"Chiêu độc" mà các bị cáo sử dụng để luân chuyển dòng tiền từ VN Pharma là thông qua tài khoản nước ngoài để chuyển tiền, nhờ dịch vụ chuyển tiền tại Sài Gòn nhận lại rồi VN Pharma lại...nhận lại.
Trong phiên tòa sơ thẩm lần 2 xét xử Nguyễn Minh Hùng (nguyên chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty cổ phần VN Pharma) cùng 11 đồng phạm trong vụ án buôn bán thuốc giả xảy ra tại Công ty VN Pharma, ngoài việc xác định tội danh của các bị cáo, HĐXX cũng làm rõ một số nội dung liên quan trong đó có việc luân chuyển dòng tiền trong vụ thuốc ung thư giả VN Pharma.
Nhờ tài khoản nước ngoài để chuyển tiền
Trong bản cáo trạng số 53 ngày 30/6/2019 của Viện KSND tối cao được đại diện Viện kiểm sát Nhân dân TP HCM công bố tại phiên xử sáng 24/9 đã đề cập đến nội dung liên quan tới dòng tiền trong vụ án này.
Đáng chú ý, theo cáo trạng, một trong những "chiêu độc" mà các bị cáo sử dụng là luân chuyển dòng tiền từ VN Pharma thông qua hình thức nhờ tài khoản nước ngoài để chuyển tiền, nhờ dịch vụ chuyển tiền tại Sài Gòn nhận lại rồi VN Pharma nhận lại.
Cụ thể, cáo trạng xác định, các bị cáo lập ra hồ sơ chứng từ giả để nhập thuốc từ nước ngoài về.
Bị cáo Nguyễn Minh Hùng.
Theo đó, để hợp thức phần thanh toán, Nguyễn Minh Hùng - Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty cổ phần VN Pharma đã chỉ đạo Lê Thị Vũ Phương - nguyên kế toán trưởng VN Pharma cung cấp cho Phan Cẩm Loan - nguyên phó Phòng Xuất nhập khẩu VN Pharma số tài khoản thụ hưởng ở Hong Kong đứng tên Cty Auspicius Keen Limited và Cty Sigma Holding Corp để Loan đưa vào hợp đồng với Cty Austin, rồi chuyển cho phòng kế toán VN Pharma sử dụng làm thủ tục đề nghị ngân hàng thanh toán, chuyển tiền ra nước ngoài và lấy lại.
Theo lời khai của Lê Thị Vũ Phương, đây chỉ là các tài khoản của dịch vụ chuyển tiền thuê do người tên Nga (hiện ở Ucraina, chưa rõ nhân thân, lai lịch) cung cấp cho Phương. Các bị can thực hiện việc chuyển tiền và sau đó cơ sở dịch vụ chuyển tiền thuê tại TPHCM đã chuyển tiền về lại cho VN Pharma.
Đáng chú ý, có đến 6 lần chuyển tiền ra nước ngoài được liệt kê. Cụ thể, ngày 14/1/2014 chuyển 22.410 USD, ngày 17/1/2014 chuyển 11.205 USD, ngày 17/4/2014 chuyển 46.000 USD, ngày 24/4/2014 chuyển 100.000 USD, ngày 8/5/2015 chuyển 71.485 USD và ngày 19/9/2014 chuyển 320.850 USD. VN Pharma đã chuyển ra nước ngoài 571.950 USD. VN Pharma trả cho Võ Mạnh Cường (nguyên Giám đốc Cty TNHH thương mại Hàng hải quốc tế H&C) 251.000 USD, số còn lại VN Pharma nhận lại và để ngoài sổ sách.
Viện kiểm sát cho biết,tính đến nay Cơ quan điều tra tạm giữ của bị can Võ Mạnh Cường 1,3 tỷ đồng, Phạm Văn Thông 33 triệu đồng, Nguyễn Trí Nhật gần 2,4 tỷ đồng; tạm giữ của người liên quan là Nguyễn Quang Huy: 212.156.334 đồng, Nguyễn Minh Hùng 5.000 USD... Tổng cộng đang tạm giữ 3,9 tỷ đồng.
Nâng khống giá thuốc, thu hơn 14 tỷ đồng, chi vào đâu?
Theo cáo trạng, ngày 11/4/2014, lô hàng 9.300 hộp thuốc H-Capita được nhập về Việt Nam. Giá thực tế của lô thuốc là 251.100 USD (hơn 5,3 tỉ đồng) nhưng VN Pharma khai báo giá trị hơn 14,6 tỷ đồng.
