(GLO)- “Chưa bao giờ có nhiều tướng bị kỷ luật như lúc này” là câu nói được dư luận nhắc đến những ngày gần đây khi nhiều tướng lĩnh Công an, Quân đội bị kỷ luật Đảng, bị cách chức, giáng cấp, thậm chí là bị khởi tố. Người dân không ai ngờ, đằng sau những bộ quân phục ngay ngắn, nghiêm trang kia, cùng với kỷ luật thép của lực lượng vũ trang, họ lại phụ lòng tin của Đảng, của dân, đánh mất mình, gây ra những chuyện được kết luận là vi phạm nghiêm trọng, thậm chí rất nghiêm trọng, làm hoen ố hình ảnh của những lực lượng được cho là đang nắm giữ “thượng phương bảo kiếm” của chế độ.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng phát biểu kết luận Hội nghị toàn quốc về công tác phòng, chống tham nhũng. (Ảnh : Trí Dũng/TTXVN) |
Giữ chức vụ lãnh đạo cơ quan chống tội phạm công nghệ cao nhưng họ lại phạm tội “đánh bạc và tổ chức đánh bạc” bằng công nghệ cao. Khi bị tổ chức phát hiện thì lại “dối trên lừa dưới” báo cáo sai sự thật, bao che cho các đối tượng cầm đầu đường dây đánh bạc xuyên quốc gia. Đổi lại, họ được nhận về những món quà đắt giá cùng hàng chục tỷ đồng tiền hối lộ. Tướng Hóa, tướng Vĩnh rồi ai nữa? là câu hỏi đã được nhiều người đặt ra sau khi các ông này bị bắt và bị khởi tố.
Là những cán bộ cao cấp của Bộ Công an nhưng họ lại thiếu dân chủ, thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, quản lý; làm lộ bí mật nhà nước; ký văn bản vượt thẩm quyền không đúng quy định pháp luật… dung túng cho tội phạm có đất lộng hành. Là tướng Quân đội, được giao quản lý những khu đất giữ vị trí quan trọng trong lĩnh vực quốc phòng nhưng họ đã buông lỏng quản lý, thiếu trách nhiệm, lộng quyền khi ký nhiều văn bản giao đất, phê duyệt phương án làm kinh tế không đúng quy định, biến đất quốc phòng thành “đất vàng, đất bạc” đúng cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng, gây hậu quả xấu cho công tác quy hoạch, quản lý đất đai.
Những vi phạm của họ không chỉ làm mất uy tín của cá nhân, đơn vị mình phụ trách mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín của Đảng và Quân đội, Công an, gây bức xúc trong dư luận, làm mất niềm tin của Đảng, của dân vào lực lượng bảo vệ chế độ, giữ gìn sự bình yên cuộc sống nhân dân. Tệ hại hơn, hành vi sai phạm của họ đã kéo theo cái sai của hàng loạt cán bộ dưới quyền khác, làm hỏng cả những cán bộ ở các cơ quan kiểm tra, giám sát của Quân đội và Công an.
Suy cho cùng, ở đâu có quyền lực thì ở đó sẽ dễ xảy ra tình trạng lạm dụng quyền lực vì lợi ích cá nhân, phe nhóm, nếu người làm công tác kiểm tra, giám sát không làm hết trách nhiệm của mình. Nhìn lại những vụ kỷ luật Đảng, những đại án tham nhũng bị truy tố, xét xử vài năm trở lại đây, người ta thấy hầu hết lại xảy ra ở nhiệm kỳ trước (2011-2016). Điều đó cho thấy, có những lỗ hổng rất lớn, tồn tại rất lâu trong công tác quản lý, đánh giá, đề bạt cán bộ ở một số bộ, ngành, lĩnh vực, để cho những người vi phạm tày đình luồn sâu, leo cao lên các vị trí lãnh đạo. Mà chuyện hàng loạt tướng lĩnh Quân đội, Công an bị bả vật chất cám dỗ, bị “ngã ngựa” giữa chừng là một minh chứng. Chỉ đến khi dư luận, cán bộ, đảng viên bức xúc, Ủy ban Kiểm tra Trung ương vào cuộc thì những kẻ làm hoen ố thanh “thượng phương bảo kiếm” của chế độ mới bị phát hiện, mới bị điểm mặt chỉ tên và nhận án kỷ luật.
Điều đó cho thấy ý chí quyết tâm của Đảng và người đứng đầu Đảng ta có vai trò quyết định như thế nào; rằng cuộc đấu tranh phòng-chống tham nhũng đã thực sự không còn vùng cấm. Ai đã trót “nhúng chàm” thì dù có khéo che đậy đến mấy, dù ngồi ở chiếc ghế nào trong hệ thống quyền lực cũng khó còn cửa thoát.
Bởi nói như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại hội nghị về phòng-chống tham nhũng mới đây: “Bất cứ ai cũng không có quyền lực tuyệt đối ngoài pháp luật. Bất kỳ ai sử dụng quyền lực đều phải phục vụ nhân dân, chịu trách nhiệm trước nhân dân và chịu sự giám sát của nhân dân”.
Nguyễn Vân