TN - Đất & Người

Chòi canh lửa-những "người hùng" giữ rừng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Yên Bái có độ che phủ rừng đứng đầu toàn quốc, nhưng đây cũng là “điểm nóng” của cháy rừng. Lớp lớp thảm thực vật của rừng bị lửa thiêu rụi, cây cối trơ trọi cành lá, bỗng chốc sụp thành từng đám than đen kịt, muông thú chết chóc... là những hình ảnh gây ám ảnh nhất đối với lực lượng kiểm lâm nơi này. Thế rồi, họ quyết liệt làm, quyết liệt thay đổi cách làm, những ý tưởng mới ra đời, dần dà đi vào thực tiễn, và kết quả thu được rất đáng nể.

Đi bộ chục tiếng, đến nơi thì rừng đã cháy hết

 

Kiểm lâm phụ trách địa bàn người Mông Vàng Súa Lử quan sát rừng trên chòi canh.
Kiểm lâm phụ trách địa bàn người Mông Vàng Súa Lử quan sát rừng trên chòi canh.

Gặp chúng tôi ở trụ sở Chi cục Kiểm lâm tỉnh Yên Bái, anh Nguyễn Thái Bình - Chi Cục trưởng - xuýt xoa: “Trước kia, cháy rừng ở Yên Bái tràn lan, 1 năm có đến vài chục vụ, mà đã cháy là cháy dữ dội, đáng sợ lắm. Lửa lan nhanh, cứ cháy bùng bùng, nếu không gặp khe thì không chịu tắt. Thế nhưng những năm gần đây, nhờ sự vào cuộc của các cấp chính quyền và lực lượng kiểm lâm, nhờ công tác tuyên truyền tốt nên cháy rừng đã giảm rất nhiều. Năm 2016 thì chỉ có 1 vụ duy nhất là cháy rừng ở xã Nghĩa Tâm, huyện Văn Chấn. Dù vậy, vào mùa khô năm nay tôi vẫn rất lo”.

Trong công tác PCCC rừng của tỉnh Yên Bái, có 2 điểm nóng là huyện Trạm Tấu và huyện Mù Căng Chải, đây là 2 vùng trọng điểm. “Cháy rừng thường theo quy luật năm, cứ 2-3 năm sẽ lại cháy lớn. Biến đổi khí hậu là một câu chuyện, khi rét băng tuyết, thảm thực bì chết, người dân vô ý một cái thì hậu quả cháy rừng khôn lường. Hơn nữa, cháy rừng tự nhiên lại cháy từ đỉnh núi, lan xuống dưới, đá gặp nhiệt nổ vỡ, lăn xuống, gây nguy hiểm cho kiểm lâm và những người chữa cháy”. Nói đến đây, anh Bình nói như reo: “À. Có chỗ này. Ở Mù Căng Chải, kiểm lâm và người dân giữ rừng rất tốt nhé, nhờ chòi canh lửa và quỹ bảo vệ rừng. Cái này hay lắm”.

Rời chi cục, chúng tôi lên đường vào huyện Mù Căng Chải. Qua nhiều khúc cua, mây trắng đặc quánh quấn vào bánh xe, tưởng chừng như có thể bốc một nắm bỏ vào túi áo. Anh em kiểm lâm địa bàn 2 xã Púng Luông và Nậm Khắt đợi chúng tôi ở trạm. Hai chàng trai trẻ Trần Quốc Toàn (SN 1984) và Vàng Súa Lử (SN 1983) là hai kiểm lâm viên phụ trách địa bàn xã Púng Luông và xã Nậm Khắt. Nghe lời các anh, chúng tôi bỏ hết đồ đạc lại trạm, xách theo máy ảnh, theo chân các anh luồn sâu vào rừng thông phía trước mặt, đi tìm chòi canh lửa gần nhất.

“Nậm Khắt 9 bản có 9 chòi, Púng Luông cũng vậy, các chòi đều có người trực đều đặn, đổi ca cho nhau. Mùa mưa thì không sao, nhưng mùa khô, thường phải trực 24/24h vì để xảy ra cháy rừng là người trực ca đó phải chịu trách nhiệm chứ không phải là đùa” - ông Lê Văn Hùng - Phó Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Mù Căng Chải - vừa đi vừa kể.

