(GLO)- Sau 13 năm gắn bó với vùng đất biên giới Ia Dom (huyện Đức Cơ, Gia Lai), bà Phạm Thị Hằng không chỉ là điển hình sản xuất giỏi mà còn là Chi hội trưởng chi hội Phụ nữ năng nổ, nhiệt tình, gương mẫu.
Làm giàu trên đất mới
Năm 2004, trong một lần sang Gia Lai dự đám cưới của người họ hàng, thấy đất đai màu mỡ, có khả năng phát triển kinh tế, bà Phạm Thị Hằng đã bàn với chồng xin nghỉ chế độ một lần tại Công ty Cao su Phú Riềng (tỉnh Bình Phước) để sang vùng đất Bắc Tây Nguyên lập nghiệp. Quyết định này có thể nói là khá táo bạo và không nhận được nhiều sự đồng tình từ người thân, vì khi đó vợ chồng bà đã trên 40 tuổi. Sau khi hoàn tất các thủ tục, họ mang theo 300 triệu đồng vốn liếng sang xã biên giới Ia Dom mua 8 ha đất canh tác.
Vốn xuất thân từ công nhân vườn ươm, vì vậy thay vì tìm mua cây giống về trồng, họ quyết định tự tay ươm giống cây cao su, điều phủ kín 8 ha. Để có thêm nguồn thu, vợ chồng bà trồng xen bắp, mì trong thời gian cây cao su, điều còn nhỏ, chưa khép tán. Nhờ đất đai màu mỡ, cộng với chăm sóc, bón phân đúng quy trình kỹ thuật nên diện tích cao su, điều phát triển tốt. Có tiền dành dụm, ông bà tiếp tục mua thêm đất để mở rộng diện tích. Đến nay, sau hơn 13 năm lập nghiệp ở vùng biên, gia đình bà đã sở hữu 4 ha điều, 5 ha cao su, hơn 2 ha cà phê, 1 ha hồ tiêu và gần 2 ha đất trống đang trong giai đoạn chuyển đổi cây trồng.
Bà Phạm Thị Hằng (bìa phải) trò chuyện với hội viên. Ảnh: P.D |
Khi vườn cây của gia đình dần ổn định, lại nhận thấy nhu cầu về cây giống trên địa bàn khá lớn, ông bà quyết định xây dựng vườn ươm, cung cấp cây giống cao su, cà phê... cho người dân trong xã, các xã lân cận và cả người dân của nước láng giềng Campuchia. Theo chia sẻ của bà Hằng, bình quân mỗi tháng vườn ươm cung cấp ra thị trường khoảng 90.000 cây giống các loại, tạo việc làm ổn định cho 6 lao động dân tộc thiểu số với mức thu nhập 4,5-5 triệu đồng/người/tháng. Hàng năm, ngoài nguồn thu từ cây trồng, gia đình bà còn thu khoảng 300-400 triệu đồng từ vườn ươm. Bà Hằng chia sẻ: “2 năm trở lại đây, giá cả cây trồng bấp bênh, người dân ít có nhu cầu trồng mới. Vì vậy, tôi tạm ngưng vườn ươm để tập trung chăm sóc diện tích cây trồng hiện có”.
Chi hội trưởng năng nổ, tận tâm
Bà Hoàng Thị Ất-Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Ia Dom: “Trong suốt 8 năm giữ vai trò Chi hội trưởng, chị Hằng đã tập hợp được đông đảo hội viên tích cực tham gia sinh hoạt và vận động hội viên tự nguyện tham gia các nguồn quỹ giúp nhau phát triển kinh tế. Đến nay, nguồn quỹ xoay vòng vốn của chi hội làng Mook Trang đang dẫn đầu trong 8 chi hội với số tiền 96 triệu đồng”.
|
Song song với phát triển kinh tế gia đình, 8 năm qua, bà Phạm Thị Hằng còn làm tốt vai trò của một Chi hội trưởng chi hội Phụ nữ làng Mook Trang (xã Ia Dom). Hiểu rõ nền nếp sinh hoạt của người dân, nhất là hộ dân tộc thiểu số, vì vậy tranh thủ sáng sớm, chiều muộn, bà đến từng nhà để gặp gỡ, tuyên truyền, vận động giúp người dân nói chung, hội viên, phụ nữ nói riêng từng bước nâng cao nhận thức trong lao động sản xuất, chăm sóc gia đình. Cùng với đó, bà cũng sắp xếp thời gian sinh hoạt chi hội một cách hợp lý để hội viên có thể tham gia đầy đủ. Trong quá trình sinh hoạt, bà bố trí xen kẽ hội viên người Kinh với hội viên dân tộc thiểu số để tạo sự hòa đồng, gắn kết. Nhờ đó, từ một chi hội chỉ với 18 hội viên và chưa có hội viên dân tộc thiểu số (trừ Chi hội trưởng tiền nhiệm), đến nay chi hội đã thu hút 57 hội viên tham gia sinh hoạt, trong đó có 19 hội viên dân tộc thiểu số. Hội viên Siu HPhi bộc bạch: “Chị Hằng làm kinh tế giỏi, lại rất nhiệt tình hướng dẫn, hỗ trợ hội viên về kỹ thuật trồng, chăm sóc điều, cà phê, cao su. Chị Hằng cũng thường xuyên nhắc nhở hội viên phải làm chuồng trại nuôi nhốt gia súc để lấy phân bón và sử dụng diện tích đất vườn để trồng rau xanh, cải thiện cuộc sống”.
Đặc biệt, trong vai trò Chi hội trưởng, bà Hằng còn vận động hội viên tích cực đóng góp xây dựng nguồn quỹ giúp nhau phát triển kinh tế. Hiện tại, nguồn quỹ đang duy trì với số tiền 96 triệu đồng. Bà Hằng cho hay: “Với nguồn quỹ này, chi hội đang giúp 5 hội viên vay 10-15 triệu đồng trong vòng 1 năm với lãi suất thấp để phát triển kinh tế. Hầu hết hội viên đều sử dụng số tiền vay đúng mục đích như: mua phân bón, mua sách vở cho con vào năm học mới...”. Ngoài ra, chi hội cũng vận động những hội viên có điều kiện kinh tế khá giả giúp đỡ hội viên khó khăn, đồng thời duy trì “Hũ gạo tình thương”. Mỗi quý một lần, chi hội sẽ trút gạo từ “Hũ gạo tình thương” để giúp đỡ hội viên trong lúc khó khăn, hoạn nạn.
Phương Dung