Kinh tế

Chính sách giảm thuế là điểm tựa cho doanh nghiệp phục hồi tăng trưởng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)-Các chính sách giảm thuế được ngành Thuế tỉnh Gia Lai triển khai kịp thời đã hỗ trợ người dân, doanh nghiệp nhanh chóng phục hồi tăng trưởng hoạt động sản xuất kinh doanh.

Ngay từ đầu năm 2024, ngành Thuế tỉnh Gia Lai chủ động triển khai thực hiện các chính sách hỗ trợ về thuế giúp người dân, doanh nghiệp củng cố nguồn lực để vượt qua khó khăn, ổn định đời sống, phục hồi hoạt động sản xuất kinh doanh.

Chính sách giảm 2% thuế Giá trị gia tăng góp phần giảm chi phí trực tiếp cho người dân khi mua hàng hóa, sử dụng dịch vụ. Ảnh: Sơn Ca.

Chính sách giảm 2% thuế Giá trị gia tăng góp phần giảm chi phí trực tiếp cho người dân khi mua hàng hóa, sử dụng dịch vụ. Ảnh: Sơn Ca.

Điểm qua các chính sách hỗ trợ về thuế đang tiếp tục thực thi cho thấy, hầu hết là chính sách được thực hiện liên tiếp qua các năm, mang tính chất ổn định, hiệu quả, đi thẳng vào đối tượng cần hỗ trợ. Tiêu biểu là chính sách giảm 2% thuế Giá trị gia tăng theo Nghị định số 94/2023/NĐ-CP ngày 28-12-2023 quy định chính sách giảm thuế Giá trị gia tăng theo Nghị quyết 110/2023/QH15 của Quốc hội. Chính sách này có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2024 đến hết ngày 30-6-2024. Kế đến là chính sách giảm 50% thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn theo Nghị quyết số 42/2023/UBTVQH15 ngày 18-12-2023 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Tiếp đó là chính sách giảm 30% tiền thuê đất năm 2023 theo Quyết định số 25/2023/QĐ-TTg ngày 03-10-2023 của Thủ tướng Chính phủ.

Theo ước tính của Cục Thuế tỉnh, trong năm 2023 vừa qua, các chính sách hỗ trợ người nộp thuế như giảm 2% thuế Giá trị gia tăng, giảm 30% tiền thuê đất, giảm 50% lệ phí trước bạ đối với xe ô tô đã ảnh hưởng giảm thu ngân sách Nhà nước 715 tỷ đồng. Năm 2024, đối với nhóm chính sách hỗ trợ về thuế đang triển khai khả năng sẽ ảnh hưởng giảm thu ngân sách Nhà nước khoảng 550 tỷ đồng. Những con số ghi nhận thực tế từ việc triển khai các chính sách miễn giảm thuế cho thấy, nguồn lực hỗ trợ đã đi đúng trọng tâm, trọng điểm, thực chất để phát huy vai trò tiếp sức phục hồi tăng trưởng, trở thành điểm tựa cần thiết để người dân, doanh nghiệp củng cố nội lực vượt qua giai đoạn khó khăn.

Các chính sách hỗ trợ về thuế được triển khai kịp thời góp phần thúc đẩy phục hồi hoạt động sản xuất, kinh doanh. Ảnh: Sơn Ca.

Các chính sách hỗ trợ về thuế được triển khai kịp thời góp phần thúc đẩy phục hồi hoạt động sản xuất, kinh doanh. Ảnh: Sơn Ca.

Ông Trương Đình Sang (48/15 Phùng Hưng, TP. Pleiku)-cho hay: “Tôi thấy các chính sách giảm thuế, phí, lệ phí đều hướng đến lợi ích chung của người dân. Đơn cử như công việc của tôi là tài xế taxi nên tôi rất quan tâm đến giá xăng dầu vì liên quan đến chi phí hoạt động dịch vụ, thu nhập, đời sống. Giá xăng tăng hay giảm sẽ ảnh hưởng đến các khoản chi phí và đời sống nói chung”.

Bàn về mức độ tác động của các chính sách hỗ trợ về thuế đối với hoạt động sản xuất kinh doanh, ông Phạm Ngọc Thạch-Giám đốc Chi nhánh Công ty cổ phần Xăng dầu Dầu khí PVOil Miền Trung tại Gia Lai (thôn 1, xã Ia Pal, huyện Chư Sê)-cho biết: “Mục đích giảm 50% thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn là giảm giá bán lẻ xăng dầu, tăng lưu thông để phát triển sản xuất, giảm chi phí đầu vào cho các ngành, lĩnh vực sản xuất, kinh doanh như giao thông vận tải, logistics. Đồng thời, góp phần bình ổn thị trường, giảm bớt áp lực về chi phí đời sống của người dân, giảm chi phí đầu vào cho doanh nghiệp”.

Ông Nguyễn Văn Quynh-Tổng Giám đốc Đại lý Honda Ôtô Gia Lai (519A Lê Duẩn, TP. Pleiku)-chia sẻ: “Trong thời gian qua, chính sách hỗ trợ về thuế có tác động rất lớn đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp ô tô nội địa, giúp doanh nghiệp hoàn thành kế hoạch kinh doanh trong bối cảnh nền kinh tế vẫn còn nhiều khó khăn. Doanh số bán hàng phụ thuộc hoàn toàn vào nhu cầu, khả năng chi tiêu của khách hàng. Nên dưới lực đẩy của chính sách giảm lệ phí trước bạ, doanh số bán hàng của doanh nghiệp có sự bứt phá mạnh mẽ, khách hàng được tiết kiệm được một khoản ngân sách nhờ giảm lệ phí trước bạ”.

Hoạt động sản xuất kinh doanh phục hồi tăng trưởng đã đóng góp nguồn thu vào ngân sách Nhà nước. Ảnh: Đức Thụy.

Hoạt động sản xuất kinh doanh phục hồi tăng trưởng đã đóng góp nguồn thu vào ngân sách Nhà nước. Ảnh: Đức Thụy.

Trong hai tháng đầu năm 2024,cùng với việc tích cực triển khai các chính sách thuế hỗ trợ người dân và doanh nghiệp, ngành Thuế tỉnh Gia Lai tiếp tục bám sát chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế; tranh thủ sự quan tâm chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh; sự phối hợp đồng bộ các sở ban ngành, địa phương thực hiện nhiệm vụ thu ngân sách Nhà nước nên tổng thu nội địa thực hiện đến ngày 21-2-2024 là 1.364 tỷ đồng, đạt 24,5% dự toán Bộ Tài chính giao, đạt 23,7% dự toán HĐND tỉnh giao.

Ông Lê Minh Nhựt-Cục trưởng Cục Thuế tỉnh-cho biết: “Năm 2024 là năm thứ 4 ngành Thuế tiếp tục triển khai các chính sách miễn giảm thuế. Chúng tôi đã xác định rõ đây là một trong số nhiệm vụ trọng tâm nhằm hỗ trợ người dân, doanh nghiệp vượt qua khó khăn, phục hồi phát triển hoạt động sản xuất, kinh doanh. Việc triển khai kịp thời, có hiệu quả các chính sách hỗ trợ sẽ tái tạo nguồn thu bền vững cho ngân sách Nhà nước, đáp ứng các nhu cầu nguồn lực tài chính cho địa phương thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội”.

Có thể bạn quan tâm