Kinh tế

Giá cả thị trường

Chủ động ứng phó với giá cả leo thang - Kỳ 2: Gặp khó do giá xăng, gas

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Tác động từ việc tăng giá xăng dầu và gas khiến các doanh nghiệp đã khó lại chồng thêm khó, còn người dân phải chật vật tính toán, tiết kiệm chi tiêu.

Doanh nghiệp “gồng mình”

Bà Trần Thị Ánh-Phó Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Mai Linh Gia Lai-cho biết: “Chúng tôi chưa có kế hoạch tăng giá cước taxi. Mặc dù với giá xăng dầu như hiện tại, chúng tôi đang phải “gồng” rất nhiều. Tới khi nào không “gồng” được nữa thì mới tính tới chuyện tăng giá cước. Lần tăng giá gần đây nhất của Mai Linh taxi là hồi tháng 11-2021, khi giá xăng tăng từ 17.000 đồng lên 26.000 đồng/lít. Hồi đó, giá cước cũng chỉ tăng 600 đồng/km”.

Giá gas tăng khiến chi phí trong các gia đình cũng tăng.
Giá gas tăng khiến chi phí trong các gia đình cũng tăng. Ảnh: Vũ Thảo


Giá xăng, gas tăng cũng tác động rất lớn tới các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ, nhà hàng. Công ty TNHH một thành viên Mạch An Phát (TP. Pleiku) là một ví dụ. Ông Nguyễn Võ Tùng Lâm-Giám đốc Điều hành Công ty-cho hay: “Khi giá xăng, gas tăng, chi phí vận chuyển các loại hàng hóa của chúng tôi cũng tăng lên 5%; các loại nguyên liệu như rau, củ, nước uống tăng khoảng 10%, chi phí chất đốt tăng thêm 10-15%. Nhưng do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, nhu cầu của khách hàng rất ít, chúng tôi không thể tăng giá dịch vụ. Ngược lại, để giữ khách, chúng tôi còn phải có thêm những chương trình ưu đãi như tặng thêm món ăn hoặc voucher khuyến mãi. Nói chung, doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ thời điểm này đang vô cùng khó khăn”.

Ông Cao Văn Quang-Giám đốc Chi nhánh Công ty cổ phần công-nông nghiệp Tiến Nông khu vực Tây Nguyên-chia sẻ: “Nông dân bình thường đã rất khó khăn rồi. Giờ tất cả các loại vật tư nông nghiệp đều tăng giá mạnh nên họ bắt đầu giảm đầu tư cho vườn cây. Ngày trước, để bón cho 1 ha cà phê cần 1-1,5 tấn phân với chi phí khoảng 15 triệu đồng. Còn bây giờ, chi phí lên đến 20-25 triệu đồng, người nông dân khó mà theo được. Doanh thu của doanh nghiệp theo đó cũng giảm theo. Ước tính quý I-2022, doanh thu của chúng tôi giảm khoảng 30%”.

Ông Nguyễn Thanh Hải-đại diện Tổng đại lý gas, bếp gas, điện máy Thanh Hải (TP. Pleiku) cho hay: “Giá gas nhập khẩu tăng cao dẫn đến thị trường trong nước cũng tăng theo. Giá gas tăng cao như vậy đã gây khó khăn cho người tiêu dùng cũng như các công ty kinh doanh gas do đầu ra giảm sút nhiều. Nếu trước kia mỗi tháng, sản lượng gas tiêu thụ khoảng 7 tấn thì nay giảm chỉ còn chừng 5 tấn. Do dịch bệnh nên các cơ sở kinh doanh ăn uống, nhà hàng đóng cửa hoặc chỉ bán cầm chừng; các bếp ăn trường học cũng đóng cửa. Bên cạnh đó, giá gas tăng mạnh khiến nhiều gia đình dùng hạn chế hoặc chuyển sang dùng bếp điện”.

