầu hiện hành, như hành vi không ký xác nhận vào từng trang bản gốc của hồ sơ mời thầu, không có quyết định thành lập tổ chuyên gia đấu thầu; hành vi vi phạm quy định về ký kết và quản lý hợp đồng; hành vi vi phạm quy định về thời gian trong đấu thầu; hành vi vi phạm các quy định về bảo đảm thông tin trong đấu thầu.

Có thể nói, Nghị định 155/2013/NĐ-CP góp phần tích cực trong việc nâng cao hiệu quả công tác kế hoạch và đầu tư, bảo đảm việc chấp hành pháp luật về kế hoạch và đầu tư; tăng cường hiệu lực, hiệu quả, chấn chỉnh công tác quản lý nhà nước về kế hoạch và đầu tư.

Hà Duy

Có thể bạn quan tâm