Kinh tế

Nông nghiệp

Tuổi cao vẫn bền chí làm giàu

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Sở hữu 5 ha cà phê với thu nhập hàng tỷ đồng mỗi năm nhưng ông Amyơm (SN 1964; làng Dơk Rơng, xã Glar, huyện Đak Đoa, tỉnh Gia Lai) vẫn muốn mở rộng thêm diện tích nhằm nâng cao thu nhập cùng quyết tâm làm giàu trên mảnh đất quê hương.

Đến xã Glar, hỏi thăm nhà ông Amyơm thì bà con ai cũng biết và vui vẻ chỉ đường, bởi ông nổi tiếng là người trồng cà phê giỏi nhất ở đây.

Đưa chúng tôi tham quan vườn cà phê trĩu quả sắp cho thu hoạch, ông Amyơm tự hào khoe: Gia đình ông có tổng cộng 5 ha cà phê. Năm 2023, ông thu được 19,5 tấn cà phê nhân. Năm nay, dự kiến sẽ cho thu cao hơn vì cây cà phê phát triển tốt.

tuoi-cao-van-bg-3953-896.jpg
Gia đình ông Amyơm có nguồn thu nhập cao từ trồng cà phê. Ảnh: N.H

Theo ông Amyơm, để có được thành quả như hôm nay, gia đình ông đã trải qua rất nhiều giai đoạn khó khăn, vất vả. Bản thân ông cũng lặn lội đến nhiều nơi để học hỏi kinh nghiệm trồng và chăm sóc cà phê.

Năm 1998, ông bắt đầu trồng 700 cây cà phê trên diện tích đất bố mẹ cho. Hồi đó, bao nhiêu tiền làm thuê của 2 vợ chồng đều dùng để mua phân bón chăm sóc vườn cây. Mãi đến năm thứ 4, khi cà phê cho thu hoạch, vợ chồng ông mới có tích lũy từ bán sản phẩm.

“Hàng năm, ngoài chăm sóc 7 sào cà phê, vợ chồng tôi còn làm thuê cho các hộ trồng cà phê để học hỏi thêm kinh nghiệm. Khi có tiền tích góp từ bán cà phê, tôi lại mua thêm đất. Nhờ đó, gia đình dần mở rộng diện tích lên 5 ha. Từ năm 2015 đến 2019, cả 5 ha cà phê đều cho thu hoạch đại trà. Mỗi năm, tôi thu được 15-17 tấn nhân, lãi hàng trăm triệu đồng”-ông Amyơm chia sẻ.

Từ năm 2019 đến nay, ông Amyơm bắt đầu tái canh vườn cà phê. Với kinh nghiệm của mình, mỗi lần trồng hay bón phân cho cây cà phê, ông đều rải thêm vôi bột vào hố và gốc cây để hạn chế bệnh gây hại, nhất là bệnh rệp sáp.

Bên cạnh đó, mỗi năm, ông ủ 100 bao phân bò với vỏ cà phê để bón cho vườn cây. Sau đó, ông bón thêm phân NPK cho cà phê đậu hạt chắc. Nhờ đó, vườn cà phê phát triển tốt và cho năng suất cao.

2nhathao-8913-1607.jpg
Ông Amyơm trò chuyện với mọi người vê quá trình phát triển kinh tế của gia đình. Ảnh: N.H

“Mỗi năm, tôi chỉ tái canh khoảng 300-400 cây cà phê. Bên cạnh đó, vườn cà phê cũng được chăm sóc tốt hơn. Từ năm 2019 đến nay, vườn cà phê đều duy trì sản lượng gần 17 tấn nhân/năm. Riêng diện tích cà phê tái canh đạt năng suất 4,5 tấn nhân/ha.

Năm 2024, nhờ giá cà phê tăng cao nên gia đình thu được gần 2,2 tỷ đồng. Sau khi trừ chi phí đầu tư, tôi lãi gần 1,8 tỷ đồng”-ông Amyơm phấn khởi kể.

Ngoài thu nhập từ cà phê, những năm gần đây, ông Amyơm còn có nguồn thu gần 100 triệu đồng/năm từ 150 cây sầu riêng và 1 ha lúa nước.

Ông Amyên-Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng thôn Dơk Rơng-cho biết: Ông Amyơm là hộ sản xuất kinh doanh giỏi. Ngoài làm giàu cho gia đình, ông còn tạo việc làm cho nhiều lao động ở địa phương. Đặc biệt, ông thường xuyên giúp đỡ các hộ nghèo bằng hình thức cho mượn vốn đầu tư trồng, chăm sóc cà phê.

Hưởng ứng chương trình xây dựng nông thôn mới, ngoài đóng góp kinh phí, ông còn hiến gần 500 m2 đất để mở 3 tuyến đường nội đồng đi vào khu sản xuất.

Trao đổi với P.V, bà Nhêm-Chủ tịch Hội Nông dân xã Glar-cho hay: Ông Amyơm là gương điển hình ở xã trong việc thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong phát triển kinh tế. Hiện nay, ông là người sản xuất cà phê giỏi nhất xã.

Ngoài ra, ông cũng thường xuyên giúp đỡ hội viên về vốn vay, kinh nghiệm trồng cà phê nên nhiều lần được Hội Nông dân các cấp khen thưởng. Mới đây, ông được Chủ tịch UBND tỉnh tặng bằng khen vì có thành tích xuất sắc trong phong trào “Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững” trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2022-2024.

Trước lúc chia tay chúng tôi, ông Amyơm phấn khởi chia sẻ về dự định của mình: “Khi thấy cà phê mỗi năm cho năng suất ngày một tăng, tôi càng mê làm giàu từ cây trồng này. Hiện tôi đang tìm mua thêm đất để mở rộng diện tích và sẽ trồng bằng các giống cà phê kháng bệnh tốt, cho năng suất cao để tăng thêm thu nhập trong những năm tới”.

Có thể bạn quan tâm