Kinh tế

Chợ đầu mối: Sự cần thiết và lời cảnh báo

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Ở mỗi địa phương trong nước, các chợ đầu mối vừa là nguồn tập trung hàng hóa, vừa là trung tâm phân phối hàng hóa tới tận các chợ truyền thống. Đó có thể coi là “chợ cái”  trong hệ thống chợ, làm nhiệm vụ điều tiết hàng hóa.

Sự cần thiết của chợ đầu mối là không phải bàn cãi, nhưng để nó hoạt động an toàn, hàng hóa, đặc biệt là thực phẩm, phải được truy xuất nguồn gốc rõ ràng, giá cả phải ổn định, thu hút được người sản xuất, nhất là nông dân mang hàng hóa “nhà trồng được” tới… Rồi chợ phải có hệ thống phòng cháy chữa cháy, hệ thống kho lạnh bảo quản hàng hóa, có một lực lượng quản lý chuyên nghiệp, có nội quy hoạt động rõ ràng minh bạch, quản lý an toàn thực phẩm và quản lý phương tiện giao thông ra vào thông suốt…

 

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Những điều nêu ra ở trên đã thể hiện những lo lắng, những cảnh báo về nhiều bất cập trong hệ thống chợ đầu mối hiện nay, tất cả được đưa ra tại “Hội thảo quốc tế phát triển chợ đầu mối tại Việt Nam” do Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công thương) tổ chức ngày 27-6 vừa qua tại Hà Nội. Hội thảo đã nêu nhiều vấn đề, cả những giải pháp để giải quyết những bất cập trong hệ thống chợ đầu mối ở nước ta. Nhưng từ hội thảo tới việc thực hiện những giải pháp ấy trong thực tế là cả một chặng đường không hề ngắn. Trong khi đó, các chợ đầu mối vẫn hoạt động hàng ngày và rất nhiều chuyện bức xúc vẫn cứ xảy ra.

Có một vấn đề cần được nhìn nhận thấu đáo về chợ đầu mối, đó là chợ bán buôn nhưng khả năng quản lý của các cơ quan chức năng lại rất hạn chế. Vì vậy, rất cần kêu gọi những tập đoàn, doanh nghiệp tư nhân có nghiệp vụ chuyên môn trực tiếp tham gia từ đầu tư xây dựng cơ sở vật chất tới quản lý vận hành chợ đầu mối.

Chia sẻ kinh nghiệm phát triển chợ đầu mối ở các quốc gia tiên tiến, ông Ricardo Lopez Pietsch-đại diện Tập đoàn Mercasa (Tây Ban Nha) hiện sở hữu 23 chợ đầu mối tại Tây Ban Nha cho biết, một trong những thành công đáng chú ý nhất của Tập đoàn là đảm bảo sự hiện diện của nông dân tại các chợ bán buôn ở những vùng mà nông nghiệp là quan trọng, trong khu vực dành riêng cho các nhà sản xuất của Mercasa. Nhờ sự kết nối này mà nông dân sẽ hiểu rõ nhu cầu thị trường, sản xuất ra các sản phẩm đạt tiêu chuẩn.

Kết nối mật thiết giữa doanh nghiệp quản lý vận hành chợ và nông dân, đó là “đầu mối” cho hệ thống chợ đầu mối ở Việt Nam hoạt động, bảo đảm lợi ích của nông dân và doanh nghiệp, bảo đảm việc kiểm soát chất lượng hàng hóa, truy xuất nguồn hàng hóa chặt chẽ và tạo động lực cho phát triển nông nghiệp.

Những kinh nghiệm quản lý thành công chợ đầu mối của quốc tế là rất rõ ràng. Với Việt Nam, chỉ là lộ trình áp dụng như thế nào để đạt tới một chất lượng tương đương như vậy.

Đến hết năm 2017, cả nước có 8.539 chợ, trong đó có 83 chợ đầu mối, chiếm 0,97%. Trong số 83 chợ đầu mối này, phải thừa nhận một thực tế là có không ít chợ rất nhếch nhác vì xuống cấp, vì không được đầu tư cơ sở vật chất, vì thiếu sự quản lý chuyên nghiệp. Vậy mà 83 chợ này lại là đầu mối cung ứng hàng hóa cho hơn 8.000 chợ khác trong cả nước.

Chợ là chợ, siêu thị là siêu thị, nhưng nếu chợ đầu mối nhếch nhác thì hàng hóa không bao giờ đạt tới các chuẩn mực cần thiết, nhất là an toàn vệ sinh thực phẩm. Mà với người Việt Nam, chợ là kênh giao thương hàng hóa chính. Lời cảnh báo bắt đầu từ đó.

Thanh Thảo

Có thể bạn quan tâm