Khoa học - Công nghệ

Tin tức công nghệ

Chữ ký điện tử là gì, giống chữ ký số?

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

Chữ ký điện tử là một dạng chữ ký được tạo ra bởi phương tiện dữ liệu chứa đựng các thông tin dữ liệu, được sử dụng để xác nhận người ký và sự chấp thuận của họ đối với nội dung ký kết.

Luật Giao dịch điện tử 2023 đã được Quốc hội thông qua, có hiệu lực từ ngày 1.7.2024, thay thế cho luật Giao dịch điện tử 2005. Luật này có quy định về chữ ký điện tử và nguyên tắc sử dụng.

chukydientu-dd.jpg
Chữ ký điện tử phải được tạo lập theo quy định của pháp luật. ẢNH: MỸ DIỆP

Chữ ký điện tử và nguyên tắc sử dụng

Liên quan vấn đề trên, luật sư Nguyễn Thị Huyền, Văn phòng luật sư Hà Hải và cộng sự, cho biết chữ ký điện tử là một dạng chữ ký được tạo ra bởi phương tiện dữ liệu chứa đựng các thông tin dữ liệu (chữ, ký hiệu, âm thanh, hình ảnh...) được sử dụng để xác nhận người ký và sự chấp thuận của họ đối với nội dung ký kết.

Theo luật Giao dịch điện tử 2023, các cá nhân có thể phải sử dụng chữ ký số công cộng do nhà cung cấp dịch vụ bên thứ ba cấp trong các giao dịch điện tử thông thường.

Trước đây, theo điều 23 luật Giao dịch điện tử 2005 quy định về nguyên tắc sử dụng chữ ký điện tử gồm quyền thỏa thuận của các bên khi tham gia giao dịch điện tử và chữ ký điện tử của cơ quan nhà nước, nhưng luật Giao dịch điện tử 2023 đã loại bỏ các quy định này.

Tuy nhiên, việc sử dụng chữ ký điện tử vẫn tuân theo những nguyên tắc cơ bản như chữ ký điện tử được sử dụng trong tất cả các giao dịch dân sự, trừ một số giao dịch đặc thù mà pháp luật có quy định khác. Chữ ký điện tử phải được tạo lập theo quy định của pháp luật.

Có 3 loại chữ ký điện tử

Theo khoản 1 điều 22 luật Giao dịch điện tử 2023, chữ ký điện tử được phân loại theo phạm vi sử dụng, gồm:

* Chữ ký điện tử chuyên dùng: Được dùng trong mỗi doanh nghiệp tương ứng với chức năng mà doanh nghiệp quy định trong các giao dịch dân sự. Do cơ quan, tổ chức tạo lập, sử dụng riêng cho hoạt động của cơ quan, tổ chức đó phù hợp với chức năng, nhiệm vụ.

* Chữ ký số công cộng: Được sử dụng trong hoạt động công cộng, bảo đảm bởi chứng thư chữ ký số công cộng, được đăng ký bởi thuê bao sử dụng chứng thư điện tử, được thể hiện dưới dạng USB Token, dùng để kê khai thuế hoặc các thủ tục hành chính theo yêu cầu của cơ quan nhà nước, doanh nghiệp.

* Chữ ký số chuyên dùng công vụ: Được sử dụng trong hoạt động công vụ và được bảo đảm bởi chứng thư chữ ký số chuyên dùng công vụ. Loại chữ ký số này có phần đặc biệt so với các loại chữ ký số khác, là hoạt động có tính đặc thù, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức và cá nhân bảo lưu nhằm thực thi công vụ của nhà nước, thực hiện nhiệm vụ chính trị với cấp độ an toàn, bảo mật cao hơn.

chukydientu-2.jpg
Luật sư Nguyễn Thị Huyền, Văn phòng luật sư Hà Hải và cộng sự. ẢNH: NVCC

Giá trị pháp lý của chữ ký điện tử

Theo điều 23 luật Giao dịch điện tử 2023, chữ ký điện tử có giá trị pháp lý như không bị phủ nhận giá trị pháp lý chỉ vì được thể hiện dưới dạng chữ ký điện tử; đồng thời bảo đảm an toàn, có giá trị pháp lý tương đương chữ ký cá nhân trong văn bản giấy.

Luật sư Huyền cho rằng, trường hợp pháp luật quy định văn bản phải được cơ quan, tổ chức xác nhận thì yêu cầu đó được xem là đáp ứng đối với một thông điệp dữ liệu, nếu thông điệp dữ liệu đó được ký bằng chữ ký điện tử chuyên dùng bảo đảm an toàn hoặc chữ ký số của cơ quan, tổ chức đó.

Cũng theo luật sư, chữ ký điện tử sẽ đảm bảo được giá trị pháp lý trong tất cả các giao dịch dân sự, trừ trường hợp luật quy định khác, bởi chữ ký điện tử được tạo ra hợp pháp nhằm đáp ứng yêu cầu thiết lập chữ ký điện tử theo luật Giao dịch điện tử 2023.

Điểm giống và khác nhau giữa chữ ký điện tử và chữ ký số

*Giống nhau: Chữ ký số và chữ ký điện tử đều dùng để thay thế cho chữ ký tay, con dấu của cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp khi giao dịch trên môi trường điện tử. Ngoài ra, còn mang đến nhiều lợi ích cho khách hàng nên có nhiều điểm chung như có giá trị pháp lý theo quy định của pháp luật; giúp việc lập hồ sơ, báo cáo thuế trực tuyến của doanh nghiệp thuận lợi hơn; đơn giản hóa quy trình làm việc, linh hoạt trong cách ký kết tài liệu; tiết kiệm thời gian và chi phí khi thực hiện giao dịch điện tử…

*Khác nhau: Chữ ký số và chữ ký điện tử có những điểm khác biệt nhất định về tính chất, tiêu chuẩn, tính năng; cơ chế xác thực; tính pháp lý, bảo mật; phần mềm độc quyền, chi phí và cách sử dụng.

Theo Dương Quỳnh Trang (TNO)

Có thể bạn quan tâm