(GLO)- Những tư liệu chưa từng được công bố ở Việt Nam vừa được Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước mua bản quyền phát hành từ nước ngoài. Đó là 2 bộ phim tài liệu: “Việt Nam: 30 ngày ở Sài Gòn” và “Hồ Chí Minh trên đất nước Lê-nin”. Phim “Việt Nam: 30 ngày ở Sài Gòn” của Jean-Pierre Moscardo được Đài Truyền hình Việt Nam phát sóng vào dịp kỷ niệm 42 năm Ngày giải phóng miền Nam (30-4). Còn phim “Hồ Chí Minh trên đất nước Lê-nin” sẽ phát sóng dịp kỷ niệm sinh nhật Bác. Với 2 phim này, những người không được chứng kiến những sự kiện lịch sử trọng đại sẽ có cơ hội tiếp cận lịch sử qua góc nhìn của người nước ngoài.
Nhân dân Sài Gòn mít tinh chào mừng Ủy ban quân quản thành phố ra mắt ngày 7-5-1975 (ảnh nguồn: TTXVN). |
“Việt Nam: 30 ngày ở Sài Gòn” là phim màu đang bảo quản tại Viện phim Quốc gia Pháp do Jean-Pierre Moscardo đạo diễn, sản xuất năm 1975 với thời lượng 60 phút 44 giây. Bộ phim miêu tả những ngày cuối cùng của chiến tranh Việt Nam: Cuộc chiến ngày 27, 28-4-1975, hình ảnh người dân di tản, khung cảnh Sài Gòn những ngày đầu dưới sự lãnh đạo của Chính phủ Cách mạng lâm thời miền Nam Việt Nam.
“Bộ phim là cái nhìn toàn diện về các sự kiện diễn ra trong thời điểm 30-4-1975, cũng như hoạt động của nhân dân Sài Gòn-Gia Định những ngày Sài Gòn mới giải phóng, kèm với bình luận theo quan điểm của người Pháp. Từ sau 1975 có nhiều phim, tư liệu kể cả ảnh báo chí của các hãng thông tấn báo chí hoạt động ở Sài Gòn và miền Nam Việt Nam, nhưng đều thuộc bản quyền của họ. Chúng ta chưa có phim nào do người nước ngoài cung cấp về giai đoạn 1975. Chính vì vậy tư liệu này rất quý giá, không chỉ đối với sự kiện năm 1975 mà còn có ý nghĩa thời sự cho tới ngày nay. Những thước phim này cũng giống như bộ nhớ, ký ức của nhân loại nói chung và Việt Nam nói riêng”-ông Hoàng Trường-Phó Cục trưởng Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước nói.
Trong khi đó, bộ phim “Hồ Chí Minh trên đất nước Lê-nin” là phim đen trắng hiện được bảo quản tại Viện Lưu trữ Tài liệu Phim ảnh quốc gia Nga. Phim do Xưởng phim Thời sự Tài liệu Trung ương Nga sản xuất năm 1976 dài 30 phút 20 giây, ghi lại hình ảnh hoạt động của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong quá trình lập nước, các hoạt động vun đắp tình hữu nghị giữa Việt Nam-Liên Xô. Khán giả thấy Bác Hồ xuất hiện trong các chuyến thăm cấp cao, tiếp xúc với nhân dân Liên bang Xô Viết, hay phát biểu tại lễ kỷ niệm 40 năm Cách mạng Tháng Mười Nga.
Ông Hoàng Trường cho biết, từ năm 2012, thực hiện quyết định của Thủ tướng, Cục đã cử nhiều đoàn khảo sát, thống kê và sưu tầm tài liệu lưu trữ quý hiếm của Việt Nam và về Việt Nam ở nhiều nước trên thế giới như Nga, Pháp, Đức, Bỉ. Sau khi xem danh mục và bản tóm tắt các bộ phim lưu trữ liên quan đến Việt Nam, đoàn khảo sát thuyết minh và trình hội đồng để mua bản sao và bản quyền sử dụng 2 bộ phim này từ năm 2015. Từ năm 2016, Cục phối hợp với Viện phim Việt Nam làm hậu kỳ để chuẩn bị cho đợt công chiếu sắp tới.
