Điểm đến Gia Lai

Chủ động cung ứng điện, nước trong mùa khô hạn

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Gia Lai đang bước vào cao điểm mùa khô, nhu cầu sử dụng điện, nước của người dân tăng cao. Trước tình hình này, các ngành chức năng đã chủ động lên kế hoạch, có giải pháp cung ứng điện, nước đảm bảo để phục vụ nhu cầu của người dân.
Công nhân Công ty Điện lực Gia Lai tuyên truyền đồng bào dân tộc thiểu số tại xã Ia O (huyện Ia Grai) sử dụng điện tiết kiệm. Ảnh: N.T
ĐẢM BẢO CUNG ỨNG ĐIỆN AN TOÀN, ỔN ĐỊNH
Theo dự báo của Công ty Điện lực Gia Lai (PC Gia Lai), công suất tiêu thụ điện cực đại của tỉnh vào mùa bơm tưới khoảng 230 MW, sản lượng điện tiêu thụ khoảng 4,73 triệu kWh/ngày. Vì vậy, ngay từ đầu năm, PC Gia Lai đã chủ động triển khai các giải pháp để đảm bảo cấp điện phục vụ nhu cầu bơm tưới của người dân vào mùa khô. Đồng thời, Công ty chỉ đạo Điện lực các huyện, thị xã, thành phố thường xuyên kiểm tra, nâng cấp lưới điện và tuyên truyền cho người dân cách sử dụng điện an toàn, tiết kiệm, hiệu quả.
Ông Lê Quang Trường-Phó Giám đốc PC Gia Lai-cho biết: Trong cao điểm mùa khô, hàng loạt máy bơm đồng thời hoạt động, các trạm biến áp thường bị quá tải nên aptomat bảo vệ tự động cắt để đảm bảo an toàn cho hệ thống điện, dẫn đến mất điện. Nhờ nắm bắt được công suất phụ tải mùa cao điểm, Công ty đã hoán chuyển các máy biến áp non tải và quá tải, khắc phục tình trạng quá tải cục bộ tại các trạm biến áp phụ tải khu vực bơm tưới, bảo đảm cấp điện ổn định. Đồng thời, Công ty cắt điện luân phiên để cải tạo, nâng cấp lưới điện nhằm chống quá tải lưới điện trong mùa nắng nóng.
Công trình thủy lợi Ia Mơr sẽ cung cấp nước tưới cho gần 12.500 ha diện tích cây trồng các loại. Ảnh: N.T
Ngay từ sau Tết Nguyên đán, Điện lực Ia Grai đã tăng cường công tác quản lý vận hành, kiểm tra thường xuyên và liên tục các trạm biến áp trên địa bàn nhằm kịp thời phát hiện và khắc phục những sự cố để đảm bảo an toàn hệ thống lưới điện, hệ thống rơ le và hành lang an toàn lưới điện. Ông Nguyễn Văn Thiên (thôn 4, xã Ia Krai, huyện Ia Grai) chia sẻ: “Tôi có 5 ha cà phê nên rất cần nguồn điện ổn định để bơm tưới nước. Thời gian qua, Điện lực Ia Grai đã cung cấp điện liên tục để chúng tôi có thể chạy máy bơm ra những điểm xa khu dân cư mà không bị non tải, giúp việc bơm tưới nước được dễ dàng hơn”.
Trong quý I-2020, PC Gia Lai đã tiến hành vệ sinh đường dây và trạm biến áp bằng nước cách điện áp lực cao không cắt điện để ngăn ngừa các sự cố có thể xảy ra, gây ảnh hưởng đến khả năng bơm tưới cho cây trồng của người dân. Cùng với đó, Công ty triển khai thực hiện gần 50 công tác sửa chữa nóng trên đường dây đang mang điện, nhờ đó giảm thời gian mất điện cho hơn 15.000 khách hàng, đặc biệt là khách hàng tại các vùng bơm tưới. Ngoài ra, PC Gia Lai cũng đã linh hoạt trong việc thay đổi phương thức vận hành của các đường dây cấp điện cho các vùng bơm tưới nhằm đảm bảo hệ thống điện được vận hành an toàn, kinh tế, liên tục và ổn định, đảm bảo chất lượng phục vụ khách hàng. Công ty cũng luôn bố trí cán bộ, nhân viên túc trực tại các đơn vị, đội xe, kho vật tư, chuẩn bị đầy đủ vật tư, trang-thiết bị dự phòng cần thiết để chủ động ứng phó kịp thời với mọi tình huống có thể xảy ra. Thông qua đầu số của trung tâm chăm sóc khách hàng (19001909), PC Gia Lai luôn phối hợp chặt chẽ với khách hàng trong việc xác minh, phân loại cũng như xử lý sự cố để hạn chế tối đa thời gian mất điện cho khách hàng.
NHIỀU GIẢI PHÁP CHỐNG HẠN
Bên cạnh việc đảm bảo nguồn điện ổn định của ngành Điện, các địa phương và đơn vị khai thác công trình thủy lợi đã xây dựng kế hoạch, phương án bảo đảm nguồn nước tưới cho sản xuất của người dân. Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và PTNT, toàn tỉnh hiện có 344 công trình thủy lợi và 49 công trình thủy điện. Trong đó, các công trình thủy lợi có năng lực tưới khoảng 60.000 ha cây trồng các loại. Các công trình thủy lợi do Công ty TNHH một thành viên Khai thác Công trình thủy lợi tỉnh quản lý đã phát huy hiệu quả được 70-95%, đối với huyện quản lý là khoảng 75% so với năng lực thiết kế.
