TN - Đất & Người

"Báu vật sống" ở làng Kon Kơ Tu

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
Nghệ nhân Y Yin (72 tuổi) ở làng Kon Kơ Tu (xã Đăk Rơ Wa, thành phố Kon Tum) cả đời gắn bó với khung dệt. Bà được xem là “báu vật sống” của làng khi sở hữu kỹ năng dệt điêu luyện và năng khiếu “kể chuyện” trên thổ cẩm.

Ngày cuối tuần đẹp trời, chúng tôi hòa vào dòng người khách tham quan ghé thăm làng cổ Kon Kơ Tu. Ngôi làng vẫn giữ được nét yên bình, hoang sơ vốn có cùng nhiều đặc trưng bản sắc của cộng đồng người Ba Na tại đây.

Nhà của bà Y Yin nằm kế bên nhà rông trung tâm làng. Đã từ lâu, hình ảnh bà “bầu bạn” với khung cửi bên hiên nhà đã trở nên quen thuộc với người dân và du khách. Đôi tay bà thoăn thoắt, miệt mài dệt nên nhiều sản phẩm thổ cẩm không chỉ để sử dụng trong đời sống thường ngày, mà còn mang nhiều giá trị độc đáo về văn hóa, du lịch được du khách ưa chuộng.

Bà Y Yin miệt mài bên khung dệt. Ảnh: H.T

Bà Y Yin miệt mài bên khung dệt. Ảnh: H.T

Chỉ với khung dệt đơn giản, dưới bàn tay khéo léo của nghệ nhân Y Yin, những cuộn len, sợi chỉ vô tri đã trở thành những tấm vải “có hồn”, rực rỡ sắc màu. Theo nhịp lách cách đều đều của khung cửi, bà Y Yin kể cho chúng tôi nghe nhiều câu chuyện hấp dẫn về thổ cẩm và kỷ niệm gắn bó với nghề.

Từ nhỏ bà Y Yin đã có khiếu dệt hơn những bạn cùng lứa. Mỗi khi thấy mẹ mình dệt, bà chăm chú ngồi xem, bắt đầu học từ cách gỡ, móc sợi, cách xếp khung cửi rồi dần đến những động tác dệt cơ bản nhất. Mỗi lần được chỉ dạy, bà như “học một biết mười”, rất sáng tạo và không ngừng tò mò, trăn trở, đêm về ngủ vẫn mơ thấy mình ngồi tập dệt.

Niềm đam mê và khao khát đã thôi thúc bà học hỏi, thực hành mỗi ngày, chẳng mấy chốc mà vượt trội so với những bạn cùng lứa. Mỗi lúc rảnh là bà lại miệt mài bên khung dệt, tự tay đan quần áo, những vật dụng dùng cho sinh hoạt đời thường. Bà thành thạo và biết hết tất cả những kỹ thuật nâng cao trong nghề dệt khi chỉ mới 20 tuổi; đồng thời, không ngừng sáng tạo thêm để tạo nên “thương hiệu” cho riêng mình.

Một trong đó chính là khả năng “kể chuyện” trên thổ cẩm. Bên cạnh trang phục hàng ngày, nếu được du khách đặt hàng, bà còn dệt những tấm vải dùng để trưng bày, trang trí với những câu chuyện được khắc họa sinh động, hấp dẫn qua từng đường nét, hoa văn. Những câu chuyện bà lựa chọn kể trên thổ cẩm thường là những truyện cổ tích, truyền thuyết do bà được nghe kể, nói về các nhân vật anh hùng, sự kiện lịch sử, cuộc sống của thần linh, con người, vật nuôi, cây cối, làng quê ngày xưa, trong đó nhấn mạnh yếu tố anh hùng, nhân nghĩa, cái thiện luôn chiến thắng cái ác. Mỗi câu chuyện dù ngắn hay dài nhưng luôn kết thúc có hậu, mang nhiều ý nghĩa giáo dục cho lớp trẻ, cộng đồng.

Nghệ nhân Y Yin đang dệt những phân cảnh kể chuyện trên thổ cẩm. Ảnh: H.T

Nghệ nhân Y Yin đang dệt những phân cảnh kể chuyện trên thổ cẩm. Ảnh: H.T

Hôm chúng tôi đến, nghệ nhân Y Yin đang hoàn thiện tấm thổ cẩm được du khách đặt hàng. Trên tấm vải nhiều màu sắc, bà Y Yin khéo léo, tài tình kể về câu chuyện ba anh em là Thớt, Mèo đen và Cây củi trên hành trình đi tìm mẹ ruột của mình. Hành trình dù trải qua nhiều nguy hiểm, gian khó nhưng ba anh em luôn gặp may mắn, được thần linh giúp đỡ đúng lúc và cuối cùng được sum vầy cùng mẹ, vạch trần được kẻ ác đã gây nên bi kịch cho gia đình. Câu chuyện li kì, hấp dẫn, trải qua nhiều tình tiết nhưng được nghệ nhân Y Yin khéo léo thể hiện cô đọng, xúc tích qua từng hình vẽ, phân cảnh trên thổ cẩm. Qua lời kể và minh họa sinh động của bà, ai cũng chăm chú lắng nghe không rời.

