Chính trị

Tin tức

Chính sách dân tộc-những tác động tích cực vào phát triển kinh tế-xã hội

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Sáng 7-8, Đoàn Công tác của Ban Chỉ đạo Tây Nguyên có buổi làm việc với UBND tỉnh Gia Lai về khảo sát, đánh giá việc tổ chức thực hiện chính sách dân tộc vùng Tây Nguyên sau hơn 25 năm đổi mới. Tại Gia Lai, nhiều năm qua hệ thống chính sách dân tộc đã cho thấy những tác động tích cực vào bộ mặt kinh tế-xã hội và đời sống người dân.

Ông Kpă Thuyên-Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai, nhận định: Sau hơn 25 năm đổi mới, vùng dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh phát triển rõ rệt, người dân từ chỗ chọc trỉa đã biết làm lúa nước, biết vận dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, từ sản xuất tự cung tự cấp đến sản xuất theo hướng trao đổi hàng hóa… Cơ sở hạ tầng cũng ngày càng phát triển.

 

Ban Chỉ đạo Tây Nguyên làm việc với UBND tỉnh. Ảnh: Phương Duyên
Ban Chỉ đạo Tây Nguyên làm việc với UBND tỉnh. Ảnh: Phương Duyên

Những kết quả to lớn

Theo thống kê, có đến 16 chương trình, chính sách dân tộc đã và đang thực hiện tại vùng Tây Nguyên trong hơn 25 năm qua, mang lại những kết quả to lớn về nhiều mặt.

Cụ thể, với việc thực hiện chương trình định canh định cư, các địa phương đã đầu tư nâng cấp, sửa chữa, xây mới các công trình trường học, nước sinh hoạt, thủy lợi, giao thông, nhà sinh hoạt cộng đồng…, tạo điều kiện cho các hộ dân tộc thiểu số còn du canh du cư ổn định đời sống, phát triển sản xuất và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần. Chương trình 135 đến nay cũng đã đầu tư trên 1.466 tỷ đồng để xây dựng hạ tầng cơ sở, trường học, đường giao thông, phát triển sản xuất, hỗ trợ các dịch vụ cải thiện và nâng cao đời sống nhân dân…

Bên cạnh đó, hàng trăm ngàn hộ dân cũng được hỗ trợ với chính sách giải quyết đất ở, đất sản xuất, nhà ở, nước sinh hoạt (tổng số vốn đầu tư gần 340 tỷ đồng). Trong việc thụ hưởng chính sách vay vốn, có gần 26.300 hộ được vay để phát triển sản xuất với tổng số vốn vay gần 157 tỷ đồng. Ngoài ra còn có các chính sách trợ cước, trợ giá và cấp các mặt hàng không thu tiền với tổng kinh phí thực hiện gần 425 tỷ đồng… Với những chủ trương, chính sách nói trên, công tác xóa đói giảm nghèo trên địa bàn tỉnh đã đạt được những kết quả đáng kể. Đến nay 100% xã có đường ô tô đến trung tâm xã, 80% hộ dân được dùng điện sinh hoạt và 70% số hộ được dùng nước hợp vệ sinh, 100% xã có trạm y tế, trình độ dân trí ngày một nâng cao. Lĩnh vực an ninh-quốc phòng và xây dựng hệ thống chính trị được củng cố và phát huy.

Tuy nhiên, theo đánh giá của UBND tỉnh, sau nhiều năm thực hiện các chính sách dân tộc, Gia Lai vẫn còn một số hạn chế như tỷ lệ hộ nghèo là người dân tộc thiểu số còn cao (trên 82%), số hộ dân thiếu đất sản xuất còn khá lớn (trên 11.000 hộ), kết cấu hạ tầng cơ sở phục vụ dân sinh và phát triển kinh tế-xã hội ở vùng sâu vùng xa còn thiếu…

Làm gì để người dân được hưởng lợi?

Tại buổi làm việc với Ban Chỉ đạo Tây Nguyên, đại diện các sở, ngành trong tỉnh đã có nhiều đề xuất, kiến nghị xác đáng nhằm nâng cao hơn nữa hiệu quả của những chính sách dân tộc đang thực hiện tại Gia Lai và Tây Nguyên nói chung.

