Theo đó, thời hạn mua cà phê tạm trữ tính từ ngày 15-4 đến ngày 15-7. Nhà nước hỗ trợ lãi suất với mức 6%/năm đối với số càphê mua tạm trữ; thời gian tạm trữ được hỗ trợ lãi suất tối đa là sáu tháng, tính từ ngày 15-4 đến ngày 15-10. Kinh phí hỗ trợ lãi suất do ngân sách nhà nước cấp.
Thủ tướng yêu cầu Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì cùng Bộ Công Thương, Ủy ban Nhân dân các tỉnh có sản lượng càphê lớn và Hiệp hội càphê ca cao Việt Nam xác định cụ thể lượng cà phê cần mua tạm trữ, chỉ định các doanh nghiệp thực hiện mua, đồng thời giám sát không để các doanh nghiệp không thực hiện việc mua cà phê tạm trữ mà đảo kho cà phê.
Các doanh nghiệp thực hiện việc mua cà phê tạm trữ theo cơ chế thị trường, tự chịu trách nhiệm về hiệu quả kinh doanh.
Trong việc thu mua cà phê tạm trữ này, Ủy ban Nhân dân tỉnh sẽ chủ động phối hợp với những bộ, ngành liên quan tiến hành giám sát việc mua cà phê tạm trữ của các doanh nghiệp và việc hỗ trợ lãi suất nêu trên.
Thủ tướng cho phép Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chỉ định ngân hàng thương mại thực hiện việc cho vay mua cà phê tạm trữ.
Ngân hàng thương mại cần cân đối đủ vốn cho các doanh nghiệp vay thu mua cà phê, kể cả cà phê tạm trữ; thực hiện việc cơ cấu lại thời hạn nợ, giãn nợ đối với các khoản nợ vay của các hộ trồng cà phê đến hạn trả nhưng có khó khăn chưa trả được nợ, đồng thời cho vay tiếp để các hộ trồng cà phê có vốn sản xuất vụ mới.
Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì với các bộ, ngành liên quan, trong tháng Sáu xây dựng và trình Chính phủ về cơ chế, chính sách nhằm tăng khả năng dự trữ cà phê khi giá thế giới xuống thấp; kiểm soát giá xuất khẩu cà phê, nhất là đối với các hợp đồng giao hàng tương lai và kỳ hạn.
Theo TTXVN