Khoa học - Công nghệ

Tin tức công nghệ

Chính thức đấu giá tần số 5G, mở ra cơ hội phát triển mới cho Việt Nam

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Việc đấu giá tần số và triển khai 5G tại Việt Nam được xem là một bước quan trọng trong quá trình phát triển hạ tầng viễn thông và mạng di động.
Các doanh nghiệp viễn thông tham gia đấu giá. (Ảnh: Lê Anh Dũng)

Các doanh nghiệp viễn thông tham gia đấu giá. (Ảnh: Lê Anh Dũng)

Chiều 8/3 tại tòa nhà Cục Tần số Vô tuyến điện, Công ty Đấu giá Hợp danh Số 5 Quốc gia đã tổ chức cuộc đấu giá quyền sử dụng tần số vô tuyến điện đối với khối băng tần B1 (2.500-2.600 MHz).

Tham dự cuộc đấu giá có Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Phạm Đức Long, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Huy Dũng, Cục trưởng Cục Tần số Vô tuyến điện (Bộ Thông tin và Truyền thông) Lê Văn Tuấn, Phó Cục trưởng Cục Bổ trợ tư pháp (Bộ Tư pháp) Lê Văn Tuấn, đại diện các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông và các doanh nghiệp tham gia đấu giá.

Phát biểu khai mạc phiên đấu giá, Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng cho hay, sự kiện này có ý nghĩa quan trọng với Ngành Thông tin và Truyền thông, kỳ vọng mở ra một kỷ nguyên mới cho 5G, là cơ sở để phát triển Hạ tầng Số, phục vụ công cuộc Chuyển đổi Số Quốc gia.

Ngày 11/1/2024, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Quy hoạch hạ tầng thông tin và truyền thông thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 của Việt Nam. Quy hoạch đặt ra mục tiêu đến năm 2025, tốc độ tải xuống trung bình tối thiểu là 100 Mbps cho mạng 5G, đến năm 2030 mạng 5G phủ sóng 99% dân số.

Năm 2024, Bộ Thông tin và Truyền thông đã đưa ra định hướng là năm phổ cập Hạ tầng Số. Hạ tầng Số Việt Nam phải có dung lượng siêu lớn, băng thông siêu rộng, phổ cập, bền vững, xanh, thông minh, mở và an toàn.

Hạ tầng này phải được ưu tiên đầu tư, hiện đại hóa và đi trước một bước để thúc đẩy Chuyển đổi Số Quốc gia, phát triển Kinh tế Số, Xã hội Số. Do vậy, năm 2024 là thời điểm "chín muồi" để cấp phép băng tần thương mại hóa 5G, nhằm triển khai mục tiêu nêu trên.

Theo Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng, thời gian qua, Bộ Thông tin và Truyền thông đã nỗ lực phối hợp với các bộ, ngành, đề xuất các cấp có thẩm quyền để hoàn thiện thể chế về đấu giá quyền sử dụng tần số vô tuyến điện.

Ảnh minh hoạ. (Ảnh: MobiFone)

Ảnh minh hoạ. (Ảnh: MobiFone)

Sự chuẩn bị kỹ lưỡng về mọi mặt không chỉ thể hiện cam kết của Bộ Thông tin và Truyền thông trong việc thúc đẩy phát triển Ngành Viễn thông, mà còn là nền tảng vững chắc để các doanh nghiệp tham gia đấu giá phát triển thương mại hóa 5G, góp phần vào sự phát triển chung của đất nước.

Việc triển khai 5G tại Việt Nam được xem là một bước quan trọng trong quá trình phát triển hạ tầng viễn thông và mạng di động.

Trước đó, ngày 17/1/2024, Bộ Thông tin và Truyền thông đã ban hành Quyết định phê duyệt phương án tổ chức đấu giá quyền sử dụng tần số vô tuyến điện đối với băng tần 2500-2600 MHz và băng tần 3700-3900 MHz cho hệ thống thông tin di động mặt đất theo tiêu chuẩn IMT.

Có thể bạn quan tâm