Thủ tướng yêu cầu phải chọn người tài trong quản lý điều hành doanh nghiệp Nhà nước thay vì chọn người nhà, người thân quen.
Thủ tướng yêu cầu phải chọn người tài trong quản lý điều hành doanh nghiệp Nhà nước thay vì chọn người nhà, người thân quen. |
Sáng nay (11-4), tại Hà Nội diễn ra Lễ Kỷ niệm 10 năm Ngày thành lập Đảng bộ Khối doanh nghiệp Trung ương (11/4/2007 – 11/4/2017). Đến dự và chúc mừng có Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc; Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình và nhiều đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước.
Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương là cấp ủy trực thuộc Trung ương, chịu sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp và thường xuyên của Bộ Chính trị, Ban Bí thư. Sau 10 năm thành lập, Đảng bộ Khối có 35 đảng bộ với trên 1.100 tổ chức cơ sở đảng và gần 81.000 đảng viên.
Những năm qua, các doanh nghiệp, ngân hàng trong Khối luôn thể hiện tốt vai trò là công cụ để Đảng, Nhà nước điều tiết, ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an ninh xã hội, tăng cường quốc phòng anh ninh. Hàng năm, các doanh nghiệp Trung ương đóng góp 1/3 ngân sách nhà nước, giải quyết việc làm cho gần 1 triệu lao động. Trong 10 năm, các tập đoàn, tổng công ty, ngân hàng đã dành gần 31.000 tỷ đồng cho công tác an sinh xã hội trên khắp cả nước, trong đó có các huyện thuộc chương trình 30A.
Phát biểu chỉ đạo tại buổi lễ, Thủ tướng nêu rõ, nhiệm vụ chính trị của Đảng bộ Khối doanh nghiệp Trung ương là giữ doanh nghiệp Nhà nước phát triển và hoàn thành nhiệm vụ chính trị mà Đảng, Nhà nước giao.
Thủ tướng đánh giá cao 10 năm qua, Đảng bộ Khối doanh nghiệp Trung ương đã có nhiều đóng góp cho sự phát triển đất nước. Các doanh nghiệp Nhà nước đóng tỷ lệ cao vào GDP với 26-30%, đã bảo toàn và phát triển vốn Nhà nước, là công cụ quan trọng của Nhà nước để góp phần ổn định kinh tế vĩ mô và tăng trưởng. Cùng với đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, các doanh nghiệp đã đầu tư hạ tầng vùng sâu, vùng xa, có mặt tại 54/62 huyện thuộc diện chương trình 30A.
Thời gian qua, công tác xây dựng Đảng của Đảng bộ khối và tại các doanh nghiệp đã được quan tâm. Biểu dương các thành tích đạt được, Thủ tướng cho rằng, đó là những thành quả mà Đảng bộ Khối và các doanh nghiệp, ngân hàng có quyền tự hào.
“Người ta nói với chúng tôi rằng, doanh nghiệp Nhà nước ngày hôm nay, trong kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, như một chiếc xe tải đi giữa đường phố đông người. Nhưng trong bối cảnh như vậy, các đồng chí đã năng động, sáng tạo, khó lách tránh nhưng đã cố gắng lách tránh, có nhiều doanh nghiệp Nhà nước trưởng thành, phát triển, bảo toàn vốn là điều hết sức đáng được trân trọng”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết.
Cán bộ không hư hỏng thì doanh nghiệp sẽ thành công
Nhấn mạnh tầm quan trọng của công tác cán bộ, Thủ tướng cho rằng, công tác cán bộ đúng, chính xác, cán bộ không hư hỏng thì doanh nghiệp sẽ thành công.
Do đó, các doanh nghiệp cần rút ra bài học trong công tác quản lý đầu tư và quản lý vốn, trong đó có tình trạng vay vốn lớn, đầu tư dàn trải nhưng quản lý không tốt dẫn đến hậu quả xấu; bài học về năng suất lao động thấp so với thế giới và so với các loại hình doanh nghiệp khác ở nước ta; bài học về xây dựng thương hiệu phát triển, công tác quản trị doanh nghiệp.
Với việc đang nắm giữ lượng vốn Nhà nước lớn, Thủ tướng yêu cầu các doanh nghiệp phải nâng cao tinh thần trách nhiệm với Đảng, với dân.
Toàn cảnh Lễ kỷ niệm 10 năm Ngày thành lập Đảng bộ Khối doanh nghiệp Trung ương. |
Thủ tướng nêu dẫn chứng: “Hai anh cùng kinh doanh giống nhau, thậm chí có điều kiện tốt hơn, nhưng anh có điều kiện tốt hơn đó bị lỗ, tai tiếng. Là do cái gì? Chính là do công tác cán bộ, cái tâm, cái tầm của người quản lý. Người quản lý biết đặt lợi ích cái chung lên trên, không tham ô tiêu cực, làm gương, không có đường dây tham nhũng, tiêu cực, không có tỉ lệ ăn chia trong đầu tư xây dựng… thì mới thành công. Còn nếu cán bộ đó, người cầm đầu doanh nghiệp Nhà nước không được rèn luyện tu dưỡng, không đặt lợi ích chung lên trên thì phải chăng đó là sự thất bại hiển nhiên. Điều này chúng ta phải rút ra”.
