Quang cảnh hội nghị. Ảnh: H.P |
Qua một năm triển khai thực hiện quy chế phối hợp, Chi cục Kiểm lâm tỉnh Gia Lai và Cục Hải quan Gia Lai-Kon Tum ngày càng thống nhất trong công tác chỉ đạo, chia sẻ thông tin về tình hình hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại và vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới đối với mặt hàng lâm sản, động vật, thực vật rừng hoang dã, góp phần hạn chế tình trạng vi phạm.
Ngoài ra, lãnh đạo 2 đơn vị thường xuyên triển khai các văn bản chỉ đạo của cấp trên về tăng cường công tác điều tra, nắm tình hình, thu thập, xử lý thông tin; trao đổi, phối hợp tuần tra, kiểm soát với các lực lượng chức năng như: Công an, biên phòng nhằm phòng ngừa, ngăn chặn hoạt động buôn bán, vận chuyển trái phép hàng hóa là lâm sản và mẫu vật các loài động vật, thực vật hoang dã qua khu vực biên giới vào trong nội địa.
Ông Trần Thanh Vân-Chi cục trưởng Chi cục Hải quan Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh tham gia ý kiến tại hội nghị. Ảnh: H.P |
Trong năm 2023, Chi cục Hải quan Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh đã thực hiện thủ tục hải quan cho 2 doanh nghiệp xuất khẩu sản phẩm gỗ có nguồn gốc từ gỗ rừng trồng trong nước với số lượng 769,7 tấn, làm thủ tục nhập khẩu cho 5 tờ khai đối với mặt hàng quả ươi khô, số lượng 36,87 tấn; phối hợp cùng lực lượng bộ đội Đồn Biên phòng Cửa khẩu quốc tế Lệ Thanh xử lý 1 vụ vận chuyển lâm sản trái phép qua biên giới (tang vật là 1 phương tiện vận chuyển 14 thanh gỗ cẩm lai khối lượng 0,054 m³ và 20 thanh gỗ hương khối lượng 0,05 m³).
Ngoài ra, Hạt Kiểm lâm huyện Đức Cơ đã phối hợp với các ngành chức năng trên địa bàn huyện Đức Cơ đã bắt giữ, xử lý 2 vụ vận chuyển, mua bán lâm sản trái pháp luật xảy ra trên địa bàn 2 xã Ia Nan và la Pnôn, tịch thu 2,32m³ gỗ, 7.400 kg củi rừng tự nhiên, phạt tiền 41 triệu đồng...
Tại hội nghị, các đại biểu đã thảo luận những nội dung liên quan về công tác phối hợp, tuyên truyền, vận động quần chúng nhân dân khu vực biên giới tham gia thực thi pháp luật chưa được thường xuyên, việc trao đổi, nắm bắt thông tin, hỗ trợ nghiệp vụ đôi lúc chưa kịp thời. Khu vực biên giới phần lớn là đồng bào dân tộc thiểu số thường xuyên theo các đường mòn, tiểu ngạch để sản xuất nương rẫy nên việc kiểm soát khó khăn. Các đối tượng vi phạm thường lợi dụng người dân tộc thiểu số để thuê tham gia vận chuyển lâm sản và các mẫu vật các loài động vật, thực vật hoang dã trái pháp luật vào biên giới...
Cũng tại hội nghị, 2 đơn vị triển khai ký kết quy chế phối hợp trong công tác quản lý xuất, nhập nhập khẩu lâm sản và mẫu vật các loài động vật hoang dã, thực vật hoang dã năm 2024.