Pháp luật

Tin tức

Chính phủ yêu cầu tập trung hoàn thiện 4 dự án Luật lớn

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

(GLO)- 4 dự án Luật lớn gồm: Luật Đất đai (sửa đổi), Luật Giá (sửa đổi), Luật Đấu thầu (sửa đổi), Luật Hợp tác xã (sửa đổi) vừa được Chính phủ yêu cầu các bộ, cơ quan chủ trì soạn thảo, các cơ quan liên quan tập trung hoàn thiện.

Ngày 30-8, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh ký ban hành Nghị quyết số 111/NQ-CP về phiên họp chuyên đề về xây dựng pháp luật tháng 8-2022.

Trong đó, Chính phủ yêu cầu các bộ, cơ quan chủ trì soạn thảo, các cơ quan liên quan tập trung hoàn thiện 4 dự án Luật: Luật Đất đai (sửa đổi), Luật Giá (sửa đổi), Luật Đấu thầu (sửa đổi), Luật Hợp tác xã (sửa đổi).

Nghị quyết nêu rõ, tại phiên họp này, Chính phủ tập trung thảo luận, cho ý kiến 4 dự án Luật hết sức quan trọng, là các dự án Luật lớn, phức tạp, có phạm vi điều chỉnh rộng và tác động lớn đến phát triển kinh tế-xã hội, doanh nghiệp và đời sống Nhân dân, nhất là dự án Luật Đất đai (sửa đổi); kịp thời thể chế hóa Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 khóa XIII về tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất; đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể.

Rà soát kỹ nội dung, đối tượng điều chỉnh các dự án Luật

Chính phủ đánh giá cao các bộ, cơ quan chủ trì soạn thảo đã chuẩn bị nghiêm túc, trách nhiệm cao, cơ bản bảo đảm chất lượng các dự án Luật theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật; các Thành viên Chính phủ, cơ quan liên quan đã phát huy tinh thần trách nhiệm, góp ý hoàn thiện nhiều vấn đề tâm huyết, sâu sắc, xác đáng, xuất phát từ thực tiễn.

Chính phủ yêu cầu các bộ, cơ quan chủ trì soạn thảo, các cơ quan liên quan tập trung hoàn thiện các dự án Luật trình Chính phủ tại phiên họp này và các dự án Luật đang xây dựng, trình Chính phủ với yêu cầu:

Phiên họp Chính phủ chuyên đề xây dựng pháp luật tháng 8 năm 2022 - Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Phiên họp Chính phủ chuyên đề xây dựng pháp luật tháng 8 năm 2022. Ảnh: VGP/Nhật Bắc


Bám sát chủ trương, quan điểm chỉ đạo của Đảng, Kế hoạch, Chương trình xây dựng luật của Quốc hội, hoàn thiện đồng bộ các dự án Luật giải quyết hiệu quả các vấn đề thực tiễn xã hội đặt ra phù hợp với tình hình của đất nước; nhất quán tư duy cải cách thể chế, xây dựng pháp luật tạo hành lang pháp lý, tạo không gian phát triển, dẫn dắt, tạo động lực, huy động tối đa các nguồn lực cho phát triển, phục vụ người dân, doanh nghiệp; nghiên cứu, đánh giá, xây dựng, thực thi chính sách, pháp luật phải xuất phát từ thực tiễn, khách quan, khoa học.

Tập trung rà soát kỹ nội dung, đối tượng điều chỉnh các dự án Luật, bảo đảm bao quát hết các đối tượng điều chỉnh, tôn trọng các quy luật của kinh tế thị trường, bảo đảm cạnh tranh lành mạnh, tháo gỡ đồng bộ các vướng mắc, tồn tại của quy định hiện hành, nâng cao khả năng quản lý và phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế-xã hội; có công cụ cần thiết, giải quyết kịp thời các vấn đề phát sinh, bảo đảm ổn định chính trị, an ninh, quốc phòng, trật tự, an toàn xã hội, phát triển ổn định, bền vững; không hy sinh tiến bộ, công bằng xã hội, môi trường cho phát triển kinh tế đơn thuần; bảo đảm an sinh xã hội, quyền lợi các đối tượng yếu thế, đối tượng chính sách, người dân vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo; bảo đảm quyền thụ hưởng thành quả của đổi mới, phát triển kinh tế-xã hội cho nhân dân.

