Xã hội

Cho nhau thời gian

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

(GLO)- Bác Thực là hàng xóm của tôi. Sau bữa cơm tối, bác thường sang nhà tôi chơi. Sau một hồi chuyện trò, bác thường bảo mình cảm thấy cô đơn trong chính ngôi nhà của mình. 

Hàng ngày, các con đi làm từ sớm, các cháu đi học bán trú. Cả nhà chỉ có mặt đông đủ vào buổi chiều. Thế nhưng ai cũng có việc người đó.

Con trai bác nếu không đi nhậu thì cũng xem ti vi hoặc lướt web. Cô con dâu sau khi dọn dẹp cũng vào phòng đóng cửa ôm điện thoại. Các cháu sau khi học bài thì cũng mỗi đứa một chiếc điện thoại. Sau bữa cơm cuối tuần, bác rủ cả nhà đi bộ thể dục, nhưng tuyệt nhiên chẳng có đứa nào đi, cả nhà 5 người ngồi ở phòng khách nhưng ai cũng đều chăm chú vào điện thoại.

Chị bạn cùng cơ quan thở hắt ra khi nghe tôi kể lại câu chuyện trên. Chị chia sẻ, ngày anh chị mới lấy nhau, anh học thêm tại Hà Nội, chị ở nhà vừa chăm con vừa đi làm. Chỉ dịp cuối tuần anh chị mới có thời gian nói chuyện với nhau.

Những lần ấy, anh phải đi bộ đến gần 2 km từ trường học đến nơi có điện thoại công cộng để gọi về cho gia đình. Nhưng bây giờ, cứ hễ về đến nhà, thấy chồng con dán mắt vào điện thoại, đôi lúc chị nghĩ giá cứ như ngày xưa, chỉ dùng điện thoại công cộng mà lại hay.

Một lần, tôi cho con đi cà phê cùng bạn bè. Sau khi về nhà, thằng bé tỏ ra không vui. Gặng hỏi thì con trả lời: “Chẳng có ai chơi với con. Bố mẹ và các cô chú hết nói chuyện thì xem điện thoại”.

Nghe con nói, tôi không khỏi giật mình, khi bấy lâu nay, tôi cũng đã có lúc quên chơi với con vì mải xem điện thoại, đã có lúc tôi mải nhắn tin với bạn mà để con nằm một mình rồi ngủ luôn. Tôi thấy mình ngày càng phụ thuộc nhiều hơn vào máy móc, chỉ cần một chiếc điện thoại là mọi thứ từ email, địa chỉ, ghi chú, hay cả sức khỏe… đều có thể ghi nhớ thay tôi.

Hàng ngày, chúng ta đi làm, con cái cũng được gửi đến nhà trẻ, trường học. Nếu như mỗi tối ở nhà, sau giờ cơm, con cái vào bàn học, bố xem ti vi, mẹ lướt Facebook… thì vô hình trung chính chúng ta đã tạo ra khoảng cách giữa những thành viên trong gia đình. Lâu dần, vợ chồng ít hỏi han nhau, con cái ít nói chuyện với bố mẹ, người già cô đơn trong chính trong ngôi nhà của mình.

Các trang mạng xã hội như Zalo, Facebook thường đặt câu hỏi cho người dùng: “Bạn đang nghĩ gì?”. Tôi thầm nghĩ, nếu mỗi ngày chúng ta cũng hỏi người thân những câu tương tự như thế, bớt “ghiền” điện thoại, ti vi… để ngồi xuống cùng nhau, cùng lắng nghe và thấu hiểu nhau, có lẽ sẽ chẳng còn ai cảm thấy cô đơn trong chính ngôi nhà của mình.

 

PHÚC AN
 

Có thể bạn quan tâm