Người dân gặp khó

Anh Huỳnh Chí Sỹ (tổ 2, phường Hoa Lư, TP. Pleiku) cho hay: “Nếu trước đây, xe máy của tôi chỉ cần đổ 90 ngàn đồng là đầy bình xăng thì nay phải đổ đến 150 ngàn đồng. Do đặc thù công việc của tôi phải đi lại nhiều nên hàng tuần chi phí xăng xe đã ngốn hết khoảng 300 ngàn đồng. Đó là chưa kể giá xăng dầu tăng đã khiến nhiều loại hàng hóa, dịch vụ trên thị trường tăng theo. Một tô phở bình dân trước kia chỉ 25 ngàn đồng, giờ cũng tăng giá lên 30 ngàn đồng”.

 Giá một số mặt hàng tại các chợ truyền thống đã tăng nhẹ sau khi xăng, dầu tăng giá. Ảnh: Vũ Thảo
Giá một số mặt hàng tại các chợ truyền thống đã tăng nhẹ sau khi xăng, dầu tăng giá. Ảnh: Vũ Thảo

Tại các chợ truyền thống, giá rau xanh đã tăng khoảng 1-2 ngàn đồng/bó; các mặt hàng thịt gia súc, gia cầm, thủy hải sản tăng trung bình 20.000 đồng/kg; giá gạo tăng trung bình 3-5 ngàn đồng/kg.

Với những người kinh doanh phải đi giao hàng tận nơi thì việc xăng liên tục tăng giá đã tác động rất lớn đến lợi nhuận. Theo anh Nguyễn Quang Vinh (tổ 3, phường Tây Sơn, TP. Pleiku) giá xăng tăng khiến chi phí đi giao hàng bị đội lên rất nhiều. Những lần trước khi giá xăng tăng, cửa hàng cố gắng chia sẻ bớt lợi nhuận lợi để kiềm giá. Nhưng gần đây, giá xăng liên tục tăng cao như vậy thì cửa hàng khó giữ được giá bán. “Tôi sẽ tính đến phương án cộng thêm chi phí để tăng giá bán hàng lên một chút hoặc là tính thêm phí ship, chứ đà tăng giá cứ kéo dài mình cũng ảnh hưởng nhiều đến lợi nhuận”-anh Vinh nói.

Lý giải nguyên nhân tăng giá, các tiểu thương cho rằng do chi phí vận chuyển cao nên các đầu mối, nhà cung ứng đã chủ động điều chỉnh giá bán. Theo quan sát tại một số chợ, giá các mặt hàng gia vị như dầu ăn, nước mắm, đường đã tăng 5-15%; giá thực phẩm tươi sống như rau củ quả nhập từ Đà Lạt và các tỉnh miền Tây hay cá, tôm, mực cũng bắt đầu nhích lên đáng kể.

Chị Trần Thị Nhi-tiểu thương kinh doanh hải sản tại chợ Bà Định (TP. Pleiku) cho biết: Kể từ khi giá xăng dầu tăng mạnh, mỗi thùng hàng gửi từ Quy Nhơn lên Pleiku bị thu thêm 15 ngàn đồng. Đó là chưa kể các mối ghe thông báo họ cũng tăng giá bán tất cả các loại hải sản thêm 5-10 ngàn đồng/kg. Do đó, giá hải sản đến tay người tiêu dùng cũng đã tăng 10-15 ngàn đồng/kg. Đối với các loại cá đánh bắt xa bờ như cá mú, cá thu, cá bớp giá đã tăng thêm 40 ngàn đồng/kg.

Chị Bùi Thị Thu Hà (tổ 10, phường Ia Kring, TP. Pleiku) than thở: “Vợ chồng tôi làm công nhân, mỗi tháng thu nhập tổng cộng hơn 17 triệu đồng. Khoản tiền đó lo cho 2 đứa con đi học, chi phí ăn uống, sinh hoạt nên phải rất tiết kiệm mới đủ. Thế mà giờ giá gas, giá xăng đều tăng vọt. Không những vậy, giá cả nhiều mặt hàng trên thị trường cũng tăng theo giá nhiên liệu. Thời buổi bão giá làm cho chất lượng bữa cơm hàng ngày của gia đình tôi giảm đi đáng kể”.

 

HÀ DUY - VŨ THẢO

Có thể bạn quan tâm