Kinh tế

Chợ truyền thống mất dần vị thế

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
(GLO)- Kinh doanh càng ngày càng ế ẩm là tình trạng chung của hầu hết các chợ truyền thống trên địa bàn tỉnh Gia Lai, khi ưu thế đang thuộc về các loại hình kinh doanh hiện đại như cửa hàng, siêu thị, thương mại điện tử.

Toàn tỉnh hiện có 102 chợ (trong đó 1 chợ hạng I, 12 chợ hạng II, 70 chợ hạng III và 19 chợ tạm) và 18 siêu thị (9 siêu thị tổng hợp, 9 siêu thị chuyên doanh). Trước kia, chợ truyền thống có vai trò quan trọng, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân. Tuy nhiên, ngày nay, sự bùng nổ của công nghệ và các loại hình kinh doanh hiện đại đã làm thay đổi thói quen mua sắm của đại bộ phận người tiêu dùng, khiến chợ truyền thống đối mặt với nhiều khó khăn và đang có nguy cơ mất dần vị thế.

Người tiêu dùng có xu hướng mua sắm thực phẩm đạt các chứng nhận tiêu chuẩn về chất lượng, trong khi rất ít chợ truyền thống đáp ứng được yêu cầu này. Ảnh: Vũ Thảo

Người tiêu dùng có xu hướng mua sắm thực phẩm đạt các chứng nhận tiêu chuẩn về chất lượng, trong khi rất ít chợ truyền thống đáp ứng được yêu cầu này. Ảnh: Vũ Thảo

Trung tâm Thương mại Pleiku vẫn được xem là nơi buôn bán sầm uất nhất tỉnh với lượng hàng hóa đa dạng, phong phú. Chị N.T.L-người tiếp quản việc kinh doanh của gia đình tại Trung tâm Thương mại Pleiku từ năm 2000-chia sẻ: “Khi tôi mới tiếp quản công việc đã thấy hàng hóa ở đây rất phong phú. Nhiều người kinh doanh lớn được xếp vào hàng kinh tế khá giả, những hộ có quy mô nhỏ hơn cũng rất ổn định. Tuy nhiên, khoảng 5 năm trở lại đây, việc mua bán càng lúc càng ế ẩm. Không ít người phải bỏ nghề, sang quầy sạp”.

Tương tự, 2 năm nay, chợ thị trấn Phú Hòa (huyện Chư Păh) cũng rơi vào cảnh đìu hiu. Sau 16 năm đi vào hoạt động, cơ sở hạ tầng đã xuống cấp, việc thu hút các hộ vào kinh doanh cũng gặp khó khăn, chủ yếu vẫn là các hộ kinh doanh mặt hàng tươi sống và đồ gia dụng. Ngoài các ki ốt quanh chợ hoạt động thường xuyên thì khu vực nhà lồng chỉ còn khoảng 20 hộ kinh doanh.

Theo tìm hiểu của P.V, nguyên nhân các chợ truyền thống ngày một mất dần vị thế vốn có là do kinh tế khó khăn buộc người dân phải cắt giảm chi tiêu. Cùng với đó, sự cạnh tranh từ các siêu thị, cửa hàng tiện lợi, shop và hình thức mua sắm trực tuyến đã làm thay đổi thói quen mua sắm của phần đông người tiêu dùng. Mặt khác, hạ tầng xuống cấp, hệ thống thoát nước, vệ sinh môi trường không đảm bảo, vấn đề đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm chưa được quan tâm, hàng hóa thiếu tính đa dạng…

Trong khi đó, hiện nay, các loại hình kinh doanh hiện đại cung cấp hàng hóa đa dạng mẫu mã, phong phú chủng loại, chất lượng đảm bảo, giá cả được niêm yết rõ ràng đã tạo ra sự cạnh tranh rõ nét so với chợ truyền thống. Không những vậy, loại hình này còn thường xuyên có các chương trình khuyến mãi, chính sách chăm sóc khách hàng và mang đến trải nghiệm mua sắm thú vị cho người tiêu dùng.

Trước sự phát triển của loại hình kinh doanh hiện đại và mua sắm trực tuyến đang lên ngôi thì rõ ràng chợ truyền thống đang bộc lộ những điểm yếu. Không ít người cho rằng, chợ truyền thống giờ chỉ còn thích hợp trong việc mua bán thực phẩm tươi sống. Ở thành thị, quy mô chợ thu hẹp lại và nó chỉ cơ hội phát triển ở vùng nông thôn. Để chợ truyền thống có đủ sức cạnh tranh với các loại hình kinh doanh hiện đại, theo các chuyên gia kinh tế, chợ cần được đầu tư nâng cấp, cải tạo bài bản hơn.

Ngoài ra, cần có một hệ thống quản lý chuyên nghiệp để đảm bảo chất lượng sản phẩm, giá cả cạnh tranh và dịch vụ chăm sóc khách hàng. Đồng thời, phải tăng cường hệ thống cung ứng và liên kết với các nhà sản xuất, các địa phương để đem đến cho khách hàng các sản phẩm tốt nhất, cũng như tạo ra không gian thoải mái, sạch sẽ và cung cấp các dịch vụ tiện ích như giao hàng tận nơi, nâng cao trải nghiệm mua sắm cho khách hàng.

Có thể bạn quan tâm