Trong 14 ngành hàng, lĩnh vực kinh doanh thường xảy ra tranh chấp tiêu dùng, dịch vụ tín dụng tiêu dùng thuộc ngành tài chính - bảo hiểm - ngân hàng bị người tiêu dùng phản ánh, khiếu nại nhiều nhất.
Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng, Bộ Công thương vừa công bố Báo cáo thường niên 2019 trong đó có lĩnh vực tư vấn, hỗ trợ người tiêu dùng.
Cụ thể, tính đến cuối năm 2019, Tổng đài tư vấn, hỗ trợ người tiêu dùng 1800.6838 của Cục đã nhận được 9.295 cuộc gọi đến, trong đó tổng đài viên trả lời, tư vấn 5.186 cuộc từ người tiêu dùng.
Trong 14 ngành hàng, lĩnh vực kinh doanh thường xảy ra tranh chấp tiêu dùng, dịch vụ tín dụng tiêu dùng thuộc ngành tài chính - bảo hiểm - ngân hàng được người tiêu dùng phản ánh, khiếu nại nhiều nhất, chiếm tới 21,8% tổng số cuộc gọi được ghi nhận, tư vấn. Các lĩnh vực tiếp theo nhận được nhiều phản ánh, khiếu nại là hàng hoá tiêu dùng thường ngày, điện thoại, viễn thông, đồ điện tử gia dụng, dịch vụ vận tải, chăm sóc sức khoẻ…
Người vay tiền trực tuyến cần tìm hiểu kỹ về lãi suất, các loại phí... trước khi ký hợp đồng tín dụng. Ảnh: Linh Anh
Ở lĩnh vực tài chính - ngân hàng, vấn đề được người tiêu dùng phản ánh nhiều là việc thu nợ nhầm kèm đe đoạ, quấy rối. Cụ thể, các ngân hàng, công ty tài chính, công ty thu nợ hoặc công ty cho vay tiêu dùng, bị nhiều người tiêu dùng khiếu nại về việc không đi vay nợ nhưng liên tục bị gọi điện thoại, nhắn tin để quấy rối, đe doạ, ép buộc trả nợ. Dù người tiêu dùng đã nhiều lần thông báo về việc không liên quan đến khoản nợ của doanh nghiệp.
Một số vụ việc, đối tượng sử dụng hình ảnh, thông tin liên hệ của người tiêu dùng và người thân của họ đăng tải công khai trên mạng xã hội với nội dung xuyên tạc, bịa đặt nhằm gây áp lực trả nợ… Trong những trường hợp này, người tiêu dùng rất khó yêu cầu công ty liên quan dừng việc thu nợ nhầm.
Trước vấn đề này, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng cho biết đã phối hợp và yêu cầu các công ty liên quan giải quyết khiếu nại của người tiêu dùng, đồng thời đăng tải nhiều thông tin cảnh báo trên website của cục, cũng như gửi thông tin để cơ quan thanh tra, giám sát ngân hàng của Ngân hàng Nhà nước tổng hợp và xử lý.
Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng khuyến cáo người tiêu dùng khi vay tiêu dùng cần hiểu rõ hợp đồng tín dụng về lãi suất, thời gian vay, quy định trả nợ trước hạn, mức phạt trả chậm; chỉ ký hợp đồng sau khi nắm rõ thông tin; yêu cầu cung cấp bản sao hợp đồng tin dụng để lưu giữ… Nếu bị đòi nợ nhầm, người tiêu dùng liên hệ với bên cho vay để tránh bị làm phiền hoặc liên hệ tới cơ quan bảo vệ người tiêu dùng để được hỗ trợ.
Mới đây, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng cũng cảnh báo người tiêu dùng vay tiền trực tuyến trong bối cảnh ảnh hưởng dịch Covid-19. Theo đó, người tiêu dùng không nên vay tiền trực tuyến của các tổ chức, cá nhân không công bố biểu phí hoặc làm rõ các chi phí phát sinh trong quá trình giao dịch; không gửi trước mẫu hợp đồng vay tiền và các nội dung chi tiết để người vay tìm hiểu trước khi giao dịch…
Thái Phương (NLĐO)