Đáng chú ý, tại phiên xét xử chiều ngày 24/9, trả lời thẩm vấn của Hội đồng xét xử Tòa án nhân dân TP.HCM, bị cáo Nguyễn Minh Hùng, nguyên Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc VN Pharma thừa nhận đã chỉ đạo nhân viên nâng khống giá thuốc từ 27 USD lên 75 USD mỗi hộp trên hợp đồng khống ký với Công ty Austin Hong Kong.
Cũng theo lời khai của Hùng, khi ký hợp đồng xong với Cường, Hùng giao cho nhân viên dự thầu ở bệnh viện ở TP.HCM. Sau đó, VN Pharma trúng thầu cung cấp thuốc H-Capita cho Bệnh viện Trưng Vương (TP.HCM) với giá 310.000 đồng/viên.
Trả lời tòa về việc, sao không đưa tiền nâng khống thuốc vào sổ sách công ty, Nguyễn Minh Hùng khai rằngnếu đưa vào sổ sách công ty thì sai. Bởi hệ thống sổ sách riêng không phù hợp luật kế toán, không có giấy tờ nên nếu đưa vào sẽ bị sai.
Cựu Tổng giám đốc VN Pharma cho biết hơn 14 tỷ đồng có được từ nâng khống giá thuốc được chi cho các hoạt động bán hàng, hội nghị, tiếp khách, chi cho trình dược viên giới thiệu thuốc.
Theo cáo trạng, VN Pharma được thành lập từ tháng 10/2011. Từ năm 2012, Nguyễn Minh Hùng nhận thấy thị trường có nhu cầu về thuốc chữa trị ung thư nên bàn với Võ Mạnh Cường nhập khẩu thuốc H-Capita 500mg, nhãn mác Công ty Helix Canada, chữa ung thư vú, ung thư đại tràng.
Thuốc H-Capita chưa có số đăng ký lưu hành tại Việt Nam nên Hùng yêu cầu cung cấp hồ sơ pháp lý, tuy nhiên, Võ Mạnh Cường chỉ cung cấp được giấy chứng nhận lưu hành tự do của thuốc H-Capita và giấy chứng nhận thực hành tốt sản xuất thuốc do Bộ Y tế Canada cấp cho Công ty Helix Canada, được đóng dấu hợp pháp hóa Lãnh sự của Đại sứ quán Việt Nam tại Canada và ký tên Tham tán Nguyễn Văn Quyền.
Quá trình điều tra, Viện Khoa học hình sự Bộ Công an giám định và kết luận “con dấu hợp pháp hóa lãnh sự của Đại sứ quán Việt Nam tại Canada và chữ ký tên Tham tán Nguyễn Văn Quyền là giả”.
Do Võ Mạnh Cường không cung cấp được “Tiêu chuẩn và phương pháp kiểm nghiệm thuốc” theo quy định tại Thông tư 47/2010 của Bộ Y tế nên Hùng thuê bị cáo Phạm Văn Thông (dược sĩ) làm giả tài liệu này, được viết bằng tiếng anh và có hướng dẫn sử dụng bằng tiếng Việt, mang tên nhà sản xuất Công ty Helix Canada. Giá thỏa thuận 2.000 USD. Đồng thời, Hùng chỉ đạo cấp dưới thiết kế 2 bộ nhãn dự kiến lưu hành tại Việt Nam, để hợp thức đủ hồ sơ pháp lý thuốc H-Capita.
Sau khi hoàn thiện việc làm giả hồ sơ pháp lý, Hùng chỉ đạo cấp dưới lập đơn hàng số 225/2013, đề nghị Cục Quản lý dược cấp phép nhập khẩu 200.000 hộp thuốc H-Capita Caplet thông qua nhà cung cấp là Công ty Austin Hồng Kông (đã hết hạn giấy phép hoạt động về thuốc và nguyên liệu thuốc tại Việt Nam từ ngày 6.10.2013).
Trên cơ sở bộ hồ sơ giả do VN pharma cung cấp, Cục Quản lý dược thành lập Tổ thẩm định đơn hàng 225 nhưng vẫn không phát hiện và đánh giá hồ sơ đạt yêu cầu, và Cục trưởng Cục Quản lý dược, thời điểm đó là ông Trương Quốc Cường ký cấp phép nhập khẩu đơn hàng trên. Từ đó, Hùng thống nhất với Cường làm giả hợp đồng mua bán thuốc H-Capita thông qua Công ty Austin Hồng Kông để nhập khẩu 9.300 hộp thuốc H-Capita. Đồng thời, Hùng liên danh với Công ty CP dược phẩm Trung ương 1 Pharbaco dự thầu và trúng thầu tại Sở Y tế TP.HCM, cung cấp hơn 471.000 viên thuốc (tương đương 15.709 hộp) trong các bệnh viện tại TP.HCM. |
Tâm Đức (Kiến Thức)