(GLO)- Để gỡ “nút thắt” trong cho vay hộ nghèo dân tộc thiểu số, huyện Kbang sẽ tập trung tuyên truyền tại các làng, xã có tỷ lệ hộ nghèo cao. Cùng với đó, ngành chức năng và các đoàn thể địa phương sẽ quan tâm hướng dẫn cách làm ăn, xây dựng các mô hình sản xuất để người dân yên tâm vay vốn, biết cách sử dụng hiệu quả nguồn vốn tín dụng chính sách.
Huyện Kbang luôn xác định phát triển kinh tế-xã hội gắn với mục tiêu giảm nghèo bền vững là một trong những nhiệm vụ quan trọng của địa phương. Đây cũng là đích đến của hoạt động tín dụng chính sách trên địa bàn với vai trò “đòn bẩy” hỗ trợ bà con đầu tư phát triển sản xuất, từng bước vươn lên thoát nghèo. Theo thống kê của Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện Kbang, trong giai đoạn 2014-2019, doanh số cho vay của đơn vị đạt 446 tỷ đồng với 14.743 lượt hộ vay, doanh số thu nợ đạt 357,5 tỷ đồng. Tính đến cuối tháng 5-2019, tổng dư nợ trên địa bàn đạt 279 tỷ đồng với 7.354 hộ vay. Tỷ lệ tăng trưởng tín dụng bình quân đạt 9,15%/năm, cao hơn mức bình quân cả nước (8%). Đáng chú ý, riêng 3 chương trình cho vay hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo chiếm tới 59,9% tổng dư nợ.
Ngân hàng Chính sách Xã hội tỉnh làm việc với Thường trực Huyện ủy Kbang về công tác phối hợp triển khai cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách trên địa bàn. Ảnh: S.C |
Bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động tín dụng chính sách ở huyện Kbang vẫn còn gặp trở ngại do đồng bào dân tộc thiểu số ở một số vùng chưa mạnh dạn vay vốn đầu tư sản xuất để vươn lên thoát nghèo. Qua rà soát, toàn huyện hiện vẫn còn 701 hộ nghèo, 924 hộ cận nghèo đủ điều kiện nhưng không có nhu cầu vay vốn, hầu hết tập trung ở các xã có tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo cao như: Đak Rong, Krong, Kon Pne, Kông Lơng Khơng, Lơ Ku. Theo ông Nguyễn Văn Dũng-Phó Chủ tịch UBND huyện Kbang: “Trở ngại lớn nhất vẫn là từ nhận thức, tâm lý ngại vay vốn của bà con. Nguyên nhân một phần do người dân ỷ lại vào các chương trình an sinh, từ thiện xã hội. Mặt khác, bà con chưa biết cách làm ăn, sử dụng vốn vay hiệu quả, sản phẩm làm ra khó tiêu thụ. Từ đó cho thấy, công tác phối hợp tuyên truyền, vận động chưa đến nơi đến chốn, nhất là ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số phải làm theo kiểu “cầm tay chỉ việc”.
Về giải pháp để tháo gỡ “nút thắt” trong cho vay hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn, bà Đinh Thị Phiên-Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Kbang-cho biết: “Chúng tôi sẽ tập trung tuyên truyền, vận động tại các xã đặc biệt khó khăn, các làng có tỷ lệ hộ nghèo cao; đồng thời hướng dẫn hội viên, phụ nữ nghèo về kỹ thuật sản xuất, cách thức sử dụng đồng vốn, thực hành mô hình tiết kiệm. Khi biết cách thức làm ăn thì bà con mới mạnh dạn vay vốn tín dụng để đầu tư sản xuất”. Còn ông Đinh Rêu-Chủ tịch Hội Nông dân huyện thì cho hay: “Hiện nay, vẫn còn tình trạng bà con không muốn vay vốn ngân hàng hoặc Quỹ Hỗ trợ nông dân bởi không biết cách làm ăn. Để giải quyết vấn đề này, Hội Nông dân huyện sẽ xây dựng một số mô hình tổ hợp tác liên kết, đưa hội viên nghèo vào sinh hoạt tại các tổ có hội viên khá để học hỏi, trao đổi kinh nghiệm sản xuất. Một hướng khác là Hội sẽ xây dựng các tổ cùng sở thích nghề nghiệp, tạo điều kiện cho hội viên nghèo tiếp cận với các dự án, mô hình sản xuất hiệu quả”.
Theo đánh giá của ông Trương Văn Đạt-Bí thư Huyện ủy Kbang, hiện nay, tỷ lệ hộ nghèo của Kbang thấp hơn một số địa phương trong tỉnh. Kết quả này có sự tác động rất lớn của tín dụng chính sách. Đối với số 701 hộ nghèo, 924 hộ cận nghèo đủ điều kiện nhưng chưa tiếp cận vốn tín dụng chính sách, vấn đề vướng mắc ở đây không phải do thủ tục hành chính mà là ở nhận thức của người dân. Mặt khác, hoạt động liên kết sản xuất trên địa bàn còn yếu, chịu nhiều tác động từ thị trường, giá cả, đầu ra cho sản phẩm.
Thời gian tới, trên tinh thần thực hiện chỉ đạo của Bí thư Tỉnh ủy Dương Văn Trang, huyện Kbang phấn đấu đến năm 2020 sẽ hoàn thành Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới. Và mục tiêu trước mắt là 50% số hộ nghèo nêu trên phải tiếp cận vốn tín dụng chính sách. Để đạt mục tiêu đó, các cơ quan chức năng sẽ có kế hoạch rà soát, đánh giá tình hình để tham mưu cho huyện giao chỉ tiêu đến từng xã, từng đoàn thể, hướng trọng tâm công tác tuyên truyền đến các làng, xã đặc biệt khó khăn. Về phía Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện sẽ xây dựng quy trình sản xuất, xác định chu kỳ sản xuất các loại cây trồng như: cà phê, mắc ca, cây dược liệu, cây ăn quả... nhằm phối hợp với Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện cho vay phù hợp với nhu cầu, chu kỳ sản xuất của người dân; đồng thời hỗ trợ kỹ thuật sản xuất, cây giống, tìm đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp để bà con yên tâm vay vốn phát triển sản xuất.
Ông Lê Văn Chí-Giám đốc Ngân hàng Chính sách Xã hội tỉnh: Nhu cầu, khả năng và quy mô sản xuất thực tế của hộ vay cần bao nhiêu thì chúng tôi đáp ứng bấy nhiêu. Riêng Ngân hàng Chính sách Xã hội tỉnh sẽ tiếp tục ưu tiên vốn cho Kbang, góp phần vào mục tiêu xây dựng nông thôn mới của huyện. Đối với những cây trồng có thế mạnh của huyện như: mắc ca, cà phê, dâu tằm, cây dược liệu, cây ăn quả... sau khi có số liệu từ Phòng Nông nghiệp và PTNT chuyển sang thì Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện cần xác định lại thời gian cho vay phù hợp với chu kỳ sản xuất thực tế. |
Sơn Ca