Pháp luật

Tin tức

Chủ động ngăn ngừa tội phạm mua bán người

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Trước tình hình buôn bán người qua biên giới theo chiêu bài “việc nhẹ lương cao” có chiều hướng gia tăng và diễn biến phức tạp, huyện Chư Pưh (tỉnh Gia Lai) đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền nhằm nâng cao ý thức người dân để phòng tránh, ngăn ngừa.
Khoảng 11 giờ trưa, Trung tâm Văn hóa-Thông tin và Thể thao huyện Chư Pưh phát đi bản tin về phương thức, thủ đoạn của tội phạm lừa đảo, mua bán người qua biên giới. Nghe hết bản tin, bà Kpăh H’Mi (làng Plei Djriêk, thị trấn Nhơn Hòa) bộc bạch: “Gần 2 tháng nay, nghe loa phát nội dung về tội phạm buôn người qua biên giới, lừa đảo việc làm, mình hiểu được nhiều điều để dạy dỗ con cháu. Cho nên khi gia đình tập trung đông đủ, mình căn dặn mấy đứa trẻ trong nhà dành thời gian nghe đài, đọc báo để biết phương thức của loại tội phạm mới mà tránh. Phải dặn kỹ chứ không chúng nó ham việc nhẹ lương cao rồi lỡ dại dột mà sa bẫy”.
Phát thanh viên của Trung tâm Văn hóa-Thông tin và Thể thao huyện Chư Pưh đọc bản tin tuyên truyền về tội phạm mua bán người qua biên giới. Ảnh: Thiên Di
Phát thanh viên của Trung tâm Văn hóa-Thông tin và Thể thao huyện Chư Pưh đọc bản tin tuyên truyền về phòng ngừa tội phạm mua bán người qua biên giới. Ảnh: Thiên Di
Theo Giám đốc Trung tâm Văn hóa-Thông tin và Thể thao huyện Chư Pưh Nguyễn Hữu Thanh: Tính đến nay, huyện Chư Pưh chưa ghi nhận trường hợp người dân bị lừa đảo, bán qua biên giới làm việc. Trước thực trạng một số địa phương trong tỉnh ghi nhận trường hợp lao động bị lừa bán qua Campuchia làm việc trong sòng bạc và bị đánh đập, đòi tiền chuộc, huyện đã triển khai các hoạt động nhằm ngăn ngừa, trong đó chú trọng công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức người dân để tự phòng tránh. “Thực hiện chỉ đạo của UBND huyện, từ giữa tháng 7-2022 đến nay, Trung tâm liên tục phát sóng bản tin cảnh báo tội phạm buôn người, lừa đảo việc làm qua biên giới. Bên cạnh việc phát các tin, bài do đội ngũ phóng viên, biên tập viên trong cơ quan sản xuất, Trung tâm còn tiếp sóng Đài Phát thanh-Truyền hình tỉnh, Đài Tiếng nói Việt Nam để phát vào sáng sớm, trưa và chiều tối với tần suất 6 ngày/tuần. Trung tâm cũng cử lực lượng xuống cơ sở tuyên truyền miệng để người dân tránh sa bẫy loại tội phạm này”-ông Thanh chia sẻ.
Ngày 21-7-2022, ông Siu Y Bé-Phó Chủ tịch UBND huyện Chư Pưh đã ký Công văn số 934/UBND-VHXH chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, đoàn thể và địa phương triển khai các hoạt động tuyên truyền, ngăn chặn, phòng ngừa các vụ lừa đảo lao động, tình trạng mua bán người qua biên giới.
Đối với lực lượng Công an, thời gian qua, hoạt động tuyên truyền, ngăn ngừa tội phạm mua bán người qua biên giới, lừa đảo việc làm đang được triển khai tích cực. Thiếu tá Phạm Bá Trình-Trưởng Công an xã Ia Hrú-cho hay: “Chúng tôi đang triển khai tuyên truyền bằng 3 hình thức chính. Công an xã đã phối hợp với Ủy ban MTTQ Việt Nam xã tổ chức 9 buổi tuyên truyền lồng ghép về các loại tội phạm. Chúng tôi cũng đăng tải các bài báo, thông tin cảnh báo về phương thức, thủ đoạn của tội phạm mua bán người qua biên giới trên các trang mạng xã hội của Công an xã Ia Hrú và tuyên truyền cá biệt đối với trường hợp nghi ngờ. Nhờ vậy mà thời gian qua, tại xã chưa ghi nhận trường hợp nào bỏ trốn đi nước ngoài, bị lừa đi lao động bên kia biên giới.
Buổi tuyên truyền an toàn giao thông lồng ghép tội phạm mua bán người do Công an huyện Chư Pưh tổ chức. Ảnh: Thiên Di
Buổi tuyên truyền đảm bảo an toàn giao thông lồng ghép phòng-chống tội phạm mua bán người do Công an huyện Chư Pưh tổ chức. Ảnh: Thiên Di
Thượng tá Dương Đức Việt-Phó Trưởng Công an huyện Chư Pưh-cho biết: Trên địa bàn có khoảng 7.000 lao động đi làm ăn xa và 7 công dân đi xuất khẩu lao động. Số lượng lớn lao động đi làm ăn xa sẽ tiềm ẩn nhiều nguy cơ xảy ra các vụ mua bán người, lừa đảo việc làm qua biên giới, nhất là với người dân tộc thiểu số. Do đó, đơn vị đang tập trung vào hoạt động tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của người dân. Cùng với việc tham mưu các biện pháp chủ động ngăn ngừa, xử lý tội phạm mua bán người qua biên giới, lừa đảo việc làm thì chúng tôi còn tổ chức 17 buổi tuyên truyền phòng-chống các loại tội phạm cùng 18 buổi tuyên truyền lồng ghép trong Ngày hội “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”. Qua những buổi tuyên truyền, người dân được trang bị kiến thức, kỹ năng xử lý, ứng phó và ý thức hơn trong việc tự phòng tránh cho các thành viên trong gia đình. Mặt khác, chúng tôi cũng đã chỉ đạo Công an các xã triển khai các giải pháp đồng bộ để ngăn ngừa loại tội phạm này. Từ nay đến cuối năm, đơn vị cũng sẽ phối hợp triển khai thêm nhiều buổi tuyên truyền về loại tội phạm mua bán người qua biên giới, lừa đảo việc làm.
THIÊN DI

 

Có thể bạn quan tâm