Nhấn mạnh đến vai trò quan trọng của kinh tế Nhà nước, Thủ tướng nêu thực tế thế giới, dù đi theo đường lối kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa hay đường lối kinh tế thị trường ở các nước tư bản phát triển thì kinh tế nhà nước luôn chiếm một tỷ lệ ít nhất từ 15 đến 35% GDP. Tỷ lệ đóng góp lớn của doanh nghiệp Nhà nước vào GDP là để đảm bảo phát triển, cân đối, ổn định của nền kinh tế. Kinh tế nhà nước, doanh nghiệp Nhà nước không chỉ để khắc phục khiếm khuyết của thị trường mà còn là yêu cầu tất yếu để đảm bảo xây dựng thành công nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
Nêu lên tầm quan trọng đó, Thủ tướng yêu cầu doanh nghiệp Nhà nước cần chủ động vươn lên, sắp xếp, đổi mới, nâng cao năng suất lao động, tiếp tục thực hiện là đưa giá một số mặt hàng thiết yếu như điện, xăng dầu,… theo thị trường.
“Chúng ta phải tiếp tục sắp xếp đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp Nhà nước, trong đó đặc biệt là đổi mới mô hình tăng trưởng để nâng cao năng suất lao động, để khắc phục cho được những vấn đề bất cập. Tôi vui mừng là khi xuống dự một số đơn vị, quá trình sắp xếp rất thành công, tái cơ cấu thành công, đặt lợi ích Nhà nước lên trên. Không sắp xếp lại thì không thành công. Một mô hình quản liêu bao cấp không theo thị trường thì khó thành công. Chủ nghĩa bao cấp ăn sâu vào trong doanh nghiệp Nhà nước cũng sẽ không thành công”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Chọn người tài trong quản lý điều hành
Trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đang diễn ra mạnh mẽ toàn cầu, Thủ tướng cho rằng, các doanh nghiệp Nhà nước phải đi tiên phong trong cuộc cách mạng này để hội nhập quốc tế.
Nhấn mạnh khoa học công nghệ là vấn đề lớn trong công tác lãnh đạo của Đảng và đối với từng doanh nghiệp, Thủ tướng cho rằng, nếu bỏ qua yếu tố này thì các doanh nghiệp trong mọi lĩnh vực kinh doanh đều thất bại. Do đó, khoa học công nghệ là “then chốt”, không phải là “then chót” cuối cùng.
Thủ tướng Chính phủ trao tặng Cờ Thi đua của Chính phủ cho Đảng bộ Khối Doanh nghiệp Trung ương. |
Thủ tướng yêu cầu các doanh nghiệp phải nâng cao vai trò và năng lực cấp ủy trong lãnh đạo và thực hiện nhiệm vụ chính trị. Theo đó, công tác Đảng phải đi trước, chủ động và đổi mới trong công tác xây dựng Đảng; xây dựng đảng trong sạch, vững mạnh, chống 27 biểu hiện suy thoái mà Nghị quyết Trung ương 4 đã chỉ rõ.
Trong đó, doanh nghiệp Nhà nước phải triệt để tiết kiệm mọi khâu để giảm giá thành sản phẩm. Theo Thủ tướng, tiết kiệm hiện nay trở thành vấn đề rất lớn mà Đảng ta, Chính phủ ta đặt vấn đề rất lâu mà chưa thành hiện thực. Tình trạng khởi công, tổ chức hình thức vẫn còn rất nhiều, nhất là trong cơ quan Nhà nước và doanh nghiệp Nhà nước.
Đi liền với đó, trong thời đại mới, chúng ta tiếp tục nâng cao năng lực quản trị và tầm nhìn chiến lược trong phát triển. Tầm nhìn chiến lược rất quan trọng đối với doanh nghiệp nhà nước hiện nay chứ không phải “ăn sổi, ở thì”, nhìn trước mắt mà không nhìn lâu dài trong phát triển.
“Một yêu cầu nữa là chúng ta phải chọn người tài trong quản lý điều hành đi liền với việc chúng ta không chọn người nhà, người thân quen, cục bộ địa phương trong bộ máy doanh nghiệp Nhà nước, trong Đảng bộ”-Thủ tướng yêu cầu.
Đặc biệt, Thủ tướng nhấn mạnh không tham nhũng, tiêu cực, làm chứng từ giả, rút tiền Nhà nước; không hạch toán sai đưa hết vào chi phí, làm lợi cho cá nhân, còn nhà nước thì cùng kiệt.
Lãnh đạo các doanh nghiệp nhà nước cũng cần luôn nghiên cứu, rèn luyện để có tư duy, tầm nhìn chiến lược trong quản lý điều hành trước cuộc cách mạng 4.0, trước một hội nhập quốc tế sâu rộng và thị trường 100 triệu dân; phải biết cách làm để hàng Việt Nam chất lượng cao đáp ứng và đảm bảo được nhu cầu thị trường.
Nhấn mạnh doanh nghiệp nhà nước phải năng động, sáng tạo, quyết liệt, Thủ tướng cho rằng, khi tâm sáng, trách nhiệm cao mà không dám làm gì thì cũng sẽ không có gì.
Tại Lễ kỷ niệm, Thủ tướng Chính phủ đã trao tặng Cờ Thi đua của Chính phủ cho Đảng bộ Khối Doanh nghiệp Trung ương.
Theo VOV