Kinh tế

Chợ phiên thực phẩm an toàn

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Theo thông tin từ Chi cục Quản lý Chất lượng Nông-Lâm sản và Thủy sản (Sở Nông nghiệp và PTNT), Chi cục sẽ tổ chức phiên chợ nông sản an toàn trên địa bàn tỉnh. Phiên chợ có quy mô khoảng 20 gian hàng bày bán các sản phẩm nông-lâm sản và thủy sản như: rau, củ, quả, thịt heo, gà, mật ong, bò một nắng, gạo Phú Thiện...

Có lẽ đây là lần đầu một phiên chợ đặc biệt như thế được tổ chức ở một địa phương. Khi mà thực phẩm an toàn trở thành câu chuyện “nóng” trong xã hội, khi mà một phiên chợ thực phẩm an toàn được coi là “đặc biệt” thì phải thấy rằng chuyện thực phẩm mất an toàn đã đến hồi báo động. Không thể để tình trạng thực phẩm bẩn tràn lan, trong khi thực phẩm an toàn lại đơn độc, nhỏ bé và chưa được người tiêu dùng quan tâm. Rất cần có những chiến dịch truyền thông trong toàn xã hội về nguy cơ của thực phẩm bẩn và về những lợi ích thiết thực cho sức khỏe cộng đồng của thực phẩm sạch, thực phẩm an toàn.

 

Ảnh internet
Ảnh internet

Lâu nay, những chiến dịch truyền thông như thế luôn thiếu vắng ở tầm quốc gia cũng như ở mỗi địa phương. Đài Truyền hình Việt Nam từng có chương trình về tác hại của thực phẩm bẩn nhưng chưa gây ấn tượng thật mạnh mẽ và chương trình này cũng chưa duy trì được lâu dài. Trong khi đó, người nông dân thì chuyển biến rất chậm trong việc lựa chọn phương thức sản xuất.

Ai cũng biết, dùng phân bón hóa học hay các loại hóa chất để sản xuất rau, dùng chất tăng trọng trong chăn nuôi luôn là phương án dễ nhất cho người sản xuất. Họ chỉ tốn tiền mua các loại hóa chất, nhưng lại tốn rất ít công sức lao động. Tuy nhiên, tác hại từ những thực phẩm ấy là vô cùng lớn. Nó tác hại trước hết tới sức khỏe người sản xuất. Đừng nghĩ, mình trồng 2 luống rau khác nhau, rau sạch cho nhà mình ăn, còn rau bẩn bán ngoài chợ, là mình đã an toàn. Bởi trong quá trình sử dụng hóa chất để sản xuất hay chăn nuôi, độc tố từ hóa chất đã gây tác hại nghiêm trọng trước hết lên chính những người sản xuất, rồi sau đó mới gây tác hại lên sức khỏe người tiêu dùng.    

Không nhận thức sâu sắc vấn đề này thì người sản xuất thực phẩm bẩn vừa vi phạm đạo đức, vô tình tạo căn ác, vừa gây tác hại lên chính bản thân mình.

Nếu lần thứ nhất phiên chợ thực phẩm an toàn được tổ chức thành công ở Gia Lai  thì sau đó nên biến phiên chợ này thành chợ phiên thường xuyên (cách khoảng 3-5 ngày) chuyên bán thực phẩm sạch, có tổ chức quảng cáo, truyền thông để người tiêu dùng biết và tham gia. Đó chính là “đầu ra” của thực phẩm sạch khi mà độ “phủ sóng” của thực phẩm sạch chưa cao trong toàn xã hội.

Ai cũng biết, sản xuất thực phẩm an toàn tốn nhiều công sức và vốn liếng hơn sản xuất thực phẩm bẩn. Nhưng khi cả xã hội đã biết “nói không” với thực phẩm bẩn vì sức khỏe của bản thân và gia đình thì cơ hội của thực phẩm an toàn là rất lớn. Song, nếu Bộ Nông nghiệp và PTNT vẫn cho phép nhập khẩu tràn lan các loại phân bón hóa học và các loại hóa chất “tăng trọng”, cho nhập khẩu cả thực phẩm biến đổi gen thì cơ sự cũng không còn biết thế nào!

Nếu đã quyết dùng thực phẩm sạch thì đừng tiếp tục vẽ đường tồn tại cho các loại thực phẩm bẩn, nhất là khi chúng ta lại có đường biên với nước bạn chuyên sản xuất các loại hóa chất này với giá rẻ.

Sản xuất thực phẩm sạch hay bẩn, sử dụng thực phẩm sạch hay bẩn là một cuộc đấu tranh khốc liệt vì sự sinh tồn của cả dân tộc, vì tương lai của đất nước, chứ không phải vì lợi nhuận của bất cứ nhóm lợi ích hay những cá nhân nào.

Thanh Thảo

Có thể bạn quan tâm