Khoa học - Công nghệ

Tin tức công nghệ

Chỉ còn một nhà mạng lớn chưa có băng tần 5G

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Hai nhà mạng lớn đã có băng tần 5G vừa nhận giấy phép kinh doanh dịch vụ và dự kiến triển khai ngay trong năm 2024.

Mạng di động lớn chưa có băng tần 5G

Việt Nam hiện có 10 mạng viễn thông di động, trong đó 5 doanh nghiệp sở hữu hạ tầng và băng tần, còn 5 đơn vị hoạt động theo mô hình mạng di động ảo (MVNO) - hình thức mua buôn (mua sỉ) lưu lượng từ đơn vị có hạ tầng và bán lẻ cho người dùng. Tuy nhiên, chỉ có ba nhà mạng lớn đang chiếm lĩnh thị phần là Viettel, VinaPhone và MobiFone.

MobiFone chỉ còn chờ sở hữu băng tần 5G để thương mại hóa dịch vụ

MobiFone chỉ còn chờ sở hữu băng tần 5G để thương mại hóa dịch vụ

Sự kiện Viettel, VinaPhone lần lượt đấu giá thành công quyền sử dụng khối băng tần B1 (2.500 - 2.600 MHz) với giá 7.533 tỉ đồng và C2 (3.700 - 3.800 MHz) với giá 2.581 tỉ đồng trong tháng 3 vừa qua khiến MobiFone trở thành nhà mạng lớn duy nhất trong nhóm này vẫn chưa sở hữu băng tần để phục vụ phát sóng . Tháng 3.2024 có 3 buổi đấu giá băng tần 5G nhưng có một cuộc diễn ra vào ngày 14 đã không được thực hiện do không đủ số lượng bên tham gia theo quy định.

Tới chiều 15.4, Bộ Thông tin và Truyền thông đã trao giấy phép thiết lập mạng viễn thông công cộng di động mặt đất sử dụng công nghệ 5G cho hai nhà mạng Viettel và VinaPhone. Trước đó, cả hai đơn vị đều khẳng định đã sẵn sàng và sẽ triển khai tới người dùng ngay trong năm 2024.

Đại diện VNPT cho biết sẽ ưu tiên việc phát triển hạ tầng theo hướng nâng cao trải nghiệm của người dùng, đem đến tốc độ cao, dung lượng lớn, độ trễ thấp nhất mà vẫn tối ưu chi phí nguồn vốn đầu tư của Nhà nước, gia tăng hiệu quả kinh doanh. Trước mắt, đơn vị tập trung triển khai 5G ở những khu vực đòi hỏi sự tương tác cao, giao tiếp qua mạng bằng thời gian thực, các khu vực như khu công nghệ cao, khu đô thị, các trường đại học…

Không tính các mạng di động ảo, hai nhà mạng còn lại là Vietnamobile và Gtel Mobile tuy có hạ tầng nhưng không có động thái gì với 5G ở thời điểm này. Gtel Mobile từ lâu đã gần như vắng bóng trên thị trường, còn Vietnamobile - doanh nghiệp viễn thông di động lớn thứ tư trên thị trường cho biết dù đủ điều kiện đấu giá băng tần 5G vẫn quyết định không tham gia. Nhà mạng này hiện có triển khai dịch vụ 4G tại Việt Nam.

4G vẫn là công nghệ mạng di động được dùng nhiều trong vài năm tới

4G vẫn là công nghệ mạng di động được dùng nhiều trong vài năm tới

Mạng 4G vẫn phổ biến

Dù mạng 5G được nhắc đến nhiều trong thời gian gần đây, công nghệ này vẫn chưa thể sớm phổ biến tới người dùng cuối. Thay vào đó, 4G sẽ là công nghệ "chiếm sóng" chủ đạo trong vài năm tới.

Tại cuộc họp giao ban quý 1/2024 của Bộ Thông tin và Truyền thông mới đây, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhận định 2024 sẽ là năm thương mại hóa 5G trên toàn quốc, nhưng đồng thời yêu cầu các nhà mạng tiếp tục đầu tư cho 4G vì đây vẫn là hạ tầng quan trọng trong "ít nhất 5 năm tới".

Thống kê mới nhất (tính tới hết năm 2023) của Bộ Thông tin và Truyền thông cho thấy Việt Nam hiện có độ phủ sóng 4G lên tới 99,8% dân số, tỷ lệ cao hơn nhiều nước phát triển. Quy hoạch hạ tầng Thông tin và Truyền thông thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đặt ra mục tiêu đến năm 2030 sẽ phủ sóng 5G đến 99% dân số cả nước và đạt tốc độ tối thiểu 100 Mbps.

Có thể bạn quan tâm