Thời tiết

Cảnh báo thiên tai

Chính phủ phê duyệt Đề án Cảnh báo sạt lở đất, lũ quét cho 37 tỉnh, thành phố

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Theo đó, mục tiêu tổng quát của Đề án là cảnh báo sớm sạt lở đất, lũ quét tại khu vực miền núi, trung du phục vụ phòng, chống thiên tai, đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản của Nhân dân, cơ sở hạ tầng, tạo điều kiện ổn định, phát triển kinh tế-xã hội, góp phần bảo đảm quốc phòng-an ninh.

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà ký Quyết định số 1262/QĐ-TTg ngày 27-10-2023 phê duyệt Đề án Cảnh báo sớm sạt lở đất, lũ quét khu vực miền núi, trung du Việt Nam.

Đề án thực hiện trên địa bàn vùng miền núi, trung du thuộc 37 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương từ năm 2023 đến 2030.

Lũ quét gây thiệt hại nặng ở xã Phước Thành (huyện Phước Sơn, Quảng Nam) sau bão số 9 năm 2020. Ảnh: T.C/baoquangnam

Lũ quét gây thiệt hại nặng ở xã Phước Thành (huyện Phước Sơn, Quảng Nam) sau bão số 9 năm 2020. Ảnh: T.C/baoquangnam

Mục tiêu tổng quát của Đề án là cảnh báo sớm sạt lở đất, lũ quét tại khu vực miền núi, trung du phục vụ phòng-chống thiên tai, đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản của Nhân dân, cơ sở hạ tầng, tạo điều kiện ổn định, phát triển kinh tế-xã hội, góp phần bảo đảm quốc phòng-an ninh. Tập trung xây dựng hệ thống thông tin cảnh báo sớm và hệ thống bản đồ phân vùng rủi ro thiên tai sạt lở đất, lũ quét tổng thể, đồng bộ, tỷ lệ phù hợp; cung cấp, trao đổi thông tin cảnh báo với cộng đồng dân cư, tăng cường năng lực ứng phó sạt lở đất, lũ quét.

Đề án đưa ra mục tiêu hoàn thiện hệ thống văn bản pháp lý phục vụ triển khai nhiệm vụ liên quan đến phân vùng và cảnh báo sớm thiên tai sạt lở đất, lũ quét như: quy trình, quy định, định mức kinh tế kỹ thuật về điều tra, khảo sát, dự báo-cảnh báo,… Đến năm 2025, hoàn thành bộ bản đồ phân vùng rủi ro do sạt lở đất, lũ quét tỷ lệ 1:50.000 hiển thị trên nền thông tin địa lý tỷ lệ 1:25.000 cho 37 tỉnh miền núi, trung du; tỷ lệ 1:10.000 và lớn hơn đối với 150 khu vực rủi ro cao với sạt lở đất, lũ quét.

Đến năm 2030, cơ bản hoàn thành bộ bản đồ phân vùng rủi ro do sạt lở đất, lũ quét tỷ lệ lớn cho những khu vực có nguy cơ rất cao; hoàn thiện hệ thống thông tin-cảnh báo sớm tổng thể kết nối liên thông với các bộ, ngành, địa phương, có sự phối hợp 2 chiều giữa các cơ quan quản lý, cơ quan cảnh báo, dự báo và người dân trong thu nhận, phân tích, xử lý thông tin dữ liệu, cung cấp kịp thời thông tin cảnh báo sạt lở đất, lũ quét cho các tỉnh miền núi, trung du Việt Nam.

Nội dung thực hiện của Đề án bao gồm: Rà soát, xây dựng hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật, quy trình, quy định kỹ thuật phục vụ triển khai các nhiệm vụ liên quan đến phân vùng và cảnh báo sớm thiên tai sạt lở đất, lũ quét; điều tra, xây dựng bộ dữ liệu, lập bản đồ hiện trạng phục vụ lập bản đồ phân vùng nguy cơ, phân vùng rủi ro do sạt lở đất, lũ quét; lập bản đồ phân vùng nguy cơ, phân vùng rủi ro do sạt lở đất, lũ quét tỷ lệ trung bình và tỷ lệ lớn; thiết lập và duy trì vận hành hệ thống thông tin-cảnh báo sớm sạt lở đất, lũ quét; tăng cường nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ, hợp tác quốc tế trong cảnh báo sớm sạt lở đất, lũ quét; nâng cao năng lực cộng đồng trong truyền thông và sử dụng thông tin cảnh bảo sớm.

Đề án nâng cấp, phát triển các mô hình cảnh báo sạt lở đất, lũ quét cho 37 tỉnh trung du, miền núi Việt Nam; xây dựng hệ thống thông tin-cảnh báo sớm sạt lở đất, lũ quét thời gian thực, có sự phối hợp giữa các cơ quan quản lý, cơ quan cảnh báo, dự báo và người dân trong thu nhận, phân tích, xử lý thông tin dữ liệu; cập nhật cơ sở dữ liệu về sạt lở đất, lũ quét, kinh tế-xã hội, tình hình thiệt hại cho hệ thống thông tin-cảnh báo sớm; vận hành thử nghiệm tại trung ương và 37 tỉnh trung du, miền núi Việt Nam; đầu tư trang-thiết bị, hạ tầng công nghệ thông tin phục vụ vận hành hệ thống cảnh báo sớm…

Có thể bạn quan tâm