Kinh tế

Tài chính

Chủ động triển khai cho vay vốn hộ nghèo Gia Lai

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Năm 2019, Ngân hàng Chính sách Xã hội (CSXH) đã nâng mức cho vay tối đa với hộ nghèo lên 100 triệu đồng. Tuy nhiên, số hộ trên địa bàn tỉnh được vay mức này chưa nhiều. Để giúp hộ nghèo có điều kiện đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh, nâng cao đời sống, trong năm 2020, Ngân hàng CSXH tỉnh sẽ đẩy mạnh cho vay mức tối đa. 
Năm 2016, gia đình ông Đinh Chrâm (thôn 4, xã Kông Pla, huyện Kbang) được Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH huyện cho vay vốn hộ nghèo với mức 30 triệu đồng để đầu tư trồng mía. Nhờ biết tính toán chi tiêu, tiết kiệm hợp lý, sau 3 năm, gia đình ông đã thoát nghèo và trả hết nợ ngân hàng. Năm 2019, Phòng Giao dịch tiếp tục tạo điều kiện cho gia đình ông vay vốn chương trình hộ mới thoát nghèo với mức vay tối đa 100 triệu đồng trong thời gian 4 năm. Ông Chrâm cho hay: “Dù đã thoát nghèo nhưng gia đình mình vẫn còn khó khăn, rất cần vốn sản xuất. Được ngân hàng cho vay 100 triệu đồng, gia đình đã mua 5 con bò về nuôi”. Theo tính toán của ông Chrâm, hàng năm, gia đình sẽ cố gắng để dành số tiền bán bò con và các sản phẩm phụ để trả bớt nợ ngân hàng.
 Năm 2020, Ngân hàng CSXH tỉnh sẽ đẩy mạnh cho vay hộ nghèo với mức tối đa là 100 triệu đồng/hộ. Ảnh internet
Năm 2020, Ngân hàng CSXH tỉnh sẽ đẩy mạnh cho vay hộ nghèo với mức tối đa là 100 triệu đồng/hộ. Ảnh internet
Cho vay hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo luôn là các chương trình trọng tâm của Ngân hàng CSXH tỉnh. Các hộ nghèo, cận nghèo, hộ mới thoát nghèo có nhu cầu, đủ điều kiện đều được tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi. Trong năm 2019, doanh số cho vay hộ nghèo của Ngân hàng đạt 251,3 tỷ đồng/6.975 lượt hộ vay, cho vay hộ cận nghèo đạt 322 tỷ đồng/8.407 lượt hộ vay, cho vay hộ mới thoát nghèo đạt 344,2 tỷ đồng/8.580 lượt hộ vay. Không chỉ ưu tiên về nguồn vốn, năm 2019, Ngân hàng đã triển khai có hiệu quả việc nâng mức cho vay tối đa lên 100 triệu đồng đối với hộ nghèo, cận nghèo, hộ mới thoát nghèo theo Quyết định số 12/QĐ-HĐQT ngày 22-2-2019 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Theo đó, toàn tỉnh có 246 hộ được vay với số tiền 15,1 tỷ đồng.
Ông Lê Văn Chí-Giám đốc Ngân hàng CSXH tỉnh-cho biết: “Chúng tôi đã chỉ đạo các Phòng Giao dịch xây dựng phương án để triển khai nâng mức cho vay lên 100 triệu đồng. Trên thực tế, Ngân hàng căn cứ vào nhu cầu của hộ vay, mức độ hiệu quả của phương án sử dụng vốn đến đâu thì cho vay đến đó chứ không cho vay ồ ạt nhằm bảo đảm chất lượng tín dụng. Trên cơ sở bám sát vào số liệu điều tra hộ nghèo, cận nghèo, hộ mới thoát nghèo cuối năm 2019, Ngân hàng sẽ chủ động triển khai cho vay từ những ngày đầu tiên của năm 2020, đẩy mạnh cho vay tối đa 100 triệu đồng”.
Kết thúc năm 2019, tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh giảm được 3% nhưng số hộ cận nghèo lại tăng 10,06%. Mục tiêu của tỉnh trong năm 2020 là tiếp tục giảm 2,54% hộ nghèo. Theo ông Lê Văn Thành-Phó Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội: “Công tác giảm nghèo càng về cuối càng khó khăn khi số hộ nghèo giảm thì một bộ phận lại rơi vào cận nghèo, có xu hướng tái nghèo. Do đó, trong năm 2020, Ngân hàng CSXH cần tiếp tục tập trung đầu tư vốn cho hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo. Tuy nhiên, một vấn đề đặt ra là người dân có dám vay tối đa 100 triệu đồng không? Trong khi hiện nay, mức vay bình quân vốn tín dụng chính sách chỉ gần 33 triệu đồng/hộ. Đây cũng là điểm nghẽn, điểm khó trong công tác cho vay giảm nghèo”.  
Để vốn tín dụng ưu đãi thực sự phát huy hiệu quả trong hoạt động sản xuất của người dân và hộ nghèo mạnh dạn tiếp cận vốn vay ưu đãi với mức tối đa là vấn đề đặt ra không chỉ với Ngân hàng CSXH. Tại cuộc họp tổng kết công tác năm 2019 của Ngân hàng CSXH tỉnh mới đây, ông Nguyễn Đức Hoàng-Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng ban đại diện Ngân hàng CSXH tỉnh-cho rằng: “Người nghèo vay 100 triệu đồng không đơn giản. Tôi thống nhất với quan điểm của Ngân hàng là cho vay theo nhu cầu và phải đặt hiệu quả sử dụng vốn lên hàng đầu. Để bà con mạnh dạn vay vốn 100 triệu đồng, cần hướng dẫn người dân lập phương án, kế hoạch sản xuất kinh doanh cụ thể, gắn với công tác khuyến nông, khuyến lâm tại cơ sở nhằm hỗ trợ bà con nắm vững kỹ thuật sản xuất. Do vậy, đề nghị chính quyền địa phương cấp huyện, cấp xã phải quan tâm chủ động vào cuộc hỗ trợ hộ nghèo”.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Hoàng cũng lưu ý, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã có chủ trương phát triển mô hình hợp tác và có nhiều chính sách hỗ trợ. Đề nghị Ngân hàng CSXH tỉnh lên kế hoạch làm việc cụ thể với các địa phương, lựa chọn địa phương làm mô hình thí điểm về việc đưa hộ nghèo tham gia hợp tác xã. Các địa phương cần phối hợp chặt chẽ với Ngân hàng bởi đây là lối mở giải quyết vấn đề thiếu vốn của hợp tác xã hiện nay, đồng thời hỗ trợ cho hộ nghèo phát huy hiệu quả vốn vay, phát triển sản xuất theo mô hình tập thể.  
SƠN CA

Có thể bạn quan tâm