Vàng Súa Lử đi đằng sau, nói với lên, giọng người Mông lơ lớ. Đã từng có người dân phải “chịu trách nhiệm” bằng cách trồng lại toàn bộ diện tích rừng bị cháy. Cây giống sẽ được cung cấp nhưng công trồng rừng, hộ dân đó phải đi huy động anh em, hàng xóm khắp bản trồng giúp. Trồng rừng xong thì phải mổ heo, giết gà để cảm ơn dân bản đã giúp đỡ trồng rừng, cũng là tạ lỗi vì đã lỡ làm cháy rừng. Từ ngày có quỹ bảo vệ rừng của địa phương do người dân tự đóng góp, người dân lại càng có trách nhiệm hơn và ý thức hơn việc giữ rừng. Họ đã biết nghĩ rằng giữ rừng là giữ cho mình.

Các anh kiểm lâm viên cứ theo lối mòn, vạch rừng đi như con sơn dương. Thấy tôi đứng lại thở hồng hộc, anh Toàn túm tay, kéo tôi đi. “Cháy rừng thì kinh khủng lắm. Đường sá đi lại cực kỳ khó khăn, xe máy không thể luồn sâu vào rừng được. Có một lần, anh em chúng tôi đi chữa cháy rừng mà đi từ 7h tối đến 3h sáng mới đến được điểm cháy vì điểm đó giáp huyện Văn Bàn của tỉnh Lào Cai. Rồi có những hôm cứ đi thành đoàn dài, đi xuyên đêm, xuyên rừng, hơn chục tiếng mới đến điểm cháy. Đi chữa cháy rừng thì chỉ có đi bộ thôi, chẳng bao giờ đi xe được, đi rất xa, vô cùng vất vả. Đến nơi thì rừng đã cháy hết. Nhiều khi chỉ biết ngồi thở vắn than dài với nhau” - anh Toàn nhớ lại.

Những “người hùng” sừng sững giữa rừng

 

Chòi canh lửa sừng sững trên những điểm cao nhất, có thể quan sát diện tích rừng rộng lớn.
Chòi canh lửa sừng sững trên những điểm cao nhất, có thể quan sát diện tích rừng rộng lớn.

Mỗi khi nhận được thông tin cháy rừng, anh em kiểm lâm chỉ kịp xách mỗi chiếc ba lô, cầm theo đèn pin, nước uống, chút lương khô và dao phát rồi cấp tốc lên đường. Dọc đường uống hết chai nước, họ lại vừa đi vừa tìm khe nước hứng nước mang theo. Vừa hành quân, họ vừa huy động bà con mang theo bình xịt thường dùng để phun thuốc sâu, lấy nước dưới suối mà dập tắt hẳn đám cháy, có người phải mang theo cưa xăng để cắt những cây to để dập lửa.

“Ở đây gió thổi rất mạnh, nên rừng thường cháy tán, cây to thì dao phát không chặt được, phải dùng cưa xăng. Mới đầu ngọn lửa ở dưới thấp, nhưng gió lớn thổi bùng lên bám vào tán cây và cháy ở trên. Nếu là cây màng mủ, cây rừng tự nhiên, vỏ dày thì mới còn khả năng phục hồi được, còn thảm thực vật dưới đất rồi cây nhỏ thường sẽ bị cháy rụi hết”. Anh Toàn cùng anh em đi dập cháy rừng, họ vẫn bị ám ảnh bởi hình ảnh những chú sóc bị chết cháy, cái đuôi bồng bềnh cũng bị lửa làm cho cháy thùi lụi, khét lẹt.

