TN - Đất & Người

Chi hội trưởng Phụ nữ làm kinh tế giỏi

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Bình quân mỗi năm thu nhập gần 1 tỷ đồng, nhưng khi đề cập đến vấn đề làm giàu, bà bảo “So với nhiều người, mình chỉ cuốc đất nhặt cỏ thôi!”. Và người mà chúng tôi nhắc đến là một Trung tá quân đội đã nghỉ hưu, hiện là chi hội trưởng phụ nữ tổ dân phố 2 (phường Ia Kring, TP. Pleiku)-Nguyễn Thị Lan.

Ở tuổi 60, ngày ngày bà Lan vẫn một mình chạy xe máy từ TP. Pleiku xuống tận xã Tân Bình (huyện Đak Đoa) để thăm vườn cà phê. Mặc dù đã thuê người trông nom, nhưng có lẽ đã thành thói quen, hôm nào không xuống vườn bà cứ thấy thiếu thiếu thế nào...

 

Ảnh: Anh Huy
Ảnh: Anh Huy

Tốt nghiệp Đại học Sư phạm Ngoại ngữ khoa tiếng Trung năm 1980, bà Lan được phân công về giảng dạy tại Trường Lục quân 3. Lúc bấy giờ, một tháng lương giáo viên không đủ mua một kg thịt heo, do đó ngoài giờ dạy học, bà tích cực trồng thêm cây mì, luống rau, nuôi con heo, con gà… Bà Lan trải lòng: Hồi đó, trồng rau, nuôi heo đã khó song mang những sản phẩm tăng gia được ra chợ bán lại càng khó hơn. Ngồi bán rau mà cứ sợ gặp người quen, gặp học sinh… nhưng vì cuộc sống khó khăn nên riết cũng thành quen! Gần 7 năm làm công tác giảng dạy, đến khi Trường Lục quân 3 giải thể, bà tiếp tục theo học tài chính-kế toán và được phân về công tác tại Quân đoàn 3 cho đến khi nghỉ hưu.  

Dù công tác trong quân đội nhưng bà Lan vẫn luôn có niềm đam mê với cây cối, vườn tược. Vì vậy, sau hơn 10 năm tích cóp, khi có điều kiện bà quyết định mua đất để phát triển thêm kinh tế gia đình. “Thời điểm đó, bố tôi rất thích nuôi bò và ông làm chuồng trại chăn nuôi ngay phía sau nhà. Rồi đàn bò ngày một sinh sôi khiến môi trường xung quanh khu dân cư bị ô nhiễm nên tôi quyết định xây dựng trang trại nuôi bò ngay ở khu đất mới mua ở xã Tân Bình (huyện Đak Đoa). Nhưng vừa dắt đàn bò hơn 20 con xuống trang trại chiều hôm trước, ngay sáng hôm sau đã mất 2 con bò cái. Sợ quá, gia đình tôi bán sạch đàn bò, bỏ luôn ý định lập trang trại chăn nuôi và quyết định múc đất trồng cà phê”-bà Lan trải lòng. Có thời điểm cà phê rớt giá, nhiều nông dân mất niềm tin và tìm cách chặt bỏ hoặc bán rẻ để mong vớt vát vốn nhưng riêng bà luôn có niềm tin “rồi sẽ có lúc giá cà phê sẽ được phục hồi”. Và mặc cho ai nói gì, cứ tranh thủ ngày nghỉ, giờ nghỉ, bà lại chạy xuống vườn lao vào làm để lấy công làm lãi, duy trì vườn cây… Cuối cùng, sự kiên trì của gia đình bà cũng được đền đáp, 7 ha cà phê kinh doanh (5 ha trồng năm 1996 và 2 ha trồng năm 2003) bình quân mỗi năm cho thu khoảng 27-28 tấn cà phê nhân (khoảng  hơn 1 tỷ đồng), trừ chi phí đầu tư còn trên 800 triệu đồng. Hơn thế, vườn cà phê này còn giải quyết việc làm ổn định cho 2 lao động với mức thu nhập 4 triệu đồng/tháng; ngoài ra khi vào mùa vụ thu hoạch hoặc làm cỏ, bón phân, làm bồn… thì cần 30-60 lao động, chủ yếu là người dân địa phương.

Ngoài phát triển kinh tế bằng mô hình trồng trọt, bà mở thêm tiệm internet tại nhà để có thêm thu nhập. Từ khi mở tiệm internet, bà có thêm một kênh thông tin để tìm hiểu, nghiên cứu. Không giống như nhiều nhà nông khác chọn mua những loại phân hỗn hợp bón cho cây, bà Lan chọn mua những loại phân đơn, sau đó lên mạng nghiên cứu tỷ lệ trộn sao cho phù hợp. Bà kể, vài năm trước, vườn cà phê bị ve sầu tấn công khiến vườn cây đang xanh tốt nhưng chỉ qua một đêm đã bị trơ cành, năng suất giảm sút gần 1/2. Sau khi nghe mọi người mách nước, bà cũng thử đủ mọi cách nhưng đều không mang lại hiệu quả và rồi qua tìm hiểu trên mạng, bà đã tìm ra cách khắc phục tình trạng này. Đến nay vườn cây đã phục hồi, xanh tốt, trĩu quả và nhiều nhà nông cũng tìm đến hỏi kinh nghiệm chăm sóc, bón phân.

Không chỉ là hội viên phụ nữ sản xuất kinh doanh giỏi, bà Lan còn tích cực tham gia các hoạt động tại địa phương. Từ năm 2011 đến nay, bà Lan là chi hội trưởng phụ nữ tổ 2, phường Ia Kring. Bà cho biết, chi hội 2 có 125 hội viên phụ nữ chủ yếu là buôn bán, nội trợ và hiện không còn hội viên phụ nữ nghèo. Đặc biệt, phong trào phụ nữ giúp nhau làm kinh tế trong chi hội cũng luôn được chị em hưởng ứng nhiệt tình, với mức đóng góp bình quân 5.000 đồng/hội viên/tháng, đến nay, quỹ chi hội có khoảng 18 triệu đồng, giải quyết cho 4 chị vay không tính lãi để phát triển sản xuất. Bà Nguyễn Thị Hoàng Ngọc-Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ phường Ia Kring, nhận xét: Chị Lan là một trong 10 hội viên phụ nữ của phường có mức thu nhập cao từ trồng trọt, chăn nuôi. Hơn thế, không chỉ là hội viên gương mẫu, chăm lo phát triển kinh tế gia đình mà chị Lan còn là chi hội trưởng nhiệt tình, năng nổ, tham gia tốt các phong trào do Hội cấp trên triển khai…

Anh Huy

Có thể bạn quan tâm