Nghệ nhân Y Yin chia sẻ: “Giờ tuổi đã cao, mắt đã mờ, tôi cũng không biết làm gì ngoài dệt thổ cẩm. Hiện giờ ngoài dệt để phục vụ đời sống, tôi thường nhận đặt hàng của khách để dệt những tấm vải có nội dung kể chuyện. Trung bình mỗi tấm dài 4m, tôi dệt từ 2-3 tuần và bán với giá 1,2 triệu đồng”.

Theo bà Y Yin, để hoàn thành mỗi chiếc tấm thổ cẩm “biết kể chuyện” phải mất rất nhiều công sức, tâm huyết nên nếu tính ra tiền công mỗi ngày không được bao nhiêu, chỉ đủ để trang trải đời sống. Dù vậy, bà vẫn cố gắng làm với mong muốn giữ lấy nghề của ông cha, lan tỏa những giá trị tốt đẹp của văn hóa người Ba Na, nhắc nhở thế hệ trẻ biết nâng niu, gìn giữ thổ cẩm, để chẳng may sau này già mất đi cũng không hối tiếc.

Hiện giờ nguyên liệu tự nhiên hiếm và khó làm nên bà Y Yin chủ yếu dùng chất liệu hiện đại, phối màu độc đáo tùy theo hoa văn, chi tiết muốn thể hiện. Những gam màu đa dạng như màu xanh tượng trưng cho cây lá, màu vàng cho đất, ánh nắng, màu trắng, đỏ, tím, hồng tượng trưng cho muôn thú, các loài vật. Nhiều hình khối, đường vẽ như hình thoi, hình vuông, đường chéo, đường zích zắc được nghệ nhân Y Yin tận dụng hiệu quả để tăng tính nghệ thuật cho tác phẩm dệt của mình.

Già làng A Chun (làng Kon Kơ Tu) cho biết: “Không chỉ là nghệ nhân giỏi tại làng, bà Y Yin còn là tấm gương sáng tích cực tuyên truyền, vận động lớp trẻ chăm lo học hành, gìn giữ văn hóa của cha ông. Các sản phẩm dệt của bà Y Yin đã giúp du khách biết đến làng nhiều hơn, giúp quảng bá du lịch cho địa phương”.

Nhiều năm qua, bà Y Yin luôn trăn trở, tích cực gìn giữ những vốn quý nghề dệt truyền thống của người Ba Na. Ảnh: HT

Nhiều năm qua, bà Y Yin luôn trăn trở, tích cực gìn giữ những vốn quý nghề dệt truyền thống của người Ba Na. Ảnh: HT

Được xem là “linh hồn” của nghề dệt thổ cẩm tại làng Kon Kơ Tu, nghệ nhân Y Yin luôn tích cực tham gia các hoạt động văn hóa văn nghệ, truyền dạy dệt thổ cẩm cho lớp trẻ tại làng. Với sự nhiệt tình chỉ bảo, hướng dẫn của bà Y Yin, hiện làng Kon Kơ Tu có rất nhiều phụ nữ Ba Na trẻ biết dệt thổ cẩm. Trong mỗi dịp lễ hội hay cuộc thi do địa phương tổ chức, tiết mục của làng Kon Kơ Tu lúc nào cũng rực rỡ sắc màu với váy, áo thổ cẩm. Các sản phẩm thổ cẩm của làng Kon Kơ Tu ngày càng được du khách ưa chuộng, bày bán tại nhiều cửa hàng, điểm du lịch trên địa bàn tỉnh.

Để bảo tồn và phát huy nghề dệt thổ cẩm truyền thống của người Ba Na (đã được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia vào năm 2023), chính quyền xã Đăk Rơ Wa đã thường xuyên phối hợp mở nhiều lớp tập huấn, dạy nghề dệt thổ cẩm miễn phí trong cộng đồng. Ở mỗi lớp học, bà Y Yin cùng các nghệ nhân gạo cội khác trở thành những người “truyền lửa” cho các học viên, thúc đẩy nghề dệt thổ cẩm truyền thống phát triển.

Nhìn xấp thổ cẩm đầy sắc màu, xếp gọn gàng trên tay nghệ nhân Y Yin, chúng tôi thấy được bao tâm huyết mà bà gửi gắm vào. Dù nhịp sống hiện đại đã làm cho văn hóa truyền thống có phần mai một, thế nhưng với sự quan tâm của chính quyền địa phương trong việc dạy nghề, kết nối, quảng bá sản phẩm, những nghệ nhân tâm huyết như bà Y Yin vẫn luôn yên tâm gắn bó với nghề, thêm tin tưởng về một tương lai tươi sáng hơn cho thổ cẩm.

Theo Hoàng Thanh (Báo Kon Tum)

Có thể bạn quan tâm