TN - Đất & Người

Chính thức khởi công dự án nông nghiệp công nghệ cao DHN Đắk Lắk, rộng 200ha, quy mô 1.500 tỷ

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Dự án "Tổ hợp Nông nghiệp công nghệ cao DHN Đắk Lắk" sẽ giải quyết đúng những nút thắt của ngành chăn nuôi Việt Nam, đó là giải được bài toán cung cấp nguồn giống lợn, gà năng suất cao; xây dựng nhà máy giết mổ tập trung đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm..."- Thứ trưởng Bộ NNPTNT Phùng Đức Tiến cho biết.

Đó là phát biểu của Thứ trưởng Bộ NNPTNT Phùng Đức Tiến tại Lễ khởi công dự án "Tổ hợp Nông nghiệp công nghệ cao DHN Đắk Lắk", diễn ra sáng nay (27/9) tại xã Ea M'Droh, huyện Cư M'Gar, tỉnh Đắk Lắk, do Bộ NNPTNT, UBND tỉnh Đắk Lắk chủ trì.

Dự án này do liên doanh giữa Tập đoàn De Heus (Hà Lan) và Tập đoàn Hùng Nhơn (TP.Hồ Chí Minh) rót vốn đầu tư.


 

Lãnh đạo Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, Bộ NNPTNT, Đại sứ quán Hà Lan và đại diện liên doanh thực hiện nghi thức khởi công Tổ hợp Nông nghiệp công nghệ cao DHN Đắk Lắk. Ảnh: Nguyễn Chương



 Ông Vũ Mạnh Hùng – Chủ tịch HĐQT, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hùng Nhơn cho biết, dự án "Tổ hợp Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại Đắk Lắk" do liên doanh Tập đoàn De Heus (Hà Lan) và Hùng Nhơn Group đầu tư. Tổng vốn đầu tư cho dự án này là 66 triệu USD, tương đương 1.500 tỷ đồng, thực hiện từ nay đến năm 2025.

"Sau khi hoàn thành, dự án sẽ tạo ra nguồn cung cấp heo giống chất lượng cao cho khu vực Tây Nguyên và Đông Nam Bộ, với công suất chăn nuôi 2.500 con heo cụ kỵ và ông bà, cung cấp cho thị trường khoảng 25.000 con heo bố mẹ và heo hậu bị" – ông Hùng thông tin.

Tổ hợp có quy mô sử dụng đất khoảng 200ha, trong đó gồm Khu trang trại, chăn nuôi heo giống cụ kỵ được chọn lọc và nhập khẩu trực tiếp từ Hà Lan, có diện tích khoảng 80ha; Khu trang trại chăn nuôi gà giống khoảng 30ha; Nhà máy giết mổ heo thịt và sản xuất phân bón khoảng 15ha; Khu điều hành và hỗ trợ dịch vụ khoảng 20ha; Khu canh tác theo hướng hữu cơ và đất cây xanh khoảng 30ha; Đất giao thông và hạ tầng kỹ thuật khoảng 25ha.


 

Lần đầu tại Việt Nam, toàn bộ quy trình chăn nuôi tại dự án được ứng dụng 100% công nghệ cao theo tiêu chuẩn quốc tế. Hệ thống trang trại của dự án được vận hành và giám sát theo công nghệ 4.0, được cung cấp bởi tập đoàn Skiold (Đan Mạch). Ảnh: Nguyễn Chương



Cũng theo ông Hùng, trong chiến lược dài hạn của 2 tập đoàn, De Heus và Hùng Nhơn cũng hướng tới xây dựng một chuỗi giá trị cùng vùng an toàn dịch bệnh tại Đắk Lắk và các vùng phụ cận.

Việc hợp tác phát triển "Tổ hợp Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại Đắk Lắk" sẽ tạo ra cơ hội việc làm cho gần 300 người dân tộc thiểu số tại địa phương, đào tạo nguồn nhân lực có chuyên môn về chăn nuôi giá trị cao, canh tác hữu cơ theo công nghệ hiện đại, đóng góp vào sự phát triển kinh tế chung của tỉnh.

