TN - Đất & Người

Chi tiết 9 phân khu của đô thị Đà Lạt vừa được thông qua

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

Phân khu số 5 - Khu du lịch nghỉ dưỡng chất lượng cao diện tích hơn 7.812 ha, gồm xã Tà Nung, khu du lịch quốc gia hồ Tuyền Lâm, một phần các phường 3,4

Ngày 4-10, HĐND tỉnh khóa X, nhiệm kỳ 2021 – 2026 đã tổ chức kỳ họp thứ 19 để thông qua nhiều tờ trình. Trong đó, các đại biểu đã biểu quyết thông qua Đồ án điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung TP Đà Lạt và vùng phụ cận đến năm 2045 (Đồ án).

Đồ án điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung TP Đà Lạt và vùng phụ cận đến năm 2045 sẽ phát triển thành phố thành 9 phân khu.
Đồ án điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung TP Đà Lạt và vùng phụ cận đến năm 2045 sẽ phát triển thành phố thành 9 phân khu.

Theo Đồ án, dự báo quy mô dân số tỉnh Lâm Đồng đến năm 2045 là gần 2 triệu người. Đồ án này bổ sung 2 mục tiêu mới so với Quy hoạch 704 khi hướng tỉnh Lâm Đồng trở thành trung tâm văn hóa - nghệ thuật, thể dục thể thao và giải trí cấp vùng và quốc gia; TP Đà Lạt trở thành đô thị phát triển du lịch cấp quốc gia và là đô thị có đặc trưng về di sản.

Riêng TP Đà Lạt đến năm 2045 sẽ được phát triển thành 9 phân khu với tổng diện tích hơn 170.059 ha - dự báo dân số gần 607.000 người. Trong đó, điều chỉnh 4 phân khu chức năng theo Quy hoạch chung 704 và bổ sung thêm 5 phân khu sau khi sáp nhập huyện Lạc Dương vào Đà Lạt.

Cụ thể, phân khu số 1 - Khu đô thị trung tâm lịch sử TP Đà Lạt (hơn 1.768 ha - dân số dự kiến năm 0245 là 90.000 người) bao gồm toàn bộ ranh giới phường 1, 2 và một phần các phường 3,4,5,6,7,8,9,10. Phân khu được bổ sung khu vực đi bộ, không gian thương mại, công cộng, du lịch, không gian ngầm với chức năng bãi đổ xe kết hợp thương mại dịch vụ.

Phân khu số 2 - Khu đô thị phía Đông (hơn 8.860 ha - 139.000 người) bao gồm các phường 11,12, một phần các phường 3,9,10, xã Xuân Thọ. Nơi đây được đề xuất phát triển khu đô thị nghỉ dưỡng cấp quốc gia và quốc tế; phát triển không gian chợ hoa, trung tâm giới thiệu sản phẩm hoa của vùng.

Phân khu số 3 - Khu đô thị phía Bắc (gần 4.797 ha - 105.000 người) gồm một phần phường 7,8, thị trấn Lạc Dương. Được quy hoạch phát triển hệ thống trung tâm giáo dục đào tạo mới gồm Làng đại học và Trung tâm huấn luyện quốc gia; phát triển du lịch canh nông, nông nghiệp công nghệ cao, xây dựng tổ hợp thương mại, hội chợ triển lãm tại trung tâm du lịch Langbiang.

Phân khu số 4 - Khu đô thị phía Tây (hơn 5.619 ha - 100.000 người) gồm phường 5, một phần các phường 4,6,7. Đề xuất phát triển trở thành trung tâm dịch vụ thương mại, du lịch hỗn hợp, du lịch cảnh quan, du lịch nông nghiệp sinh thái; tạo lập các không gian nghệ thuật và sáng tạo, trung tâm âm nhạc, tổ chức các sự kiện âm nhạc - nghệ thuật lớn.

Bổ sung 5 phân khu

Ngoài việc điều chỉnh, bổ sung 4 phân khu nêu trên so với Quy hoạch chung 704, Đồ án vừa được thông qua bổ sung thêm 5 phân khu sau khi sáp nhập huyện Lạc Dương vào TP Đà Lạt gồm:

Phân khu số 5 - Khu du lịch nghỉ dưỡng chất lượng cao diện tích hơn 7.812 ha, gồm xã Tà Nung, khu du lịch quốc gia hồ Tuyền Lâm, một phần các phường 3,4.

Huyện Lạc Dương sẽ được thực hiện sáp nhập vào TP Đà Lạt trong giai đoạn 2026-2030.
Huyện Lạc Dương sẽ được thực hiện sáp nhập vào TP Đà Lạt trong giai đoạn 2026-2030.

Phân khu số 6 - Khu nông nghiệp du lịch nghỉ dưỡng sinh thái phía đông diện tích 26.929 ha, gồm các xã Xuân Trường, Trạm Hành, một phần xã Xuân Thọ và xã Đạ Sar.

Phân khu số 7 - Khu du lịch sinh thái gắn với đa dạng sinh học 21.864 ha, gồm toàn bộ xã Lát, toàn bộ khu du lịch trọng điểm quốc gia Đankia - Suối Vàng, một phần phường 7 và thị trấn Lạc Dương.

Phân khu số 8 - Khu đô thị xanh Lạc Dương rộng 25.045 ha, gồm một phần xã Đạ Sar, xã Đạ Nhim và xã Đạ Chais.

Phân khu số 9 - Khu vực rừng tự nhiên rộng 67.816 ha, gồm toàn bộ vùng bảo tồn của Vườn quốc gia Bidoup - Núi Bà, toàn bộ xã Đưng K'Nớ, một phần các xã Lát, Đạ Nhim, Đạ Chais.

Các vùng đô thị phụ cận TP Đà Lạt trong tương lai sẽ có 4 đô thị: Đức Trọng rộng 90.313 ha - dân số dự báo gần 652.000 người; Thạnh Mỹ (6.841 ha - 111.000 người), D'Ran (13.691 ha - 47.580 người), Nam Ban (4.050 ha - 52.700 người).

Theo Trường Nguyên (NLĐO)

Có thể bạn quan tâm