Xí nghiệp Thủy nông Ia Mlah là đơn vị chủ lực trong việc điều hành nguồn nước tưới trên địa bàn huyện Krông Pa. Theo đó, công trình thủy lợi Ia Mlah được đưa vào sử dụng từ năm 2010 với tổng chiều dài kênh mương gần 145 km, năng lực tưới hơn 2.663 ha cây trồng các loại. Nhờ công trình này, người dân nơi đây đã chủ động được nguồn nước phục vụ sản xuất, trong đó có việc trồng lúa nước 2 vụ. Đồng thời, hồ thủy lợi Ia Mlah còn cung ứng nước sinh hoạt cho khoảng 4.000 hộ dân. Ông Nguyễn Xuân Sang-Phó Giám đốc Xí nghiệp Thủy nông Ia Mlah-cho hay: “Hàng năm, Xí nghiệp đều có kế hoạch tưới tiêu ngay đầu vụ mùa và vụ Đông Xuân. Kết thúc vụ Đông Xuân, nguồn nước tại hồ thủy lợi Ia Mlah vẫn đảm bảo điều tiết đến qua năm sau. Tính đến thời điểm hiện tại, mực nước của hồ đạt 80% dung tích thiết kế, đảm bảo nước tưới cho cây trồng và nước sinh hoạt của người dân”.
Tại xã biên giới Ia Mơr (huyện Chư Prông), công trình thủy lợi hồ chứa nước Ia Mơr đang dần hoàn thành các hạng mục để kịp thời “giải khát” cho hàng ngàn héc ta cây trồng của người dân. Sau khi công trình này hoàn thành đưa vào sử dụng, gần 1.600 ha cây trồng của xã Ia Mơr sẽ được thừa hưởng nguồn nước dồi dào. Từ đó, người dân nơi đây sẽ tổ chức thâm canh, luân canh, chuyên canh kết hợp xây dựng những mô hình kinh tế tổng hợp để nâng cao thu nhập.
Hơn 2.663 ha cây trồng các loại trên địa bàn huyện Krông Pa đang được hưởng nguồn nước dồi dào do thủy lợi Ia Mlah cung cấp. Ảnh: N.T
Ông Nguyễn Văn Hòa-Phó Trưởng ban Quản lý dự án Thủy lợi Ia Mơr (Ban Quản lý Đầu tư và Xây dựng Thủy lợi 8) thông tin: “Giai đoạn 1 dự án thủy lợi Ia Mơr đã cơ bản hoàn thành và hiện đang tích cực triển khai giai đoạn 2 gồm hệ thống kênh chính Đông và chính Tây. Theo kế hoạch vốn, hiện Nhà nước đã bố trí đủ vốn để thi công hoàn thành hệ thống kênh này trong năm 2020. Đến nay, chúng tôi đã thi công được khoảng 50% khối lượng, 50% còn lại đang vướng về mặt bằng. Địa phương đang tích cực hỗ trợ các hộ dân xâm canh, không đủ điều kiện đền bù để giải phóng mặt bằng. Nếu thuận lợi, đến cuối năm, chúng tôi sẽ đảm bảo hoàn thành công trình theo đúng tiến độ”.
Bảo đảm nguồn nước tưới cho cây trồng vụ Đông Xuân là một trong những nhiệm vụ quan trọng, có ý nghĩa quyết định đến năng suất, chất lượng và hiệu quả sản xuất. Vì vậy, ngành nông nghiệp tỉnh đã triển khai những biện pháp hữu hiệu để phòng-chống hạn. Ông Đoàn Ngọc Có-Phó Giám đốc phụ trách Sở Nông nghiệp và PTNT-cho biết: Hiện nay, mực nước tại các ao hồ, sông suối, đập trên địa bàn bị thiếu hụt khoảng 20-40% so với trung bình nhiều năm. Vì vậy, ngành nông nghiệp đã triển khai các biện pháp phòng-chống hạn như: dừng sản xuất ở vùng không đảm bảo nguồn nước để tránh thiệt hại; chuyển đổi những diện tích lúa nước thường bị hạn sang các cây trồng cạn sử dụng ít nước và có thời gian sinh trưởng ngắn ngày để đảm bảo sản xuất vụ Đông Xuân. Bên cạnh đó, ngành nông nghiệp cùng với các địa phương tổ chức nạo vét kênh mương, khơi thông dòng chảy để đảm bảo tiết kiệm nước. Đồng thời, lên lịch tưới luân phiên, ưu tiên nguồn nước cho cây trồng đang ra hoa kết trái, cây công nghiệp dài ngày, chăn nuôi và đảm bảo nước sinh hoạt cho người dân.
“Thời gian tới, ngành nông nghiệp sẽ tiếp tục theo dõi diễn biến thời tiết. Dựa trên nhận định của Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Tây Nguyên, ngành nông nghiệp tiếp tục rà soát đánh giá lại toàn bộ nguồn nước của ao hồ, sông suối, có giải pháp phòng-chống hạn kịp thời. Những nơi thiếu nước sinh hoạt sẽ tổ chức vận chuyển nước từ vùng khác đến, không để người dân thiếu nước sinh hoạt”-Phó Giám đốc phụ trách Sở Nông nghiệp và PTNT khẳng định.
NGỌC THU

Có thể bạn quan tâm