Bà Nguyễn Thị Minh Tâm-Phó Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội Gia Lai, chia sẻ quan điểm: “Bất cập trong công tác giảm nghèo bền vững là số hộ nghèo là người dân tộc thiểu số chiếm đến hơn 82%. Theo bà Tâm, các chính sách đã giúp cho cơ sở hạ tầng ngày càng khang trang nhưng đi vào câu chuyện cụ thể của từng gia đình thì còn nhiều khó khăn. Chẳng hạn, có những hộ cận nghèo cũng khó khăn không kém các hộ nghèo nhưng điều kiện tiếp cận các nguồn vốn vay không nhiều, khiến cơ hội vươn lên phát triển kinh tế của họ là rất ít. Vì vậy, Phó Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội đề xuất cần có những quy định mới về chuẩn nghèo và cận nghèo; đồng thời cần nâng mức hỗ trợ để tạo cơ hội thoát nghèo bởi mức hỗ trợ mắm muối, gạo dầu, giấy vở, cây giống… hiện không còn phù hợp với thực tế. Cũng theo bà Tâm, thanh niên dân tộc-không nhất thiết là hộ nghèo-cần được tạo điều kiện vay vốn ưu đãi để có thể đi xuất khẩu lao động và phát triển sản xuất.

Trong khi đó, ông Nguyễn Thanh Bình-Phó Giám đốc Sở Kế hoạch-Đầu tư, lại cho rằng cần đổi mới trong chính sách hỗ trợ đối với người dân tộc thiểu số để tránh tư tưởng ỷ lại. “Cần xem xét các hộ nghèo vì sao nghèo? Nếu có tư liệu sản xuất mà vẫn nghèo thì không nên hỗ trợ”-ông Bình nói. Ngoài ra, ông Bình cũng đề nghị rà soát lại các chính sách dân tộc, những chính sách nào không còn phù hợp với điều kiện thực tế thì cần loại bỏ và tập trung vào những chính sách còn lại, trong đó có chính sách quan trọng là đào tạo nghề.

Trong lĩnh vực giáo dục, ông Lê Duy Định-Phó Giám đốc Sở Giáo dục-Đào tạo, cho biết một thông tin tích cực: Số học sinh dân tộc thiểu số chiếm gần 44% tổng số học sinh toàn tỉnh. Thế nhưng, càng lên các bậc học cao hơn thì tỷ lệ học sinh dân tộc thiểu số càng ít dần. Vì vậy, ông Định đề xuất bỏ quy định học sinh dân tộc thiểu số phải đóng học phí theo Nghị định 74 vì như thế khiến việc vận động các em ra lớp rất khó, nguy cơ học sinh bỏ học càng nhiều. Phó Giám đốc Sở Giáo dục-Đào tạo cũng kiến nghị tăng mức hỗ trợ đối với học sinh bán trú (từ 80% lên 100% mức lương tối thiểu) để nâng cao hiệu quả trong việc huy động học sinh ra lớp. Còn trong lĩnh vực y tế, ông Mai Xuân Hải-Giám đốc Sở Y tế-cho rằng nên tiếp tục chính sách đào tạo bác sĩ cử tuyển đối với Gia Lai để tăng cường bác sĩ về tuyến huyện và xã, vì trong thực tế chính sách này đã phát huy hiệu quả thiết thực.

 

Ông Trương Văn Tỵ-Vụ trưởng Vụ Dân tộc-Tôn giáo Ban Chỉ đạo Tây Nguyên:
Ông Trương Văn Tỵ-Vụ trưởng Vụ Dân tộc-Tôn giáo Ban Chỉ đạo Tây Nguyên: "Càng làm tốt chính sách dân tộc thì người dân được hưởng lợi càng nhiều". Ảnh: Phương Duyên

Tại buổi làm việc, ông Trương Văn Tỵ-Vụ trưởng Vụ Dân tộc-Tôn giáo (Ban Chỉ đạo Tây Nguyên) nhìn nhận: Gia Lai là 1 tỉnh có diện tích và số đơn vị hành chính lớn nhất Tây Nguyên; tuy nhiên, sau hơn 25 năm đổi mới, Gia Lai đã có rất nhiều cố gắng và có những chính sách dân tộc được triển khai hiệu quả, nhờ đó bộ mặt kinh tế-xã hội thay đổi rõ rệt, đời sống người dân được cải thiện, an ninh quốc phòng được giữ vững. Vụ trưởng đề nghị trên cái nền chung của hệ thống chính sách dân tộc, tỉnh cần nghiên cứu vận dụng để có những chính sách phù hợp hơn với đặc thù của địa phương. Bên cạnh đó là chăm lo hơn nữa đến an sinh xã hội, an ninh nông thôn, xây dựng nông thôn mới và đặc biệt là công tác giảm nghèo…, bởi “càng làm tốt thì người dân sẽ được hưởng lợi càng nhiều”. Ông Tỵ cũng cho biết đoàn sẽ ghi nhận kiến nghị của đại diện các sở, ngành trong tỉnh để đề đạt lên chính phủ nhằm có những chính sách phù hợp hơn trong phát triển kinh tế-xã hội đối với vùng Tây Nguyên.

Phương Duyên

Có thể bạn quan tâm