Ông Gabor Fluit – Tổng Giám đốc Tập đoàn De Heus khu vực châu Á cho biết, sau hơn 12 năm đầu tư vào thị trường Việt Nam, đến nay De Heus đã có 9 nhà máy thức ăn gia súc. Nhìn thấy nhu cầu của người chăn nuôi Việt Nam ngoài thức ăn tốt còn cần nguồn giống chất lượng, đặc biệt là sau khi bị thiệt hại bởi dịch tả lợn châu Phi, nhu cầu tái đàn, con giống tốt rất cao. Điều đó cho thấy sự cần thiết đầu tư 1 khu chăn nuôi sản xuất con giống chất lượng cao phục vụ thị trường.

"Dịch tả lợn châu Phi rất nguy hiểm, khiến lợn chết rất nhanh đối với cả heo thịt và heo nái. Trong khi công nghệ của De Heus tạo ra năng suất sản xuất heo giống rất cao. Hiện Hà Lan, Việt Nam cũng tham gia hiệp định thương mại tự do, nếu ngành chăn nuôi không đáp ứng được điều này thì khả năng cạnh tranh rất khó. Việc đầu tư năng suất cao sẽ tạo ra khả năng cạnh tranh cho ngành chăn nuôi heo của Việt Nam" - ông Gabor Fluit cho biết.

"Chúng tôi hi vọng Tổ hợp này sẽ tạo động lực thúc đẩy ngành chăn nuôi. Sự hợp tác này cũng nhấn mạnh 1 điều lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Bộ NNPTNT, tỉnh rất quan tâm đến lĩnh vực nông nghiệp và bà con nông dân. Tôi sống ở Việt Nam cũng đã lâu, cảm thấy mình đã là một nửa người Việt Nam và rất tự hào về điều này" - ông Gabor Fluit nói.

Không chỉ De Heus mà hiện nay rất nhiều tập đoàn lớn cũng đang muốn chọn Việt Nam là điểm đến, đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh. Dự án này thể hiện tầm nhìn vượt trội của De Heus và Hùng Nhơn trong sứ mệnh xây dựng một mô hình hợp tác toàn diện để tạo ra các chuỗi giá trị cao trong nông nghiệp.

 

Thứ trưởng Bộ NNPTNT Phùng Đức Tiến phát biểu tại Lễ khởi công.



Phát biểu tại Lễ khởi công, Thứ trưởng Bộ NNPTNT Phùng Đức Tiến nhấn mạnh, sắp tới Thủ tướng Chính phủ sẽ phê duyệt đề án chiến lược phát triển chăn nuôi giai đoạn 2025 - 2030 tầm nhìn đến năm 2040. Những năm gần đây, ngành chăn nuôi phát triển nhanh, sản lượng thịt tăng lên gấp 10 lần, đáp ứng tốt nhu cầu của người tiêu dùng và đã có sản phẩm xuất khẩu. Xét về kinh tế thì chưa lớn nhưng điều quan trọng là đã khẳng định được giá trị thương hiệu của nông nghiệp Việt Nam, không chỉ có nông sản, thuỷ sản, lâm sản mà còn có cả súc sản.

Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Tiến, khó khăn thách thức đối với chăn nuôi Việt Nam không nhỏ. Đó là chăn nuôi nông hộ, trang trại nhỏ chiếm tỷ lệ cao; năng suất thấp, giá thành cao; vấn đề an toàn thực phẩm, ô nhiễm môi trường còn tồn tại. Việc khởi công dự án này đánh dấu bước phát triển quan trọng không chỉ với ngành chăn nuôi địa phương mà còn có nhiều ý nghĩa to lớn, mở ra triển vọng, đánh dấu một bước phát triển của ngành chăn nuôi Việt Nam nói riêng và nông nghiệp Việt Nam nói chung.