Nếu bộ phim “Hồ Chí Minh trên đất nước Lê-nin” là tập hợp những tư liệu quý về cuộc đời hoạt động của Bác Hồ từ ngày lập nước thì với bộ phim “Việt Nam-30 ngày ở Sài Gòn” của đạo diễn người Pháp Jean-Pierre Moscardo, tác giả không miêu tả những bước tiến công của quân đội Việt Nam mà đi sâu khắc họa phút giây lịch sử ở Dinh Thống Nhất, với dòng người di tản ùn ùn vây kín trước cổng Đại sứ quán Mỹ, hay cảnh nhân dân giật đổ bức tượng Thủy quân Lục chiến Việt Nam Cộng hòa. Đặc biệt, đạo diễn Jean-Pierre Moscardo đã rất tinh tế khi miêu tả thời điểm những ngày cận kề 30-4, khi người dân miền Nam đang hy vọng về một nền hòa bình sau hơn 20 năm đất nước chia cắt. Đối lập với đó là cảnh dòng người khác: vợ con, gia đình các tướng lĩnh, quân nhân, những người làm việc cho Mỹ và chế độ ngụy quyền Sài Gòn, thấp thỏm chờ trực thăng của Mỹ để di tản ra nước ngoài. Ông Hoàng Trường nói: “Đây là một trong những cách để nhìn một sự kiện. Đối với lịch sử dân tộc thì càng xa sự kiện đó, chúng ta càng nhìn một cách tổng thể hơn, toàn diện hơn và bằng nhiều quan điểm khác nhau. Sau hơn 40 năm giải phóng chúng ta đã có cách nhìn của cách mạng Việt Nam, của Nhà nước xã hội chủ nghĩa, nhưng chúng ta cũng bổ sung thêm một cách nhìn khác về một sự kiện quan trọng. Người ta nhìn những ngày cuối cùng của chế độ ngụy quyền Sài Gòn và những ngày đầu tiên của Chính quyền cách mạng ở góc độ của những nhà báo, của một nhà đạo diễn, tôi nghĩ những thứ ấy cũng rất đáng trân trọng”.
Có thể nói, bộ phim là cái nhìn toàn diện về các sự kiện diễn ra trong thời điểm 30-4 của 42 năm trước cùng với những lời bình khách quan của những người đứng ngoài cuộc chiến tranh Việt Nam. Dẫu thế bộ phim vẫn toát lên cái nhìn rất nhân văn khi Quân Giải phóng tiếp quản Sài Gòn, hình ảnh người dân Sài Gòn được khắc họa rất tinh tế qua những ánh mắt sáng, nụ cười hạnh phúc của ngày giải phóng. Những ngày Sài Gòn bắt đầu công cuộc dọn dẹp, ổn định cuộc sống sau khi chính quyền Việt Nam Cộng hòa sụp dổ. Jean-Pierre Moscardo-bằng nhãn quan của một nhà báo, nhà làm phim, đã mang đến cho khán giả một thông điệp khác về Sài Gòn những ngày mới giải phóng khi đặc tả cảnh học sinh, sinh viên làm sạch thành phố với lời bình “rác rưởi của quá khứ-một hình ảnh vừa mang tính thực tế vừa mang tính biểu trưng”. Hoặc đoạn cuối phim, ông cũng đặt câu hỏi trong lời bình của mình: “Liệu những người chiến thắng có đủ tỉnh táo để không vội vàng đưa Sài Gòn vào khuôn phép? Với những câu hỏi như thế không nên vội vàng tìm câu trả lời”.
Theo bà Nguyễn Thị Hà-Giám đốc Trung tâm Khoa học Công nghệ Văn thư Lưu trữ, những hình ảnh sinh động và chân thực trong phim tài liệu “Việt Nam: 30 ngày ở Sài Gòn” giúp những thế hệ không được trực tiếp chứng kiến sự kiện ngày 30-4-1975 có cơ hội tiếp cận những góc nhìn đa dạng của người nước ngoài về lịch sử Việt Nam: “Góc nhìn này rất là hay để cho mình thấy rằng bạn bè quốc tế, tức là những người không ở trong cuộc chiến này, nhìn về vấn đề kia như thế nào một cách rất chân thực. Họ tả những cảnh như là thanh niên Sài Gòn dọn rác hiểu theo nghĩa là dọn đi cả những cái không tốt đẹp, thì đấy rõ ràng là một cái rất nhân văn trong bộ phim. Đặc biệt những cái phản cảm, những cái không phù hợp với Việt Nam thì trong phim này không có”.
“Việt Nam: 30 ngày ở Sài Gòn”-những thước phim tư liệu quý lần đầu được công bố đến khán giả trong dịp 30-4. Cùng với những bộ phim tài liệu từng in đậm dấu ấn trong lòng công chúng như “Tháng 5-những gương mặt” của đạo diễn Đặng Nhật Minh, “Sài Gòn tháng 5-1975” của Bùi Đình Hạc, “Thành phố lúc rạng đông” của đạo diễn Hải Ninh... “Việt Nam: 30 ngày ở Sài Gòn” của Jean-Pierre Moscardo sẽ giúp thế hệ trẻ hôm nay hiểu hơn về những năm tháng đấu tranh hào hùng của quân và dân ta-cuộc đấu tranh không ngừng nghỉ hơn 20 năm với bao mất mát hy sinh để có được ngày toàn thắng 30-4-1975, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Nguyễn Vân