Bạn đọc

Chính sách tín dụng nâng đỡ người lầm lỡ

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Ngay sau khi Quyết định số 22/2023/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ có hiệu lực thi hành, tại Gia Lai đã có 7 khách hàng đầu tiên là người chấp hành xong án phạt tù được Ngân hàng Chính sách Xã hội giải ngân cho vay để tạo việc làm, sản xuất, kinh doanh. Hành trình tái hòa nhập cộng đồng và xây dựng cuộc sống mới của những người lầm lỡ không còn đơn độc nhờ có sự đồng hành, tiếp sức của chính sách tín dụng mang tính nhân văn của Chính phủ.

Các đối tượng vay vốn theo Quyết định số 22/2023/QĐ-TTg đáp ứng các điều kiện về đào tạo nghề, vay vốn để sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm với mức vốn tối đa 4 triệu đồng/tháng/người; hoặc tối đa 100 triệu đồng/người nhằm mục đích sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm. Đối với cơ sở sản xuất được vay vốn tối đa 2 tỷ đồng/dự án và không quá 100 triệu đồng/người lao động tại cơ sở sản xuất kinh doanh. Lãi suất cho vay đối với người chấp hành xong án phạt tù được áp dụng bằng lãi suất cho vay đối với hộ nghèo. Đến thời điểm này, Gia Lai đã có 7 người được vay vốn với số tiền 520 triệu đồng.

Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện Đak Đoa giải ngân 3 món vay đầu tiên theo Quyết định số 22/2023/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Ảnh: Sơn Ca.

Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện Đak Đoa giải ngân 3 món vay đầu tiên theo Quyết định số 22/2023/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Ảnh: Sơn Ca.

Tại Gia Lai đã có 7 khách hàng đầu tiên là người chấp hành xong án phạt tù được Ngân hàng Chính sách Xã hội giải ngân cho vay. Theo đó, Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách Xã hội (PGD NHCSXH) huyện Đak Pơ giải ngân 2 món vay với số tiền 200 triệu đồng; PGD NHCSXH huyện Đak Đoa giải ngân 3 món vay với số tiền 200 triệu đồng; PGD NHCSXH huyện Chư Pưh giải ngân 1 món vay với số tiền 70 triệu đồng; PGD NHCSXH thị xã An Khê giải ngân 1 món vay với số tiền 50 triệu đồng.

Một trong số khách hàng đầu tiên được vay vốn, anh Nguyễn Văn Á (SN 1993, ngụ tại thôn Tân Lập, xã Trang, huyện Đak Đoa) cho biết: “Sau khi tôi trở lại với cuộc sống đời thường, hoàn cảnh gia đình gặp nhiều khó khăn. Vợ tôi không có công việc ổn định, con nhỏ, bản thân tôi thì có án tích. Nên khi được chính quyền, cơ quan chức năng tạo điều kiện cho tôi vay 100 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách Xã hội, tôi rất mừng. Nguồn vốn này sẽ tạo cơ hội để tôi làm ăn phát triển kinh tế, chăm lo cuộc sống ổn định cho gia đình”.

Trong tâm trạng bồi hồi, ông Lê Đức Hòa (SN 1980, ngụ tại thôn 1, xã Hà Tam, huyện Đak Pơ) giãi bày: “Tôi được tạo điều kiện vay 100 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách Xã hội để chăn nuôi bò sinh sản. Được tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi của Chính phủ, tôi quyết tâm chí thú làm ăn để sớm ổn định cuộc sống, sớm hòa nhập cộng đồng xã hội”.

Chính sách tín dụng đối với người chấp hành xong án phạt tù được triển khai nhanh chóng, tạo điều kiện hỗ trợ cho người lầm lỡ phát triển kinh tế, xây dựng lại cuộc sống mới. Ảnh: Sơn Ca.

Chính sách tín dụng đối với người chấp hành xong án phạt tù được triển khai nhanh chóng, tạo điều kiện hỗ trợ cho người lầm lỡ phát triển kinh tế, xây dựng lại cuộc sống mới. Ảnh: Sơn Ca.

Với tinh thần đưa chính sách tín dụng nhân văn của Chính phủ đi vào cuộc sống một cách nhanh nhất, ông Nguyễn Văn Ngọc-Giám đốc PGD NHCSXH huyện Đak Đoa thông tin: “Để triển khai kịp thời, hiệu quả Quyết định số 22/2023/QĐ-TTg, PGD đã tích cực tham mưu cho UBND huyện chỉ đạo các cơ quan có liên quan, UBND các xã, thị trấn, các tổ chức chính trị xã hội đẩy mạnh công tác tuyên truyền. Đồng thời, chủ động phối hợp với Công an huyện, chính quyền địa phương rà soát lập danh sách các đối tượng đủ điều kiện và có nhu cầu vay vốn gửi về NHCSXH huyện để lập hồ sơ, tiến hành giải ngân một cách nhanh nhất ngay sau khi chính sách có hiệu lực”.

Về phía chính quyền địa phương, ông Phan Văn Phương-Phó Chủ tịch UBND xã Tân Bình, huyện Đak Đoa cho biết thêm: “Chính quyền địa phương rất quan tâm về việc tạo nguồn vốn cho các đối tượng đã chấp hành xong án phạt tù để có nguồn vốn đầu tư phát triển sản xuất. Vì thế khi Quyết định số 22/2023/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ được ban hành, UBND xã tích cực phối hợp cùng Công an xã rà soát các đối tượng đủ điều kiện, có nhu cầu vay vốn, lập danh sách gửi NHCSXH huyện. Chính sách tín dụng này mở ra cơ hội, tạo điều kiện cho những người lầm lỡ khi trở về địa phương có nguồn vốn để làm kinh tế nuôi sống bản thân và gia đình”.

Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện Đak Pơ phối hợp với UBND xã, Công an xã Hà Tam tổ chức giải ngân cho 2 khách hàng vay vốn theo Quyết định số 22/2023/QĐ-TTg. Ảnh: Sơn Ca.

Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện Đak Pơ phối hợp với UBND xã, Công an xã Hà Tam tổ chức giải ngân cho 2 khách hàng vay vốn theo Quyết định số 22/2023/QĐ-TTg. Ảnh: Sơn Ca.

Trao đổi với P.V, Thiếu tá Trần Thị Luận-Đội phó Đội Thi hành án hình sự và Hỗ trợ tư pháp, Công an huyện Đak Đoa thông tin: “Triển khai Quyết định số 22/2023/QĐ-TTg, Công an huyện đã phối hợp với cơ quan liên quan, NHCSXH, chỉ đạo Công an cấp xã là cấp quản lý trực tiếp lập và cung cấp danh sách người chấp hành xong án phạt tù có nhu cầu và đủ điều kiện vay vốn, theo định kỳ ngày 5 hàng tháng cho NHCSXH để làm căn cứ thực hiện bình xét cho vay”.

Có thể bạn quan tâm