Mỗi đợt cháy rừng, lực lượng kiểm lâm rất mỏng, phải huy động bà con khắp xã. Nếu cháy nhỏ tại gần bản thì gọi tổ đội xung kích, dân bản ra dập lửa, nếu cháy lớn thì phải huy động toàn xã từ thành viên ủy ban, các ban ngành đoàn thể rồi dân toàn xã. Nếu cháy lớn nữa thì phải báo cáo huyện, huyện sẽ huy động các xã lân cận trợ giúp để dập tắt đám cháy. Những đám cháy rừng đa phần thường cháy vào buổi chiều, nên các anh phải ngủ lại rừng, có hôm ngủ 2 đêm trên rừng, chờ anh em tiếp tế lên. Anh Toàn rùng mình nhún vai nhớ lại: “Ban đêm, ở rừng đốt lửa sưởi đằng trước ấm nóng nhưng đằng sau thì lạnh cắt da cắt thịt, xoay người hơ đằng sau lưng thì đằng trước lại buốt cóng. Vất vả nhất trong công tác kiểm lâm vẫn là cháy rừng”.

Luồn rừng, trèo lên ngọn núi cao chừng vài cây số, chúng tôi thấy chiếc chòi canh lửa ở vị trí cao nhất, đứng trên chòi có thể quan sát được bốn bề xung quanh. Chòi canh này của bản Mý Háng Tâu - xã Púng Luông. Từ ngày quỹ bảo vệ rừng của địa phương và chòi canh lửa được triển khai, thực sự là hiệu quả cao vì tất cả các xã, các bản đều có chòi canh lửa. Người dân thay phiên nhau trực, cứ 2 người trực 1 ca, sau đó đổi ca. Người dân trực canh cháy rừng được trả tiền khoán bảo vệ từ quỹ phòng cháy rừng của địa phương. Việc này đã được phân công rõ ràng, có sự giám sát của chính quyền xã và lực lượng kiểm lâm. Khi phát hiện có nguy cơ cháy rừng, người dân lập tức gọi điện về xã để huy động lực lượng.

“Từ ngày có chòi canh lửa, nhiều vụ cháy được phát hiện và xử lý kịp thời. Năm ngoái địa bàn không xảy ra vụ cháy nào vì bà con nơi đây đã ý thức hơn rất nhiều, khi bà con đốt nương làm rẫy đều phải đăng ký với trưởng bản và thông báo với ban chỉ huy trực cháy của xã” - anh Toàn nói.

 

Đánh giá về hiệu quả của chòi canh lửa giữ rừng, ông Nguyễn Thái Bình - Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Yên Bái - cho biết: “Công tác tuyên truyền cho người dân vẫn cần phải vào cuộc quyết liệt để thay đổi nhận thức của người dân. Trong quá trình người dân sử dụng lửa, phát nương làm rẫy, lây lan cháy rừng sẽ được sớm phát hiện xử lý. Chính quyền địa phương cũng quan tâm hơn, huyện Trạm Tấu và huyện Mù Căng Chải đã xây dựng hẳn quy chế, ký cam kết với người dân, làm nương rẫy thì phải đốt như thế nào. Từ việc người dân đồng tình đóng góp quỹ bảo vệ rừng, có những xã có gần 100 triệu. Kinh phí giữ rừng được giao cho thôn bản, các thôn cũng đóng góp tiền. Họ xây dựng chòi canh lửa đẹp lắm, tự họ phân công trực, mùa khô hanh, cắm cờ tử tế...”.

Chiếc chòi canh được dựng lên bằng sắt thép, lợp mái tôn, sàn là ván gỗ hết sức đơn giản, thô sơ, nhưng đó lại là phương cách hiệu quả để bảo vệ rừng. Chòi canh “hút” người dân vào công cuộc giữ rừng, phân định rõ trách nhiệm của người dân, chính quyền địa phương và lực lượng kiểm lâm khi phối hợp bảo vệ rừng. Chòi canh cứ sừng sững giữa rừng như một “người hùng”, hệt như những anh chàng kiểm lâm bám rừng, bám bản. Vợ con cả rồi mà có anh 2 tháng về nhà 1 lần, có anh nửa năm, có anh thì cả năm chỉ về quê nhà để... ăn tết.

Thùy Linh/laodong

Có thể bạn quan tâm