Hoàn thiện các quy định phân cấp, phân quyền, rõ trách nhiệm của các cấp trong quản lý nhà nước gắn với bảo đảm tăng cường nguồn lực, năng lực thực thi pháp luật cho các địa phương, cơ quan, tổ chức, cấp dưới không đùn đẩy trách nhiệm lên cấp trên, cấp trên không làm thay cấp dưới.

Chính phủ, các cơ quan Trung ương tập trung cho nhiệm vụ hoạch định chiến lược, xây dựng thể chế, pháp luật, quy hoạch, kế hoạch, cơ chế, chính sách, quy trình, thủ tục, quy chuẩn, tiêu chuẩn, thiết kế đầy đủ các công cụ cơ chế kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực, xử lý vi phạm tránh trực tiếp giải quyết sự vụ, công việc đã phân cấp cho cấp dưới.

Không để khoảng trống pháp luật, vướng mắc, bất cập trong tổ chức triển khai

Các bộ, cơ quan chủ trì soạn thảo phối hợp chặt chẽ với các bộ, cơ quan liên quan tiếp thu tối đa ý kiến Chính phủ, Thành viên Chính phủ, ý kiến thẩm định của Bộ Tư pháp, thẩm tra của Văn phòng Chính phủ, góp ý của các Bộ, cơ quan liên quan, rà soát, hoàn thiện toàn diện các dự án Luật, thống nhất các vấn đề còn ý kiến khác nhau, bảo đảm chất lượng cao nhất các dự án Luật trình Quốc hội.

Đồng thời, các bộ, cơ quan chủ trì soạn thảo chủ động phối hợp sớm, chặt chẽ, hiệu quả với các cơ quan của Quốc hội, phát huy tinh thần dân chủ, lắng nghe, nghiên cứu tiếp thu tối đa ý kiến của đối tượng tác động, nhà quản lý có kinh nghiệm, các tổ chức, chuyên gia, nhà khoa học để hoàn thiện nội dung, nâng cao chất lượng dự án Luật; tăng cường truyền thông, tạo đồng thuận; giải quyết các vấn đề thực tiễn đặt ra, đáp ứng mong muốn, nguyện vọng chính đáng của nhân dân.

Các bộ, cơ quan chủ trì soạn thảo các dự án Luật trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV khẩn trương hoàn thiện hồ sơ, thủ tục trình các dự án Luật theo Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, báo cáo các Phó Thủ tướng Chính phủ được phân công theo dõi các lĩnh vực, thừa ủy quyền Thủ tướng Chính phủ thay mặt Chính phủ, khẩn trương trình Quốc hội, bảo đảm tiến độ, chất lượng.

Khẩn trương đề xuất Chính phủ các giải pháp chính sách đáp ứng yêu cầu phòng-chống dịch, chăm sóc sức khỏe nhân dân

Về hoàn thiện các quy định liên quan trong lĩnh vực y tế, giáo dục có tính đặc thù về quản lý đầu tư, xây dựng, mua sắm trang-thiết bị y tế, trang-thiết bị dạy và học, sách giáo khoa… trong thời gian sửa đổi, bổ sung các Luật: giao các bộ quản lý nhà nước khẩn trương đề xuất Chính phủ các giải pháp chính sách, sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật thuộc thẩm quyền của Chính phủ để giải quyết ngay, kịp thời đáp ứng yêu cầu phòng-chống dịch, chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân; yêu cầu giảng dạy, học tập của giáo viên, học sinh trong năm học mới.

Các bộ, cơ quan chủ trì soạn thảo các dự án Luật trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV khẩn trương hoàn thiện hồ sơ, thủ tục trình các dự án Luật theo Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, báo cáo các Phó Thủ tướng Chính phủ được phân công theo dõi các lĩnh vực, thừa ủy quyền Thủ tướng Chính phủ thay mặt Chính phủ, khẩn trương trình Quốc hội, bảo đảm tiến độ, chất lượng.

