Thời sự - Sự kiện

Chính quyền lâm thời Syria truyền “tín hiệu xây dựng” đến LHQ

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Ngày 13/12, Cao ủy Liên hợp quốc (LHQ) về người tị nạn (UNHCR) cho biết chính quyền lâm thời tại Syria đồng ý để cơ quan này hoạt động ở Syria sau khi Tổng thống Bashar al-Assad bị lật đổ, truyền đi tín hiệu “mang tính xây dựng”.
Người dân Syria trở về từ cửa khẩu ở Hatay, Thổ Nhĩ Kỳ ngày 12/12.Ảnh: THX/TTXVN

Đại diện UNHCR tại Syria Gonzalo Vargas Llosa cho hay, khi chỉnh phủ của ông al- Assad sụp đổ, UNHCR đã liên lạc và chính quyền lâm thời của Syria bày tỏ ghi nhận nỗ lực của UNHCR trong nhiều năm qua và cam kết đảm bảo an ninh để cơ quan này tiếp tục hoạt động.

Cùng ngày, Ủy ban châu Âu (EC) triển khai “cầu hàng không” để bước đầu chuyển 50 tấn hàng viện trợ y tế đến Syria qua nước láng giềng Thổ Nhĩ Kỳ.

Theo đó, vật tư y tế từ kho dự trữ của Liên minh châu Âu (EU) tại Dubai sẽ được vận chuyển bằng đường hàng không đến thành phố Adana, Thổ Nhĩ Kỳ, để phân phối tại Syria trong những ngày tới.

Ngoài ra, 46 tấn hàng cứu trợ tiếp theo của EU tại Đan Mạch sẽ được chuyển đến Adana để Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) và Tổ chức Y tế thế giới (WHO) phân phối tại Syria.

Chủ tịch EC Ursula von der Leyen dự kiến sẽ thảo luận thêm về việc cung cấp viện trợ nhân đạo trong chuyến thăm đến Thổ Nhĩ Kỳ và gặp Tổng thống nước chủ nhà Recep Tayyip Erdogan ngày 17/12 tới.
EC huy động thêm 4 triệu euro để giải quyết các nhu cầu nhân đạo cấp bách nhất tại Syria.

Khoản tài trợ mới cung cấp các bộ dụng cụ y tế, vật tư thiết yếu, bộ dụng cụ trú ẩn khẩn cấp và hỗ trợ vệ sinh, cũng như phân phối thực phẩm cho 61.500 người ở miền Bắc Syria.

Chương trình Lương thực thế giới (WFP) của LHQ cũng kêu gọi 250 triệu USD để cung cấp lương thực cho 2,8 triệu người bị ảnh hưởng trong 6 tháng tới.

Theo LHQ, hơn 1 triệu người ở Syria, chủ yếu là phụ nữ và trẻ em, đã phải di dời kể từ khi Tổng thống Bashar al-Assad bị lật đổ.

Nội chiến Syria nổ ra vào năm 2011, khi phe ông al-Assad nhận được hỗ trợ từ Nga và Iran, cùng lực lượng Hezbollah của Lebanon, trong khi lực lượng đối lập được hậu thuẫn bởi Mỹ và các quốc gia Arab giàu dầu mỏ như Saudi Arabia. Đây là khởi nguồn cho cuộc khủng hoảng người tị nạn trên khắp Trung Đông, trở thành một trong những cuộc khủng hoảng lớn nhất thời hiện đại. Thổ Nhĩ kỳ cũng can thiệp chống lại lực lượng dân quân người Kurd.

Có thể bạn quan tâm