 

Ông Gabor Fluit - Tổng Giám đốc Tập đoàn De Heus và ông Vũ Mạnh Hùng - Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Tập đoàn Hùng Nhơn nhận Bằng khen của Bộ NNPTNT với những đóng góp quan trọng cho nền nông nghiệp trong những năm vừa qua. Ảnh: Nguyễn Chương
Uỷ viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Trung ương Hội Nông dân Việt Nam Thào Xuân Sùng tặng hoa cho lãnh đạo 2 Tập đoàn tại Lễ khởi công. Ảnh: Nguyễn Chương
Đại diện 2 Tập đoàn tặng 500 triệu đồng để xây dựng trường học tại xã Cư M'Gar. Ảnh: Nguyễn Chương



Thứ trưởng Tiến nhấn mạnh: Điều này thể hiện ở mấy khía cạnh sau. Thứ nhất, trong bối cảnh Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) vừa có hiệu lực ngày 1/8/2020, dự án được đầu tư theo hướng thiết lập vùng an toàn dịch bệnh, sản phẩm chất lượng cao sẽ tạo tiền đề cho các sản phẩm chăn nuôi chủ lực là thịt lợn, thịt gà xuất khẩu sang thị trường EU.

Thứ hai, dự án đầu tư giải quyết đúng những nút thắt của ngành chăn nuôi Việt Nam, đó là giải được bài toán cung cấp ổn định nguồn giống lợn, gà năng suất cao; xây dựng nhà máy giết mổ công nghiệp tập trung đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm; tạo ra chuỗi liên kết để phát triển bền vững từ con giống - thức ăn - giết mổ/chế biến - phân bón hữu cơ theo mô hình kinh tế tuần hoàn.

Thứ ba, Tổ hợp Nông nghiệp công nghệ cao DHN Đắk Lắk trở thành mô hình tiêu biểu về áp dụng công nghệ 4.0 trong nông nghiệp nói chung và chăn nuôi nói riêng.

Thứ tư, dự án là mô hình kiểu mẫu về phát triển sản xuất nông nghiệp thân thiện với môi trường, sử dụng hệ thống điện mặt trời nối lưới nhằm giảm phát thải lượng lớn khí CO2. Xen kẽ với khu chăn nuôi là khu canh tác theo hướng hữu cơ và đất cây xanh; toàn bộ phân lợn, gà thải ra từ chăn nuôi sẽ được sản xuất thành phân bón hữu cơ.

Thứ năm, khu vực Tây Nguyên có vị trí quan trọng, tiềm năng to lớn đối với phát triển chăn nuôi, quá trình chuyển dịch, tái cơ cấu nền nông nghiệp, dự án này sẽ đáp ứng nhu cầu sản phẩm chăn nuôi trong nước và đóng góp cho xuất khẩu.

"Cuối cùng, dự án không chỉ đóng góp cho sự phát triển chung của ngành, mà còn đóng góp lớn cho sự phát triển kinh tế tại vùng Tây Nguyên và địa phương, giảm khoảng cách phát triển với các khu vực khác, thể hiện trách nhiệm cộng đồng của doanh nghiệp khi tạo việc làm cho khoảng 300 người lao động là bà con vùng dân tộc thiểu số và miền núi xã Ea M'Droh" - Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhấn mạnh.

 


Bà Elsbeth Akkerman – Đại sứ tại Hà Lan cho biết, tôi rất thích ăn bún chả của Việt Nam, một trong những món ăn có sử dụng thịt heo. Hi vọng với sự hợp tác này, tới đây chúng tôi sẽ được sử dụng nhiêều sản phẩm của Việt Nam tại Hà Lan cũng như các nước châu Âu với nhiều sản phẩm đa dạng như bưởi, hạt điều, cà phê, các sản phẩm da giày, và thậm chí cả món bún chả của Việt Nam.

Với việc kí kết Hiệp định EVFTA, đã có nhiều lô hàng nông sản của Việt Nam lên đường sang châu Âiu, hi vọng thời gian tới sẽ tiếp tục có thêm sản phẩm nông nghiệp khác nhờ sự hỗ trợ chặt chẽ từ hệ thống logistics của Hà Lan. Đặc biệt là khi Tổ hợp Nông nghiệp công nghệ cao DHN Đắk Lắk được khởi công, đó chính là minh chứng tuyệt vời cho sự hợp tác giữa Hà Lan và Việt Nam, thể hiện đầy đủ các yếu tố về môi trường, bảo vệ đất đai và con người.


https://danviet.vn/chinh-thuc-khoi-cong-du-an-nong-nghiep-cong-nghe-cao-dhn-dak-lak-rong-200ha-quy-mo-1500-ty-20200927120829245.htm
 

Theo Minh Huệ - Nguyễn Chương (Dân Việt)

Có thể bạn quan tâm