Cứ đến mùa mưa là hàng ngàn hộ dân sinh sống dọc con đường huyết mạch nối từ trung tâm xã đến cuối thôn Kiến Xương (xã Buôn Triết, huyện Lắk, tỉnh Đắk Lắk) lại vật lộn khổ sở khi lưu thông qua tuyến đường lầy lội hơn 10 km. Mặc dù tuyến đường đã được UBND tỉnh Đắk Lắk đồng ý phê duyệt chủ trương đầu tư, thế nhưng đến nay thì người dân vẫn phải chờ.
Tuyến đường xuống cấp, lầy lội khi mùa mưa tới. |
Ông Phạm Đình Trọng - Chủ tịch UBND xã Buôn Triết cho biết, đây là con đường độc đạo đi qua 8 thôn, buôn của xã với hơn 1.000 hộ dân sinh sống. Do xe cộ đi lại nhiều, cộng với tuyền đường xuống cấp nhiều năm nay nên cứ đến mùa mưa là người dân lưu thông rất vất vả.
Người lớn khổ sở, vất vả cũng còn ráng chịu. Khổ và thương nhất là gần 500 cháu học sinh ngày nào cũng phải lội bùn trên quãng đường này để đến trường.
Tuyến đường đã được UBND tỉnh Đắk Lắk đồng ý phê duyệt chủ trương đầu tư với tổng trị giá 80 tỷ đồng, dự kiến sẽ bố trí vốn để thi công trong giai đoạn 2018-2020.Trước mắt, để giúp đỡ bà con lưu thông thuận lợi, UBND huyện Lắk đã bố trí 100 triệu đồng, xã bố trí ngân sách 20 triệu đồng thuê máy móc sản ủi, đổ thêm đất đá, lấp các ổ voi, ổ trâu.
Ông Nguyễn Văn Đông ở buôn Tung 2 mong muốn: “Các cấp chính quyền cần sớm triển khai đầu tư xây dựng tuyến đường cho bà con bớt khó khăn khi mỗi mùa mưa đến. Chứ hiện tại đường lầy lội, có nhiều hố sâu cả mét, di chuyển rất khó khăn và nguy hiểm. Đau ốm hay có việc gấp thì không biết làm sao ra ngoài cho kịp”.
Ông Đông cũng cho biết, nhà ông ở cách UBND xã khoảng 10 km, để di chuyển được qua quãng đường này, ông phải mất gần hai tiếng đồng hồ mới ra tới nơi.
Chị Hà Thị Hiên trú tại thôn Đoàn Kết 2 cho biết, mặc dù chồng chỉ dạy học cách nhà có 10 km, thế nhưng vì đường quá xấu và lầy lội không thể đi về trong ngày nên anh phải thuê trọ ở lại gần trường, lúc nào rảnh không có tiết dạy thì mới về thăm vợ con.
Còn anh Y Miên Niê một người dân trong xã có diện tích lúa canh tác thường xuyên phải đi qua con đường này lắc đầu ngao ngán: “Đường xuống cấp nên mỗi khi thu hoạch nông sản về, chúng tôi không ai dám chở đầy, chở ít thì tốn tiền dầu, chưa kể khi đưa nông sản về do đường sá đi lại khó khăn bà con thường bị thương lái ép giá khiến cho nông sản thiệt đơn, thiệt kép”.
Theo ông Phạm Đình Trọng - Chủ tịch UBND xã Buôn Triết, không chỉ trẻ nhỏ đi học khó khăn, người dân qua lại bất tiện mà ngay cả các hàng hóa tiêu dùng phục vụ bà con cũng không thể vào tận nơi. Để có hàng hóa phục vụ người dân ở những vùng này họ phải thuê xe máy cày để tăng bo hàng từ trung tâm xã vào. Giá mỗi chuyến như vậy khoảng 500 ngàn đồng nên phải tăng chi phí để bù vào giá cước vận chuyển.
Trước những khó khăn của người dân, chính quyền xã mong muốn UBND tỉnh sớm triển khai dự án làm đường, tạo thuận lợi cho người dân đi lại, đồng thời góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội của địa phương.
Nguyễn Tuấn An (Đại đoàn kết)