Tiếp tục rà soát tổng thể, tháo gỡ vướng mắc của Luật Đất đai

Việc sửa đổi Luật Đất đai là nhiệm vụ quan trọng, tác động đến mọi mặt của đời sống chính trị, kinh tế, xã hội của đất nước và đời sống nhân dân; nhiều vấn đề phức tạp, nhạy cảm, cần tiếp tục đánh giá tác động kỹ lưỡng, cụ thể hóa chính sách bảo đảm đồng bộ, khả thi, hiệu quả.

Vì vậy, việc sửa đổi Luật Đất đai tiếp tục quán triệt các quan điểm, yêu cầu: Thể chế hóa đầy đủ, kịp thời chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng tại Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 16-6-2022 của Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao...

Cùng đó, việc sửa đổi Luật Đất đai lần này là sửa đổi toàn diện có tác động đến nhiều Luật khác trong hệ thống pháp luật, cần tiếp tục rà soát tổng thể để sửa đổi, bổ sung nhằm tháo gỡ những vướng mắc của Luật Đất đai, các Luật liên quan, bảo đảm sự thống nhất, tính đồng bộ giữa Luật Đất đai với các Luật có liên quan.

Chính phủ yêu cầu tiếp tục đẩy mạnh phân cấp, phân quyền cho chính quyền địa phương để địa phương chủ động, phát huy trách nhiệm trong phát triển kinh tế-xã hội phù hợp với thực tế của từng địa phương gắn với trách nhiệm, thẩm quyền được giao; giảm cấp trung gian, tăng tính tự chịu trách nhiệm của địa phương; đồng thời thiết lập công cụ kiểm soát quyền lực, giám sát thực hiện, khắc phục ách tắc, tiêu cực, tham nhũng, lãng phí trong quản lý, sử dụng đất.

Với dự án Luật Đất đai (sửa đổi), Chính phủ yêu cầu Bộ Tài nguyên và Môi trường khẩn trương chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan có liên quan tiếp thu tối đa ý kiến của các Thành viên Chính phủ, các bộ, cơ quan liên quan, tập trung hoàn thiện dự án Luật về 10 vấn đề xin ý kiến Chính phủ và các nội dung khác của dự thảo Luật.

Chính quyền các xã, phường của thành phố Pleiku (Gia Lai) làm biển cảnh báo để hạn chế rủi ro của người dân khi các
Chính quyền các xã, phường của TP. Pleiku (tỉnh Gia Lai) làm biển cảnh báo để hạn chế rủi ro của người dân khi các "cò đất" loan tin các dự án quy hoạch để bán đất nông nghiệp. (Ảnh: Hồng Điệp/TTXVN)


Đẩy mạnh phân công, phân cấp thẩm quyền trong hoạt động quản lý, điều hành, điều tiết giá

Chính phủ thống nhất về sự cần thiết, mục tiêu, quan điểm xây dựng dự án Luật Giá nhằm tiếp tục thể chế hóa chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về nguyên tắc quản lý giá theo cơ chế thị trường có sự điều tiết của Nhà nước, góp phần kiểm soát lạm phát mục tiêu, cơ cấu lại ngân sách Nhà nước, ổn định kinh tế vĩ mô; đồng thời khắc phục những vướng mắc, bất cập trong thực tiễn thi hành pháp luật; đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật.

Chính phủ ghi nhận và đánh giá cao nỗ lực của Bộ Tài chính trong quá trình nghiên cứu, xây dựng, tiếp thu, hoàn thiện dự án Luật này.

Đây là dự án Luật khó do giá cả của hàng hóa, dịch vụ trong nền kinh tế thị trường, đặc biệt là đối với hàng hóa, dịch vụ thiết yếu, thường biến động nhanh, điều này sẽ tác động trực tiếp đến đời sống người dân và nhiều lĩnh vực của đời sống kinh tế, xã hội của đất nước. Vì vậy, nhiều chính sách, vấn đề tại dự án Luật cần nghiên cứu, đánh giá tác động toàn diện trên nhiều yếu tố, bảo đảm đồng bộ, khả thi, hiệu quả.

