Kinh tế

Chủ động ứng phó với thiên tai

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Ngay khi bước vào mùa mưa, công tác phòng-chống thiên tai với các phương án ứng phó nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại đã được các địa phương, cơ quan, đơn vị đặc biệt chú trọng.

 4 phòng học tại điểm trường làng Bôn (xã Lơ Ku, huyện Kbang) bị lốc xoáy làm tốc mái ngày 10-5. Ảnh: Như Hướng
4 phòng học tại điểm trường làng Bôn (xã Lơ Ku, huyện Kbang) bị lốc xoáy làm tốc mái ngày 10-5. Ảnh: Như Hướng

Theo Thường trực Ban Chỉ huy phòng-chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Gia Lai, những tháng đầu năm 2016, tình hình thời tiết và thủy văn trên địa bàn tỉnh diễn biến rất phức tạp. Đặc biệt, từ tháng 4 đến nay, một số địa phương xuất hiện thời tiết cực đoan như lốc xoáy, mưa đá gây thiệt hại khoảng 14 tỷ đồng…

Ông Võ Văn Hưng-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Kông Chro cho biết: Để chủ động ứng phó với thiên tai trong mùa mưa lũ năm nay, UBND huyện đã củng cố và kiện toàn lại Ban Chỉ huy phòng-chống thiên tai của huyện và các xã; xây dựng các phương án phòng-chống thiên tai ở các vùng xung yếu; tuyên truyền, vận động người dân chủ động phòng tránh thiên tai. Bên cạnh đó, các đơn vị liên quan đã tăng cường kiểm tra các công trình thủy lợi đang trong giai đoạn thi công, sửa chữa để sớm hoàn thành trước mùa mưa lũ… Công tác phòng-chống lụt bão, giảm nhẹ thiên tai luôn sẵn sàng theo phương châm “4 tại chỗ” nhằm giảm thiểu thấp nhất thiệt hại.

Để chủ động ứng phó với diễn biến khó lường của thời tiết, UBND tỉnh Gia Lai đã có nhiều văn bản chỉ đạo các sở, ngành và các địa phương kiện toàn Ban Chỉ huy phòng-chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các cấp; triển khai thu quỹ phòng-chống thiên tai tỉnh. Thực hiện nghiêm kế hoạch ứng phó với bão, áp thấp nhiệt đới, lũ quét, sạt lở đất. Bên cạnh đó, tiếp tục di dời dân vùng ven sông, suối thường xuyên bị ngập lụt đến nơi an toàn… Chủ động xuất ngân sách hỗ trợ kịp thời người dân vùng thiên tai; mở các lớp tập huấn hướng dẫn kỹ thuật về phòng-chống thiên tai cho cán bộ và các lực lượng tham gia phòng-chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn. Đề xuất mua thêm các phương tiện phục vụ công tác tìm kiếm cứu nạn; lập phương án huy động các lực lượng, phương tiện cần thiết cho từng vùng… Đặc biệt, tỉnh đã xây dựng quy chế phối hợp với các chủ hồ, đập thủy lợi, thủy điện trong vận hành xả lũ vào mùa mưa. Bên cạnh đó, công tác chuẩn bị lực lượng, vật tư, phương tiện và trang-thiết bị đã được thực hiện sớm. Ban Chỉ huy phòng-chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh đã chuẩn bị một lượng lớn hàng hóa dự trữ gồm 50.000 thùng mì tôm, 15 tấn lương khô, 500 tấn gạo, 12.000 thùng nước uống đóng chai, 50 tấn lương thực và thực phẩm khác cùng 10.000 tấm lợp. Ngoài ra, dự phòng ngân sách tỉnh là hơn 53 tỷ đồng và dự phòng ngân sách cấp huyện khoảng 82 tỷ đồng.

Trong buổi làm việc mới đây, ông Phan Tâm-Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, thành viên Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng-chống thiên tai đánh giá: Công tác ứng phó với thiên tai của tỉnh Gia Lai trong thời gian qua rất tốt, chủ động và kịp thời, bám sát sự chỉ đạo, điều phối các lực lượng ứng phó, hạn chế được thiệt hại. Trong thời gian tới, tỉnh cần tiếp tục bám sát sự chỉ đạo, cập nhật tình hình thiên tai, rà soát kế hoạch, xây dựng phương án ứng phó rủi ro ở các cấp độ…

Theo dự báo của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương, năm nay, lũ trên các sông khu vực Tây Nguyên nhiều khả năng sẽ xuất hiện muộn hơn trung bình nhiều năm. Trước khả năng xuất hiện lũ lớn, lũ quét trên một số sông, suối nhỏ, các sở, ngành liên quan của tỉnh và các địa phương đã chuẩn bị các phương án ứng phó nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra.       

Nguyễn Hồng

Có thể bạn quan tâm