Cùng dự và chủ trì hội nghị có các Phó Thủ tướng: Lê Minh Khái, Trần Lưu Quang và Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cùng lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương và địa phương; 180 đại biểu đại diện cho các doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp đầu tư nước ngoài tại Việt Nam. Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Trương Hải Long và lãnh đạo các sở, ngành liên quan tham dự tại điểm cầu tỉnh Gia Lai.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu khai mạc tại hội nghị gặp các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài. Ảnh: Minh Nguyễn |
Phát biểu khai mạc hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đề nghị các đại biểu tập trung trao đổi, thảo luận, đánh giá thực trạng tình hình, xác định rõ những điểm nghẽn, khó khăn, vướng mắc, thời cơ, thuận lợi, trên cơ sở đó đề ra nhiệm vụ, giải pháp cụ thể để tiếp tục thúc đẩy mạnh mẽ và nâng cao hiệu quả đầu tư nước ngoài vào Việt Nam trong bối cảnh thế giới, khu vực và Việt Nam đang có những khó khăn, thách thức.
Cùng với đó, Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng đề nghị các doanh nghiệp, nhà đầu tư tập trung nêu rõ vấn đề tồn tại, đề xuất kiến nghị tháo gỡ cụ thể với tinh thần thẳng thắn, chân thành, cởi mở, trách nhiệm trên nguyên tắc "khó khăn đến đâu thì tháo gỡ đến đó, khó khăn ở đâu thì tháo gỡ ở đó; vướng mắc ở cấp nào thì cấp đó giải quyết", "không nói không, không nói khó, không nói có mà không làm".
Mặt khác, Thủ tướng cũng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương trao đổi, giải đáp về các đề xuất, kiến nghị của các doanh nghiệp, nhà đầu tư và có giải pháp cụ thể trên tinh thần chân thành, thẳng thắn, cầu thị, lắng nghe, thấu hiểu và đồng hành. Trong đó, những khó khăn, vướng mắc giải quyết được ngay thì phải các bộ, ngành, địa phương phải trả lời rõ ràng, dứt khoát, những vấn đề còn tồn tại thì phải khẩn trương nghiên cứu, chủ động giải quyết hoặc báo cáo cấp có thẩm quyền xử lý kịp thời, linh hoạt, hiệu quả với tinh thần "lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ", cân đối hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, doanh nghiệp và Nhân dân.
Lãnh đạo các sở, ngành tại điểm cầu tỉnh Gia Lai theo dõi hội nghị trực tuyến gặp mặt các nhà đầu tư nước ngoài do Chính phủ tổ chức. Ảnh: Minh Nguyễn |
Theo Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), tính đến 20/4/2023, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần, mua phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài đạt gần 8,88 tỷ USD. Vốn thực hiện của dự án đầu tư nước ngoài ước đạt khoảng 5,85 tỷ USD, xấp xỉ cùng kỳ năm 2022. Lũy kế đến ngày 20/4/2023, cả nước có 37.065 dự án còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký gần 445,9 tỷ USD. Vốn thực hiện lũy kế của các dự án đầu tư nước ngoài ước đạt hơn 279,8 tỷ USD, bằng gần 62,8% tổng vốn đầu tư đăng ký còn hiệu lực.
Tại hội nghị, đại diện các doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam đánh giá cao sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt, chủ động, sáng tạo, linh hoạt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam chịu ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19 và nguy cơ suy thoái kinh tế thế giới; đồng thời cam kết đồng hành cùng Chính phủ cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, hướng tới phát triển kinh tế bền vững.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp này cũng đề xuất Chính phủ việc đẩy mạnh cải cách quy định và chính sách; cần xây dựng các chính sách ưu đãi phù hợp, cạnh tranh để thu hút đầu tư, đặc biệt là trước quy định thuế tối thiểu toàn cầu sắp được áp dụng; kiến nghị miễn, giảm thuế tiêu thụ đặc biệt cho các sản phẩm công nghiệp thân thiện với môi trường; đầu tư cải thiện cơ sở hạ tầng về giao thông; đơn giản hoá và rút ngắn thời gian xem xét và phê duyệt các dự án điện; ưu tiên phê duyệt sớm những dự án đã hoàn thành các thủ tục cần thiết...
Phản hồi và tiếp thu những khó khăn vướng mắc về thực thi chính sách của các doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam, đại diện các bộ, ngành và địa phương cam kết sẽ đồng hành cùng doanh nghiệp cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; kịp thời giải quyết tháo gỡ các vướng mắc về cơ chế, chính sách; đào tạo bồi dưỡng nguồn lao động chất lượng cao…
Quang cảnh hội nghị trực tuyến của Chính phủ và các nhà đầu tư nước ngoài tại điểm cầu tỉnh Gia Lai. Ảnh: Minh Nguyễn |
Phát biểu kết luận tại buổi gặp mặt, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ghi nhận những đóng góp tích cực của các nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam trong thời gian qua. Cùng với đó, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành và địa phương cần tiếp thu các kiến nghị của doanh nghiệp, trong phạm vi quyền hạn, tinh thần trách nhiệm của người đứng đầu chủ động tháo gỡ, giải quyết các vướng mắc một cách kịp thời, linh hoạt mang lại hiệu quả cao nhất. Đặc biệt là các vướng mắc về chính sách; giải quyết thủ tục hành chính; phê duyệt dự án; tháo gỡ khó khăn về mặt pháp lý; đề xuất sửa đổi cơ chế, chính sách để hỗ trợ doanh nghiệp. Chính phủ sẽ tiến hành kiểm tra các bộ, ngành và địa phương về vấn đề này.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cam kết sẽ luôn tạo lập môi trường kinh doanh tốt nhất hướng đến các chuẩn mực của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), với việc giữ vững ổn định chính trị-xã hội và kinh tế vĩ mô; tháo gỡ những điểm nghẽn của nền kinh tế về thể chế pháp luật, hạ tầng cơ sở và nguồn nhân lực; phát triển các chuỗi cung ứng, giảm chi phí giao dịch, đặc biệt là chi phí về logistics và chi phí hành chính; xây dựng môi trường-chính sách ổn định, có tính dự báo cao, thực thi minh bạch và trách nhiệm giải trình.
Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng cho biết, ngay sau hội nghị sẽ ban hành một văn bản phù hợp để thống nhất triển khai thực hiện. "Nếu chúng ta tin cậy, chân thành, chia sẻ, trách nhiệm, lắng nghe, thấu hiểu và đồng hành cùng nhau thì mọi vướng mắc đều có thể được tháo gỡ, mọi thách thức đều có thể vượt qua, mang lại lợi ích cho nhà đầu tư, cho người dân, cho Việt Nam"-Thủ tướng Phạm Minh Chính chia sẻ.