Chính phủ thống nhất đối với nội dung cơ bản của dự án Luật, Bộ Tài chính rà soát, hoàn thiện dự án Luật này bám sát các nguyên tắc, quan điểm, yêu cầu về đẩy mạnh phân công, phân cấp thẩm quyền trong hoạt động quản lý, điều hành, điều tiết giá theo thẩm quyền và nhiệm vụ được giao giữa Chính phủ với các bộ, ngành, địa phương, giữa Bộ Tài chính với các bộ, ngành và địa phương để linh hoạt, hiệu quả, kịp thời trong tổ chức thực hiện, gắn với tự chịu trách nhiệm và tăng cường kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực.

Cạnh đó, khắc phục những tồn tại, hạn chế, bất cập của Luật giá hiện hành; đồng thời tiếp tục kế thừa những quy định đang thực hiện ổn định, khả thi nhằm đơn giản hóa quy trình, thủ tục hành chính, giảm phiền hà cho người dân, linh hoạt, hiệu quả trong điều hành.

Xử lý hài hòa mối quan hệ giữa thị trường với quản lý Nhà nước, tránh việc can thiệp sâu của Nhà nước vào quy luật cung- cầu, quy luật cạnh tranh và quyền tự chủ kinh doanh của doanh nghiệp theo quy định pháp luật; nhưng cần có biện pháp, công cụ điều tiết phù hợp, kịp thời của Nhà nước khi cần, bảo đảm an sinh xã hội và ổn định kinh tế vĩ mô.

Đồng thời, có giải pháp linh hoạt trong điều hành để kịp thời điều chỉnh các vấn đề phát sinh, đáp ứng yêu cầu thực tiễn cuộc sống; đồng thời thiết kế công cụ nhằm ngăn chặn, xử lý nghiêm tiêu cực, tham nhũng, lãng phí trong quản lý giá.

Hoàn thiện khung pháp luật đầy đủ, đồng bộ về đấu thầu

Chính phủ thống nhất với sự cần thiết, mục tiêu, quan điểm xây dựng dự án Luật Đấu thầu (sửa đổi) nhằm thể chế hóa Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng về: “Tăng cường hiệu lực, hiệu quả công tác lựa chọn nhà thầu, quản lý đấu thầu”; Hoàn thiện khung pháp luật đầy đủ, đồng bộ về đấu thầu, mua sắm sử dụng nguồn vốn nhà nước, giải quyết triệt để các bất cập của Luật hiện hành...

Chính phủ cơ bản tán thành nội dung dự án Luật, giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư tiếp thu tối đa ý kiến các Thành viên Chính phủ, tiếp tục phối hợp với các Bộ, cơ quan liên quan hoàn thiện một số nội dung.

Thể chế hóa các mô hình hợp tác xã kiểu mới thành công

Chính phủ thống nhất sự cần thiết, mục tiêu, quan điểm sửa đổi toàn diện Luật Hợp tác xã (HTX) hiện hành nhằm thể chế hóa Nghị quyết số 20-NQ/TW khắc phục các tồn tại, hạn chế, bất cập của Luật Hợp tác xã năm 2012, hoàn thiện thể chế thuận lợi, tạo động lực cho sự phát triển các Tổ chức kinh tế hợp tác, giữ bản chất hợp tác của kinh tế hợp tác, HTX; tiếp thu, thể chế hóa các mô hình HTX kiểu mới thành công ở nước ta, các mô hình HTX, kinh tế hợp tác thành công trên thế giới phù hợp với thực tiễn Việt Nam và chuẩn mực phát triển HTX của Liên minh HTX quốc tế (ICA).

Chính phủ thông qua dự án Luật, giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư tiếp tục phối hợp với các Bộ, cơ quan liên quan hoàn thiện một số nội dung.

 

G.B

 

Có thể bạn quan tâm