Kinh tế

Tài chính

Chi nhánh Ngân hàng Phát triển khu vực Gia Lai-Kon Tum: Sẽ tiếp nhận dự án cấp tín dụng đầu tư của Nhà nước

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Kể từ ngày 22-12, hầu hết dự án tổ chức thực hiện tại 2 tỉnh Gia Lai-Kon Tum (trừ lĩnh vực nhiệt điện than, sản xuất xi măng, sắt thép) đều thuộc đối được tài trợ tín dụng đầu tư của Nhà nước qua Chi nhánh Ngân hàng Phát triển khu vực Gia Lai-Kon Tum.

Ngày 7-11 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ ký ban hành Nghị định số 78/2023/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 32/2017/NĐ-CP ngày 31-3-2017 của Chính phủ về tín dụng đầu tư của Nhà nước do Ngân hàng Phát triển Việt Nam tổ chức thực hiện. Nghị định 78/2023/NĐ-CP có hiệu lực thi hành kể từ ngày 22-12-2023.

Từ ngày 22-12-2023, Chi nhánh Ngân hàng Phát triển khu vực Gia Lai-Kon Tum sẽ tiếp nhận các dự án thuộc đối tượng cấp tín dụng đầu tư của Nhà nước trên địa bàn 2 tỉnh Gia Lai và Kon Tum. Ảnh minh họa

Từ ngày 22-12-2023, Chi nhánh Ngân hàng Phát triển khu vực Gia Lai-Kon Tum sẽ tiếp nhận các dự án thuộc đối tượng cấp tín dụng đầu tư của Nhà nước trên địa bàn 2 tỉnh Gia Lai và Kon Tum. Ảnh minh họa

Khác với những quy định về tín dụng đầu tư của Nhà nước trước đây, Nghị định này có nhiều điểm mới, với định hướng để hoạt động của Ngân hàng Phát triển Việt Nam theo thông lệ tốt của ngân hàng thương mại, có tính đến đặc thù hoạt động của ngân hàng chính sách trong lĩnh vực đầu tư phát triển kinh tế-xã hội.

Theo đó, đối với 2 tỉnh Gia Lai và Kon Tum, do thuộc địa bàn có điều kiện kinh tế-xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn nên hầu hết các dự án tổ chức thực hiện tại đây (trừ lĩnh vực nhiệt điện than, sản xuất xi măng, sắt thép) đều sẽ thuộc đối tượng tài trợ tín dụng đầu tư của Nhà nước từ Ngân hàng Phát triển Việt Nam, cụ thể là Chi nhánh Ngân hàng Phát triển khu vực Gia Lai-Kon Tum. Như vậy, sau nhiều năm gần như “vắng bóng” trong hoạt động cho vay đầu tư dự án mới để cơ cấu lại, từ ngày 22-12-2023, Chi nhánh Ngân hàng Phát triển khu vực Gia Lai-Kon Tum sẽ tiếp nhận các dự án thuộc đối tượng cấp tín dụng đầu tư của Nhà nước trên địa bàn 2 tỉnh Gia Lai và Kon Tum.

Theo Nghị định 78/2023/NĐ-CP, Chính phủ giao hoàn toàn cho Ngân hàng Phát triển Việt Nam tự quyết định, tự chịu trách nhiệm về việc quyết định cấp tín dụng đầu tư của Nhà nước; trong đó, lãi suất được xác định trên cơ sở tham chiếu 85% mức lãi suất cho vay bình quân của các ngân hàng thương mại trong nước.

Cùng với đó, Chính phủ cũng không còn giới hạn về khung thời gian vay dự án (như trước đây tối đa là 12 năm) mà sẽ tùy thuộc đặc điểm sản xuất, kinh doanh, thu hồi vốn và khả năng trả nợ của từng dự án để quyết định. Đây sẽ là một kênh tín dụng lợi thế cho thu hút, kêu gọi các dự án đầu tư vào lĩnh vực tiềm năng của 2 tỉnh Gia Lai và Kon Tum thuộc các ngành có chu kỳ dài ngày, chậm thu hồi vốn như xây dựng cơ sở hạ tầng kinh tế-xã hội; năng lượng, trồng rừng, trồng cây công nghiệp…

Được biết, liên quan đến hoạt động của Ngân hàng Phát triển Việt Nam, Thủ tướng Chính phủ cũng đã quyết định phê duyệt Phương án cơ cấu lại giai đoạn kể từ năm 2023 của ngân hàng này, theo Kết luận của Bộ Chính trị. Ngân hàng Phát triển Việt Nam sẽ tiếp tục thực hiện sứ mệnh là một ngân hàng chính sách của Nhà nước cho vay đầu tư trung và dài hạn đối với các dự án đầu tư phát triển kinh tế-xã hội; tập trung quản lý các dự án vốn vay ODA, vay ưu đãi nước ngoài của Chính phủ.

Theo lộ trình đề ra, Chính phủ sẽ hoàn thiện toàn bộ khung pháp lý, cơ chế chính sách cho hoạt động của ngân hàng này, chậm nhất là quý II-2024.

Có thể bạn quan tâm