TN - Đất & Người

Chủ đất ngỡ ngàng khi lô đất của mình bị 'cò' phân lô, rao bán

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
Nhiều người dân viết đơn gửi Phòng TN-MT TP.Kon Tum (tỉnh Kon Tum) phản ánh đất của gia đình bị đưa lên các trang mạng xã hội rao bán. Chưa hết, có chủ đất bỗng dưng phát hiện đất của mình được... phân lô, rao bán.
Chủ đất ngỡ ngàng, ngơ ngác
Phòng TN-MT TP.Kon Tum cho biết, thời gian qua đã nhận được nhiều thông tin phản ánh về tình trạng chuyển nhượng nhà, đất không đúng quy định của pháp luật.
Thậm chí, nhiều trường hợp người dân đã viết đơn kiến nghị, gửi Phòng TN-MT TP.Kon Tum về việc đất của gia đình bị đưa lên các trang mạng xã hội rao bán dù có ý định chuyển nhượng nhưng chưa từng làm việc hoặc tiếp xúc với người môi giới bất động sản. Đặc biệt, có trường hợp đất của người dân bị người khác phân lô, rao bán chính mảnh đất mình sở hữu.

Đất nông nghiệp tại Kon Tum được rao bán nhan nhản trên mạng. Ảnh: Đức Nhật
Đất nông nghiệp tại Kon Tum được rao bán nhan nhản trên mạng. Ảnh: Đức Nhật
Theo đó, trong 2 ngày 12 và 13.3, một nhóm người lạ mặt bất ngờ đến tập trung tại lô cao su đã thu hoạch tại tổ dân phố 1, P.Ngô Mây, TP.Kon Tum.
Tại đây, nhóm người này đã tự ý cắm nhiều cọc để phân lô rồi tổ chức giới thiệu, quảng cáo, tư vấn để bán các lô đất này.

Khu vườn của gia đình ông C. bị người khác tự ý phân lô. Ảnh: Đức Nhật
Khu vườn của gia đình ông C. bị người khác tự ý phân lô. Ảnh: Đức Nhật
Sau khi phát hiện, UBND P.Ngô Mây đã tổ chức kiểm tra. Chủ đất sau đó được xác định là ông H.V.C (trú tại xã Vinh Quang, TP.Kon Tum). UBND phường đã mời ông C. lên làm việc. Tại đây ông C. tỏ ra ngỡ ngàng khi mảnh đất của mình bị người khác tự ý phân lô, rao bán. Ngay sau đó, ông C. đã phối hợp cùng chính quyền địa phương tiến hành nhổ tất cả các cọc đã cắm.
Tự ý phân lô, mở đường
Ngoài ra, qua nắm thông tin trên các trang mạng xã hội Facebook, Zalo và qua công tác kiểm tra thực địa, lực lượng chức năng TP.Kon Tum cũng xác định trên địa bàn các xã, phường như: Chư Hreng, Ngok Bay, Đăk Cấm, Đăk Rơ Wa, Hòa Bình, Vinh Quang, Ngô Mây, Trần Hưng Đạo… có xảy ra tình trạng một số người đã mua đất nông nghiệp, thực hiện tách thửa, phân lô trên thực địa và bán lại diện tích đất nông nghiệp này. Tuy nhiên, không lập hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất thông qua công chứng, chứng thực của cơ quan nhà nước có thẩm quyền mà chỉ bằng hình thức viết giấy tay, thỏa thuận giữa bên mua, bên bán.
Ông Nguyễn Văn Hùng, Trưởng phòng TN-MT TP.Kon Tum, cho biết những việc làm này là trái quy định của luật Đất đai, làm nảy sinh tình trạng tranh chấp, khiếu nại về đất đai gây ảnh hưởng đến an ninh, trật tự và quyền lợi của người dân khi nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất.
“Việc thực hiện phân lô, tự ý mở đường giao thông trong thửa đất mà không có ý kiến của cơ quan nhà nước có thẩm quyền làm ảnh hưởng đến quy hoạch sử dụng đất của thành phố; không phù hợp với quy hoạch xây dựng đã được phê duyệt; làm ảnh hưởng đến môi trường, cảnh quan và vi phạm về trật tự xây dựng, đất đai tại địa phương”, ông Hùng nói.
Làm giả sổ đỏ để lừa đảo
Ông Hùng cũng cảnh báo tình trạng nhiều người làm giả sổ đỏ để lừa đảo. Cụ thể trong thời gian từ năm 2020 - 2022, Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai TP.Kon Tum đã phát hiện hàng chục sổ đỏ giả trong quá trình công chứng, làm thủ tục chuyển nhượng.
Ông Hùng khuyến cáo người dân trên địa bàn nâng cao cảnh giác trước các hình thức tư vấn, môi giới, dịch vụ bất động sản nhưng chưa rõ thông tin, tránh gây thiệt hại về tài sản. Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về đất đai, xây dựng đến từng thôn, tổ để người dân biết và thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật; chấn chỉnh công tác quản lý đất đai, trật tự xây dựng trên địa bàn; không để người dân tự ý san lấp mặt bằng, mở đường trái phép và xây dựng công trình trái phép; tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với lĩnh vực đất đai…
Theo Đức Nhật (TNO)

Có thể bạn quan tâm