Xã hội

Chiếc ăng gô kỷ niệm

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Nhận được cuộc hẹn của ông Huỳnh Được-nguyên là cán bộ chuyên viên nghiên cứu Văn phòng Tỉnh ủy Gia Lai trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, chúng tôi vội đến thăm ông tại căn nhà số 113 Nguyễn Thái Bình, TP. Pleiku. Ông Được năm nay tuổi đã 90 nhưng rất minh mẫn. Sau khi vui vẻ rót trà mời khách, ông nhanh nhẹn mở chiếc tủ cũ, lấy ra một vài vật kỷ niệm hồi tham gia kháng chiến của mình để tặng cho Bảo tàng tỉnh.
Trong những kỷ vật ấy, tôi rất ấn tượng về chiếc ăng gô-vật dụng luôn được ông mang theo bên mình trong suốt quá trình hoạt động cách mạng. Ông kể: Chiếc ăng gô này là ông được Ban Dân vận Trung ương cấp năm 1969 cùng với rất nhiều các vật dụng cần thiết trong sinh hoạt và phục vụ công tác dân vận. Khi đó, ông là Chánh Văn phòng Ban Vận động dân chủ nông thôn khu vực Hà Nội.
Chiếc ăng gô của ông Huỳnh Được. Ảnh: Đào Ngọc Bình
Ăng gô được chế tạo bằng loại nhôm đặc chủng gồm 2 phần: thân và nắp. Gắn liền với nắp là một chiếc “vít” to bản, chắc chắn. Khi đậy nắp, chiếc “vít” ôm chặt vào đáy khiến đồ ăn khô, đồ ăn nước đựng bên trong rất an toàn cho dù phải di chuyển, vận động liên tục.
Một chi tiết thoạt nhìn có vẻ đơn giản nhưng hết sức quan trọng, đó là chiếc quai. Bình thường, nó là quai xách hoặc đeo vào dây lưng mỗi khi hành quân. Nhưng mỗi khi cần nổi lửa nấu ăn thì cứ việc mắc quai xách vào giá đỡ dã chiến, chiếc ăng gô nghiễm nhiên trở thành chiếc xoong đun nấu đa năng.
Gạo, nước bỏ vào ăng gô, đậy nắp lại rồi treo lên đoạn cành cây bắc ngang. Lượm củi khô, rơm rạ châm lửa đun phía dưới. Cơm cạn nước có thể vùi ăng gô vào than hồng hoặc dùng cỏ khô, rơm rạ đốt phía trên. Nhờ chiếc nắp rất khít nên cơm nhanh chín và không bao giờ bị tro than lọt vào. Khi cơm chín rỡ, chiếc ăng gô tiếp tục đảm đương nhiệm vụ chế biến những món thức ăn khác.
Là một cán bộ dân vận, thường xuyên phải đi cơ sở hoạt động nên chiếc ăng gô đã gắn bó với ông Huỳnh Được trong suốt quá trình tham gia kháng chiến, khi là cái nồi nấu, khi là chiếc cặp lồng đựng cơm canh, nước uống sẵn sàng tiếp năng lượng cho công việc còn chưa kịp hoàn thành. Và với ông Được, chiếc ăng gô luôn là vật chứng hậu cần trong những năm tháng kháng chiến gian nan nhưng vô cùng tự hào mà những người như ông không bao giờ lãng quên.
ĐÀO NGỌC BÌNH

Có thể bạn quan tâm