Trong chỉ thị, do ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TP.HCM ký, có nội dung trẻ mầm non cũng cần được chú trọng giáo dục kỹ năng trong thời gian nghỉ học vì dịch Covid-19, các con chỉ đến trường khi đảm bảo điều kiện.
Năm học mới ở TP.HCM đã bắt đầu, bằng hình thức trực tuyến, riêng trẻ mầm non đã nghỉ học hơn 4 tháng nay vì dịch. Ảnh: Nguyễn Loan |
UBND TP.HCM vừa ban hành Chỉ thị về thực hiện nhiệm vụ năm học 2021 - 2022 với mục tiêu "Giáo dục TP.HCM vượt qua đại dịch, vững vàng phát triển" do chủ tịch UBND Phan Văn Mãi đã ký. Chỉ thị này cũng nhắc đến việc chuẩn bị kế hoạch để đón trẻ mầm non đến trường khi đảm bảo các điều kiện cần thiết.
Nhận định TP.HCM khởi đầu năm học mới trong hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, tình hình dịch bệnh diễn biến hết sức phức tạp, ông Phan Văn Mãi yêu cầu các sở, ban, ngành thành phố, UBND TP.Thủ Đức và các quận, huyện thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm.
Ngoài việc tăng cường các biện pháp nhằm đảo bảo tuyệt đối an toàn trường học trong tình hình dịch bệnh phức tạp; các tổ chức cần mạnh dạn đổi mới, linh hoạt, sáng tạo trong triển khai kế hoạch năm học phù hợp với tình hình thực tiễn; chú trọng giáo dục thể chất, y tế trường học…
Triển khai năm học 2021 - 2022 với những giải pháp linh hoạt, cụ thể nhằm giải quyết căn bản các khó khăn, thách thức từ thực tiễn.
Cụ thể, đối với giáo dục mầm non cần chủ động chuẩn bị chu đáo các điều kiện, sẵn sàng đón trẻ đến trường khi đảm bảo điều kiện. Giáo dục mầm non cần phối hợp, hướng dẫn, hỗ trợ phụ huynh chăm sóc giáo dục trẻ tại nhà trong thời gian trẻ chưa đến trường qua Internet, truyền hình và các kênh phù hợp.
Giúp trẻ hình thành một số kỹ năng, thói quen tự phục vụ, giữ gìn sức khỏe, vệ sinh cá nhân…
Tổ chức cho trẻ 5 tuổi làm quen với việc đọc, viết nhằm giúp trẻ sẵn sàng vào học lớp 1. Tiếp tục phát huy hiệu quả các chính sách hỗ trợ giáo dục mầm non của thành phố, chú trọng nâng cao chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ, thực hiện chương trình giáo dục mầm non…
Còn đối với giáo dục phổ thông, cần phát huy tối đa hiệu quả hoạt động dạy và học trên môi trường internet, các hình thức dạy và học trực tuyến phù hợp, hướng dẫn phụ huynh hỗ trợ cùng học sinh các lớp nhỏ làm quen với hình thức học tập mới, bước đầu tạo kho học liệu mở, hệ sinh thái học tập trên môi trường internet.
Triển khai đồng bộ, hiệu quả chương trình giáo dục phổng thông 2018 các cấp học theo lộ trình. Tiếp tục đổi mới hình thức tổ chức kiểm tra - đánh giá trên nền tảng giáo dục thông minh và theo định hướng chuẩn quốc tế; tiếp tục quan tâm giáo dục STEM…
Còn với giáo dục thường xuyên, chuyên nghiệp và đại học cần tiếp tục nâng cao hiệu quả hoạt động của các trung tâm học tập cộng đồng, trung tâm giáo dục thường xuyên. Tập trung rà soát, chấn chỉnh hoạt động của các trung tâm ngoại ngữ, tin học, cơ sở dạy thêm theo đúng quy định…
Nâng cao hiệu quả công tác đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng cao, đạt trình độ quốc tế của cả nước và khu vực; phát huy hiệu quả các hoạt động liên kết đào tạo và đẩy mạnh công tác ứng dụng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp.
Ngoài ra, ngành giáo dục TP.HCM cần đồng hành với những đối tượng khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 kéo dài như: xây dựng chính sách không thu học phí có thời hạn, triển khai giãn thu học phí trong thời gian chờ ban hành chính sách và giảm thiểu các chi phí phát sinh để hỗ trợ phụ huynh, tạo điều kiện cho học sinh đến trường thuận lợi.
Đồng thời quan tâm, hỗ trợ đội ngũ nhà giáo chịu ảnh hưởng trực tiếp; quan tâm hỗ trợ các cơ sở giáo dục ngoài công lập vượt qua giai đoạn khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh, đặc biệt là giáo dục trẻ mầm non. Vận động tài trợ, có giải pháp cụ thể, quan tâm và hỗ trợ từng học sinh để hạn chế tối đa những khó khăn về điều kiện học tập trên môi trường internet.
Theo NGUYỄN LOAN (TNO)