"Những gì đang diễn ra thật điên rồ. Thật điên rồ! Tôi cực kỳ không đồng ý với việc phóng tên lửa hàng trăm dặm vào sâu lãnh thổ Nga. Tại sao lại làm như vậy? Chúng ta chỉ đang leo thang cuộc xung đột này và khiến nó trở nên tồi tệ hơn. Điều đó không nên được phép xảy ra"- ông Trump nhấn mạnh.
Theo Bộ Quốc phòng Nga, ngày 11/12, loạt 6 tên lửa ATACMS của Ukraine tấn công vào một sân bay quân sự ở Taganrog, thành phố cảng ở vùng Rostov phía Nam của Nga bên bờ biển Azov.
Bộ này nêu rõ: "2 trong số các tên lửa này bị hệ thống phòng không Pantsir bắn hạ, trong khi những tên lửa còn lại đã bị thiết bị tác chiến điện tử đánh chặn".
Bộ này cho hay không có quân nhân nào bị thương, nhưng các mảnh đạn rơi xuống đã "làm hư hại nhẹ" các phương tiện quân sự và tòa nhà gần đó.
Tháng 11 vừa qua, Nga đã phản ứng giận dữ sau khi Washington cho phép Ukraine sử dụng tên lửa tầm xa ATACMS tập kích lãnh thổ Nga. Tên lửa này do tập đoàn quốc phòng Lockheed Martin của Mỹ sản xuất và có tầm bắn tối đa là 300 km.
Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov khẳng định: “Tôi muốn nhắc lại tuyên bố hoàn toàn rõ ràng và trực tiếp do Bộ Quốc phòng Nga đưa ra hôm qua, trong đó nêu rõ sẽ có hành động đáp trả. Việc đáp trả, đương nhiên, sẽ diễn ra vào thời điểm và theo cách thức thích hợp và chắc chắn sẽ xảy ra”.
Một quan chức Mỹ ngày 11/12 tiết lộ Nga có thể phóng một tên lửa đạn đạo siêu vượt âm nữa vào Ukraine trong những ngày tới, nhưng Washington không coi tên lửa Oreshnik là vũ khí thay đổi cuộc chơi trong cuộc chiến này.
Tổng thống Putin tuyên bố rằng Oreshnik không thể bị đánh chặn và có sức công phá tương đương vũ khí hạt nhân, ngay cả khi được lắp đầu đạn thông thường.
Dù phản đối Ukraine phóng tên lửa tầm xa vào lãnh thổ Nga nhưng ông Trump khẳng định, Mỹ "không từ bỏ Ukraine", vì sự hỗ trợ đó là cần thiết và là cách duy nhất để đạt được giải pháp hòa bình cho xung đột.